15 năm tìm 'những hàng mi thép' Hà Nội

20/07/2014 09:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ những ngày ngụ cư ở khu tập thể Đại học Kinh tế Quốc dân, Trần Hậu Yên Thế ấp ủ một dự định. Đó là ghi lại những ký ức về di sản của Hà Nội. Những di sản đang khuất lấp dần và sắp biến mất trong đời sống đương đại. Kể từ đó, hành trình dằng dặc 15 năm độc hành nghiên cứu về những “hàng mi thép” (những song cửa sắt) ở Hà Nội của anh bắt đầu.

Và sản phẩm của 15 năm ngược xuôi, đo đạc, phỏng vấn đó của Trần Hậu Yên Thế là cuốn sách Song xưa phố cũ vừa ra đời cách đây không lâu. Ngay khi mới xuất bản, cuốn sách đã nhận được những sự tán dương nhiệt thành của giới lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc.


Bìa cuốn sách Song xưa phố cũ của Trần Hậu Yên Thế

Chạy đua với... đô thị hóa

Trong cuộc tọa đàm về cuốn sách Song xưa phố cũ tại Trung tâm văn hóa Pháp vừa rồi, Trần Hậu Yên Thế nói về quá trình thực hiện cuốn sách: "Đây là cuốn sách của thế hệ 7X viết về Hà Nội. Dường như là thế hệ cuối cùng  được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố trước khi bị nhấn chìm trong làn sóng thương mại hóa toàn cầu với các biển quảng cáo khổ lớn lan tràn trên đường phố. Trong khoảng hơn 15 năm nghiên cứu sưu tầm, tôi rong ruổi các ngõ phố Hà Nội để chụp ảnh, ghi chép, phân loại, tiến hành các bản đạc họa và phỏng vấn gia chủ cũng là khoảng thời gian chạy đua với những biến đổi khốc liệt của đô thị."

Anh chia sẻ thêm: "Một trong những điều tôi muốn nhắn gửi trong công trình của mình là để người đời sau biết rằng: Hà Nội đã từng có "bộ mặt" như thế. Kiến trúc đô thị Thủ đô cũng có thời kỳ đẹp từng centimet như thế. Và Hà Nội ngày nay chúng ta thấy là sản phẩm của một quá trình khác...".


Những song xưa với những đường nét tinh hoa đang bị khuất lấp bởi những biển quảng cáo. Ảnh: Trần Hậu Yên Thế

Cả tuổi thanh xuân lặn lội ngược xuôi theo những “mi sắt”. Trần Hậu Yên Thế cũng đã có lúc cảm thấy nản lòng. Nhất là khi anh nhìn thấy những mi sắt với độc đáo bậc nhất bị chủ nhân đưa vào hàng... sắt vụn. Anh gắng thuyết phục gia chủ giữ lại, nhưng không được. Mi sắt đã giờ là song xưa của phố cũ mất rồi. Chẳng ai "rỗi hơi" mà hoài cổ. Những lúc như vậy, Trần Hậu Yên Thế chỉ biết ngậm ngùi, rồi lại lầm lũi ghi chép, đo đạc và lưu dấu lại tư liệu những mi thép của một Hà Nội xa xưa...

Những song xưa, những phận người

Là người nghiên cứu mỹ thuật song trong công trình của mình, Trần Hậu Yên Thế không chỉ đơn thuần đo đạc, vẽ lại những mi sắt, khung cửa. Anh còn tìm hiểu lịch sử ngôi nhà, phỏng vấn ghi lại những câu chuyện quanh những mi sắt, những ngôi nhà và đặt chúng trong bối cảnh lịch sử của Hà Nội từng thời kỳ. Anh cũng không quên ghi lại những hiện trạng ngôi nhà khi anh khảo cứu. Đặc biệt hơn, anh còn ghi lại những số phận con người quanh những mi sắt.

Hình mô phỏng cửa Trường Trung học Albert Sarraut, nơi gắn bó một thời của những cựu học sinh nổi tiếng như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh,Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Trần Đức Thảo… Ảnh: Theo sách Song xưa phố cũ

Trong Song xưa phố cũ, Trần Hậu Yên Thế viết về song sắt ở số nhà 14 Đường Thành: “Nhà số 14 Đường Thành hiện nay bị biến dạng khá nghiêm trọng do nhiều hộ dân lấn chiếm, cơi nới sửa chữa. Đây là tư gia của quan Tổng đốc Bắc Giang Hoàng Thuỵ Chi. Không chỉ là một ông quan, Hoàng Thuỵ Chi có lẽ là một trong số ít những ông quan triều Nguyễn để lại trước tác, biên khảo về phong tục địa lý. Thư viện Hán Nôm còn lưu giữ 11 cuốn sách, rất đáng lưu ý văn bản Tự Hà Nội chí Ba Lê. Đây là những ghi chép đầu thế kỷ của một ông quan triều đình An Nam từ Hà Nội sang Pháp.

Có thể quan Tổng đốc họ Hoàng này đã đích thân vẽ kiểu cho tấm cửa đi có ba chữ Phúc - Thọ - Lộc, vì lối chữ triện rất cầu kỳ nên không phải là người tinh thông về chữ Hán không dễ gì làm được. Và quả thực cũng chưa cánh cửa nào có chữ Phúc - Lộc - Thọ ở Hà Nội có kết cấu phức tạp như thế này. Chính ngôi nhà và tấm cửa này đã gợi cảm hứng cho bài thơ Người đàn bà và ngôi nhà cổ của Ly Hoàng Ly”.

“Trần Hậu Yên Thế lầm lũi và bền bỉ trên con đường nghiên cứu vi lịch sử về song xưa một cách đơn độc, chênh vênh. Và khi cầm Song xưa phố cũ trên tay rồi đọc, tôi nhận định Trần Hậu Yên Thế đã thành công trên ngả đường độc đáo của mình” (Nhận xét của Họa sĩ Lương Xuân Đoàn).

Còn viết về hoa sắt ban công số 140 phố Bạch Mai, Trần Hậu Yên Thế nêu: “Đây là ngôi nhà hai tầng trên trán nhà có ghi dòng chữ Hán: Đoàn Lê từ đường xây năm 1929-1930. Trán nhà có hình búp sen mang phong cách khá truyền thống. Trái ngược với phần trán nhà, lối trang trí ban công lại rất có cá tính, khá độc đáo và sáng tạo mang phong cách Art Deco. Chữ Đ-L-Đ-T là những chữ cái thể hiện tên của gia chủ Đoàn Tâm Đan- họ bố họ mẹ và tên gia chủ.

Nữ sỹ Đoàn Tâm Đan, hiệu Hồng Ngọc - sinh năm 1903 mất năm 1995. Thân mẫu là Lê Thị Độ, một nữ tướng của bà Ba Đề Thám. Cụ ông họ Đoàn cũng là một vị tướng của Phan Đình Phùng bị giặc Pháp xử tử. Mười tám tuổi bà đã là hiệu trưởng trường Hàng Nón, viết văn cho tờ báo Phụ nữ thời đàm và các diễn đàn văn nghệ khác. Bà tích cực tham gia chống Pháp, bị chính quyền Pháp trục xuất khỏi Hà Nội. Sau đó bà về ở nương náu ở phố Bạch Mai. Năm 1929 dựng thư phòng Hồng Ngọc có hai câu đối: Mỹ Vũ Âu Triều Lâu Hạ Áp - Nùng Vân Nhị Nguyệt Đắc Trung Thanh. Đây là ngôi nhà duy nhất ở Hà Nội có tên họ của một người con gái được trưng ra trên ban công kiêu hãnh trên phố Bạch Mai”.

Và thông điệp "thép"

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư- nhận định về Trần Hậu Yên Thế và Song xưa phố cũ: Trong giới nghiên cứu mỹ thuật, Trần Hậu Yên Thế là người trẻ. Và Thế đã đưa một cách tiếp cận nghiên cứu lịch sử mỹ thuật đầy mới mẻ. Thế lầm lũi và bền bỉ trên con đường nghiên cứu vi lịch sử về song  xưa một cách đơn độc, chênh vênh. Và khi cầm Song xưa phố cũ trên tay rồi đọc, tôi nhận định Trần Hậu Yên Thế đã thành công trên ngả đường độc đáo của mình.

Cũng theo ý kiến của các chuyên gia, cuốn sách là trái ngọt sau 15 năm cần mẫn ươm trồng của Trần Hậu Yên Thế. Nó cũng là lời cảnh tỉnh với những nhà quy hoạch kiến trúc đô thị về những biến thiên khủng khiếp của kiến trúc Hà Nội. Những nét duyên của Hà Nội đã, đang phai tàn. Vẻ đẹp tinh tế của Hà Nội xưa sắp đi vào quên lãng. Nhưng Song xưa phố cũ cũng là món quà vô giá cho những người yêu kiến trúc. Hơn thế, cuốn sách là tư liệu tuyệt vời cho thế hệ này và thế hệ sau có thể phục dựng hay tạo mới theo những mẫu kiến trúc mi thép duyên dáng xưa, để Hà Nội là Hà Nội.

Những biến thiên của bộ mặt đô thị Hà Nội nhìn từ ngôi nhà 38 phố Hàng Bông. Ảnh: Trần Hậu Yên Thế.

Đồng quan điểm với họa sĩ Lương Xuân Đoàn, giáo sư Lê Văn Lan nói: “Cuốn sách của Trần Hậu Yên Thế cho chúng ta một câu hỏi còn bỏ ngỏ, về biện pháp mỹ thuật trong lối kiến trúc và quy hoạch đô thị Hà Nội hiện nay.”

Còn Trần Hậu Yên Thế trong buổi tọa đàm về Song xưa phố cũ cũng mạnh dạn phát ngôn thông điệp "thép" với kiến trúc đô thị Hà Nội đương thời: Những gì được thấy về nghệ thuật hoa sắt trong cuốn sách này giúp ta mường tượng phần nào phố xá ngày xưa. Người Việt vẫn nói nhà cửa, đây là hai chữ Nhà và Cửa ghép lại mà thành. Thời thế đổi thay, người xưa đi mất, cửa cũ không còn, phố phường đã thay hình đổi dạng. Sắt thép tưởng thật chắc bền, nhưng trong cơn lốc thương mại hoá vỉa hè, mặt tiền thành tiền mặt. Vì thế, sắt thép cũng thật mong manh.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, ngày sinh 3/2 /1970.

Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1995. Từ 1998-2003, anh tham dự khoa tập huấn Thiết kế chương trình Mỹ thuật Tiểu học tại Thái Lan; theo học Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh. Từ năm 1996 đến nay, anh là giảng viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 2011, Trần Hậu Yên Thế giới thiệu sách Qua phố nhớ gì, ký ức thành phố ký ức di sản, Nxb Thế Giới; Triển lãm Nhà Tây biến hình (cùng Nguyễn Thế Sơn)...

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm