Ở thời điểm cả thế giới cùng kỷ niệm 250 năm ngày sinh nhà soạn nhạc thiên tài Đức Ludwig van Beethoven (1770-1827), Laura Tunbridge - giáo sư âm nhạc nổi tiếng thuộc trường Đại học Oxford (Anh) - đã phát hành cuốn sách tiểu sử kiêm phê bình âm nhạc A Life In Nine Pieces vào hôm 16/7.

250 năm ngày sinh Beethoven: Những điều ít biết về 'Napoleon của âm nhạc'

(Thethaovanhoa.vn) - Ở thời điểm cả thế giới cùng kỷ niệm 250 năm ngày sinh nhà soạn nhạc thiên tài Đức Ludwig van Beethoven (1770-1827), Laura Tunbridge - giáo sư âm nhạc nổi tiếng thuộc trường Đại học Oxford (Anh) - đã phát hành cuốn sách tiểu sử kiêm phê bình âm nhạc A Life In Nine Pieces vào hôm 16/7. 

Trong cuốn sách này, giáo sư Tunbridge đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về cuộc đời, gia đình và bạn bè nhà soạn nhạc.

Cá tính & sở thích

Qua tư liệu, người hâm mộ vẫn biết về Beethoven là một thiên tài hay gắt gỏng, nóng tính nhưng lãng mạn. Và vào thời điểm Beethoven qua đời, ông là nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất thế giới. 

Bi kịch thay, trong những năm sau này ông bị điếc. Căn bệnh này đã khiến nhà soạn nhạc gặp nhiều khó khăn hơn trong giao tiếp. Có lần đi ngoài đường, gặp một người bạn quen, Beethoven rút ra trong túi một cây bút chì, một cuốn sổ con rồi nói: “Muốn nói chuyện với tôi thì cứ viết lên mặt giấy này!”. Hay tại buổi ra mắt của Ode To Joy (Ode hoan ca), một phần trong Bản giao hưởng số 9 của ông, Beethoven đã phải quay người xuống khán giả để thấy họ hưởng ứng với bản nhạc mới của mình như thế nào qua những tràng vỗ tay cuồng nhiệt

Hồi tháng 12/2005, Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne ở Chicago (Mỹ) đã đưa ra bằng chứng là ngay từ thời thanh niên Beethoven đã bị nhiễm độc chì rất nặng. Công bố này dựa vào sự phân tích một mẫu xương sọ của Beethoven bằng X quang và cho thấy ông đã chịu đựng điều này ngay từ tuổi 20.

Nhà soạn nhạc Beethoven

Các tư liệu lịch sử còn cho biết, cũng ngay từ khoảng 20 tuổi, tính cách của Ludwig van Beethoven đã bắt đầu thay đổi theo hướng thất thường. Đó cũng có thể là lý do để hiểu tại sao Beethoven là người thích tranh cãi và nóng tính. 

Tương truyền rằng ngay sau khi trình diễn ra mắt bản Sonata Kreutzer hồi năm 1803 - bản nhạc được Beethoven sáng tác dành tặng người bạn của ông là nghệ sĩ violon nổi tiếng người Âu gốc Phi George Bridgetower - 2 người đã quyết định “ăn mừng” sự kiện này với vài ly rượu. Nhưng sau đó họ bỗng lao vào ẩu đả lẫn nhau chỉ vì một người phụ nữ mà Beethoven đã để mắt tới. Phải khá lâu sau đó, họ mới làm hòa. 

Trong cuốn sách mới, Tunbridge còn nhắc tới việc Beethoven là người nghiện cà phê. Cứ sáng ra là ông phải làm một cốc cà phê được pha theo đặc biệt của riêng mình, sau khi cẩn thận đếm ra đủ 60 hạt cà phê. Phải uống hết cốc ấy, Beethoven mới xuống làm việc.

Không hiểu có phải vì cà phê hay không mà Beethoven có sức làm việc phi thường. Trong một màn hòa nhạc, ông có thể trình diễn 2 bản giao hưởng - Bản giao hưởng số 5 và Bản giao hưởng số 6 - cùng bản Concerto số 4 soạn cho piano. 

Tự nhận là Napoleon trong âm nhạc

Beethoven sinh ra ở Bonn (Đức). Ở tuổi 11, Beethoven đã là một thần đồng âm nhạc khi biểu diễn như một nghệ sĩ piano điêu luyện tại Hà Lan. Cũng trong thời gian này, ông cũng được cử làm phụ tá chơi đàn organ trong nhà thờ tại Bonn. Nhưng phải đến khi tới Vienna (Áo) ở tuổi ngoài 20, Beethoven mới thật sự làm nên tên tuổi.

Bìa cuốn sách "A Life In Nine Pieces"

Vienna lúc đó là một thành phố sôi động với nhiều cung điện và các nhà bảo trợ, được coi là kinh đô âm nhạc thế giới, là “chiếc nôi” của các nhà soạn nhạc thiên tài Mozart và Haydn. Tuy nhiên trong thời điểm ấy, một nhạc sĩ không thể ganh đua được trong nghề của mình mà không có nhà quý tộc nào bảo trợ. Theo lời giáo sư Tunbridge, Beethoven luôn biết mình cũng giống như bất kỳ nhạc sĩ cần cù nào - luôn kẹt tiền và biết sự nổi tiếng và tài năng của mình sẽ “tô điểm” cho danh tiếng của bất cứ ai.

Khi tới Vienna, Beethoven được Joseph Haydn và Antonio Salieri nhận làm học trò. Nhờ sự giới thiệu cũng như tài năng của mình, Beethoven đã được những người có thế lực bậc nhất của Vienna như nam tước Van Swieten và nữ vương hầu Lichnowsky nhận đỡ đầu.

Mở ra trước một Beethoven trẻ tuổi, châu Âu thời điểm đó tràn ngập tinh thần cách mạng. Cuộc cách mạng Pháp vừa diễn ra không lâu, trong khi các cuộc viễn chinh của Napoleon đang diễn ra khắp lục địa già.

Niềm hứng khởi của Beethoven về những tư tưởng tự do và bác ái của cuộc cách mạng được phản ánh trong các tác phẩm của ông sau này, đặc biệt là trong vở nhạc kịch Fidelio. Thêm nữa, Giáo sư Tunbridge còn khảo sát rất kỹ mối quan hệ giữa âm nhạc cách mạng trong Bản giao hưởng Eroica (số 3) của Beethoven và dấu ấn cách mạng của thời đại.

Đáng nói, Beethoven còn bị Napoleon mê hoặc đến mức ông tự coi mình là một nhân vật tương đương trong lĩnh vực âm nhạc. Nói cách khác, ông tự nhận thấy bản thân và Napoleon là 2 người khổng lồ trong lĩnh vực của mình. Ban đầu, Beethoven quyết định dành tặng bản Eroica cho Napoleon. Nhưng khi Napoleon lên ngôi hoàng đế năm 1804, Beethoven tuyên bố: “Giờ ông sẽ chà đạp lên tất cả các quyền của con người…” và sau đó đã xé lời đề tặng trong bản nhạc.

Bi kịch cuối đời

Trong một lá thư dài gửi những người anh em mình, được tìm thấy sau khi Beethoven qua đời, nhà soạn nhạc giải thích lý do tại sao ông có vẻ “xấu tính, bướng bỉnh hoặc thù ghét người khác”. 

Đó là năm 1802, năm Beethoven mất đi thính giác: “Nỗi bất hạnh của tôi gấp đôi nỗi đau đớn vì tôi bị hiểu lầm. Tôi phải sống gần như đơn độc như một kẻ lưu vong” - ông từng viết.  Người hâm mộ thấy thật đau đớn khi đọc những dòng thư này khi hiểu rằng: Chỉ nhờ âm nhạc, Beethoven mới có thể cân bằng được cuộc sống của mình.

Một câu chuyện ít biết khác: Beethoven nghiện rượu vang. Khi cơ thể ông đau ốm gần như tê liệt, nhà soạn nhạc đã thốt lên câu nói cuối cùng: “Đáng tiếc, đáng tiếc, quá muộn!” khi thứ rượu vang mà ông trông mong lúc đó mới được đưa tới. Thốt lên câu đó rồi Beethoven chìm vào hôn mê 2 ngày. Trong những giây phút cuối đời, soạn nhạc đã mở mắt và nắm chặt tay, thể hiện sự bướng bỉnh và kiên quyết đến cùng của mình.

Tác phẩm sắp đặt “Ode To Joy” được ra mắt tại công trình tưởng niệm Beethoven ở Bonn

*700 Beethoven đang mỉm cười: Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Beethoven, thành phố Bonn, nơi “chôn rau cắt rốn” của ông đã cho ra mắt tác phẩm sắp đặt mang tên Ode To Joy, trong đó  700 bức tượng chân dung nhà soạn nhạc được đặt xung quanh công trình tưởng niệm ông tại trung tâm thành phố. Đáng chú ý, tất cả những bức tượng này đều thể hiện gương mặt Beethoven đang cười, chứ không hề cau có như sinh thời.

Việt Lâm