Vụ tranh giả - tranh nhái: Có thể xử lý hình sự

22/07/2016 14:04 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dù chiều 19/7 Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã ra thông cáo báo chí trong đó có nội dung về “tạm giữ tất cả 17 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ công tác điều tra”, nhưng theo luật về quyền sở hữu tài sản của công dân thì bảo tàng rất khó để được phép tạm giữ.

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Thái Bình Dương (PIAC), luật sư Nguyễn Thành Công (Giám đốc Công ty Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về điều này: “Thực tế hiện nay, dù luật đã quy định khá đầy đủ để đảm bảo việc bảo hộ quyền tác giả, nhưng trong lĩnh vực mỹ thuật thì tình trạng sao chép tranh, làm tranh giả… vi phạm quyền tác giả vẫn diễn ra mà có vẻ như không hề bị xử lý. Ngay vụ việc 17 bức tranh giả, tranh sao chép được tổ chức trưng bày ngay tại Bảo tàng Mỹ thuật  TP.HCM và chỉ được phát giác khi tác giả thực sự của bức tranh bị làm giả lên tiếng”.

* Thưa ông, nhìn từ khía cạnh pháp luật, ông nghĩ sao về vụ lùm xùm tranh giả, tranh nhái và kết luận của hội đồng thẩm định?

- Về các hành vi vi phạm quyền tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ cũng có quy định, cụ thể tại Điều 28 hành vi xâm phạm quyền tác giả, trong đó có: Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; Mạo danh tác giả; Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh…


Luật sư Nguyễn Thành Công

Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả tại điều 14, trong đó điểm g Khoản 1 điều này là tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn, tác phẩm tạo hình là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản.

Điều 3 Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật quy định tác phẩm mỹ thuật là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục, bao gồm: Hội họa (tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, giấy dó và các chất liệu khác)...

Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả đối với tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Điều 736 Bộ luật dân sự 2005 cũng quy định tác giả là người sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Đối với tác phẩm được bảo hộ thì phải là bản gốc - bản được tồn tại dưới dạng vật chất mà trên đó việc sáng tạo tác phẩm được định hình lần đầu tiên.

Tôi cũng cho rằng vụ lùm xùm là một ví dụ sinh động để các bên, để công luận và giới yêu thích sưu tầm nghệ thuật hiểu hơn về thực trạng, sự phức tạp của thị trường mỹ thuật Việt Nam.


 Bức tranh lập thể của Thành Chương bị “hô biến” thành tranh “Trừu tượng” của Tạ Tỵ

* Mức xử phạt hiện nay có phải còn quá thấp, quá nhẹ?

- Tôi không nghĩ vậy, có chăng là chúng ta chưa muốn xử lý mà thôi. Nghị định 131/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có quy định mức xử phạt tối đa với hành vi vi phạm quyền tác giả là 250 triệu đồng với cá nhân vi phạm và 500 triệu đồng với tổ chức vi phạm.

Ngoài ra cá nhân, tổ chức vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm, tên người biểu diễn; Buộc hoàn trả cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm...

Cụ thể với Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm, Điều 18 Nghị định này quy định mức xử phạt 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả và bị buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm được quy định tại Điều 18 Nghị định 131 với mức xử phạt 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng và bị buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Ngoài ra còn các mức xử phạt với các hành vi vi phạm cụ thể khác nhau được quy định tại nghị định 131/2013/NĐ-CP.

Về trách nhiệm hình sự, Điều 171a Bộ Luật Hình sự quy định hình phạt đối với hành vi sao chép, phân phối với quy mô thương mại với khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm.

* Kết luận của hội đồng thẩm định trước mắt có thể chưa đủ tư cách pháp nhân để cơ quan chức năng tạm giữ tranh của ông Vũ Xuân Chung. Anh thì nghĩ sao?

- Đối với trường hợp cụ thể là 17 bức tranh giả - tranh nhái (theo kết luận của hội đồng thẩm định) trong cuộc triển lãm Những bức tranh từ châu Âu về, thì ông Vũ Xuân Chung là người tham gia trực tiếp và có liên quan tới đường dây đưa tranh vào Việt Nam thì sẽ bị xử phạt và xử lý trực tiếp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, cũng như pháp luật hình sự.

Trường hợp ông Vũ Xuân Chung không biết việc những bức tranh mình mua là giả thì có thể khởi kiện người bán trực tiếp, hoặc bên trung gian bán, nếu có. Việc xác định ông Vũ Xuân Chung có liên quan, có biết các bức tranh là giả hay không sẽ do các cơ quan chức năng xác định.

"Nếu cần, nên mời Interpol hợp tác điều tra!"

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, họa sĩ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) cho biết: Hiện tại, chúng ta cũng chưa xác định rõ ông Vũ Xuân Chung là đồng lõa hay nạn nhân trong câu chuyện này. Nhưng kể cả khi có kết luận chính thức về vai trò của nhà sưu tập này thì vụ việc lại còn liên quan tới ông Jean Francois Hubert tại Pháp nữa, nghĩa là chưa thể khép lại.

Cá nhân tôi nghĩ, với sự phức tạp như vậy, rất có thể đây là vụ việc liên quan tới một đường xây xuyên quốc gia trong lĩnh vực làm tranh giả, Bởi vậy, nếu cần chúng ta nên mời Interpol cùng tham gia, nếu không giải quyết được thuần túy ở góc độ trong nước.

Ngân Lượng

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm