Vụ tranh giả - tranh nhái: Cần minh bạch ngay từ khi... bán tranh

23/07/2016 21:08 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Thu hút sự chú ý tối đa của dư luận trong và ngoài nước, vụ tranh giả tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM có phải là cơ hội để giới nghệ thuật “bừng tỉnh” và nhìn lại những hạn chế mà lâu nay chúng ta vẫn không chịu điều chỉnh? Đó là nội dung cuộc trao đổi giữa Thể thao & Văn hóa (TTXVN) và họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm & Nhiếp ảnh, cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Bộ VH,TT&DL về vấn đề này.

Họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết: - Với những dư chấn mà triển lãm gây ra, có thể nói nạn tranh giả đã “chạm đỉnh” và khiến chúng ta không thể chấp nhận ngồi yên được nữa. Sẽ có rất nhiều vấn đề phải rút kinh nghiệm, sửa đổi hoặc xem xét lại từ vụ việc này. Tất nhiên, cũng có những vấn đề thuộc về lịch sử mà chúng ta rất khó sửa đổi ngay. Nhưng, những giải pháp mang tính điều chỉnh trước mắt là có thể.

Cá nhân tôi cho rằng có 2 điều cần được triển khai càng sớm càng tốt trong thời điểm này: thành lập các trung tâm giám định và đấu giá mỹ thuật, đồng thời yêu cầu minh bạch hóa việc mua bán tác phẩm bằng hóa đơn chứng từ có giá trị của Nhà nước.


Họa sĩ Vi Kiến Thành

* Trước hết, xin ông chia sẻ về vấn đề giám định tranh?

- Vụ việc vừa qua là một tai nạn nghề nghiệp thuộc về năng lực thẩm định của bộ phận cấp phép tại TP.HCM, nơi diễn ra cuộc triển lãm. Trên nguyên tắc, quá trình cấp phép triển lãm bao giờ cũng phải gắn liền với việc xem xét tác phẩm. Nếu phía quản lý phát hiện ra vấn đề về nội dung, mà cụ thể ở đây là chuyện tranh thật tranh giả, thì tất nhiên triển lãm không thể diễn ra.

Ở đây, tôi cũng muốn nói thêm: mọi người cần hiểu rằng cấp phép cũng là một hình thức để bảo vệ quyền lợi của tác giả, bảo vệ sự hợp pháp của tác phẩm đã sáng tác ra. Đáng tiếc, dư luận nhiều khi mang tư duy nghi ngờ sẵn, hễ nhắc tới cấp phép là chỉ nghĩ tới việc phía quản lý gây khó dễ cho anh em trong việc trưng bày tác phẩm của mình.

* Vậy việc thành lập trung tâm giám định nên được bắt đầu thế nào?

- Chúng ta có thể thành lập các trung tâm giám định và đấu giá mỹ thuật ở 3 miền. Hiện tại, 3 bảo tàng mỹ thuật VN (tại Hà Nội), Mỹ thuật TP.HCM và Mỹ thuật Đà Nẵng là những bảo tàng lớn trên cả nước. Mỗi bảo tàng này nên có một trung tâm đấu giá và giám định mỹ thuật để minh bạch và công khai hóa các mua bán giao dịch về mỹ thuật.


Bức tranh giả mang tên họa sĩ Dương Bích Liên tại triển lãm

* Còn về vấn đề minh bạch hóa khi mua bán tranh?

- Chúng ta cần áp dụng các chính sách để thu thuế của họa sĩ hoặc nhà sưu tập, tức là những người tham gia trực tiếp vào quá trình mua bán tác phẩm. Họa sĩ nào thông qua hệ thống gallery để tiêu thụ tác phẩm thì các gallery sẽ lo phần này. Việc nộp thuế ấy phải có hóa đơn đỏ. Bởi lẽ, hóa đơn cũng là bằng chứng minh bạch, công khai chứng minh giao dịch này đã diễn ra.

Và dựa trên sự minh bạch về giao dịch cũng như giá tiền ấy, những người mua tác phẩm về sau sẽ sử dụng hóa đơn đỏ làm dấu tích, chứng cứ như một giấy tờ gốc cho lịch sử tác phẩm.

Pháp luật đã áp dụng chung cho mọi hoạt động kinh doanh. Việc mua bán tác phẩm mỹ thuật phải đóng thuế cho Nhà nước. Nhưng hiện nay chỉ có các gallery và các tổ chức đấu giá tác phẩm công khai mới nộp thuế khi làm giao dịch mua bán tác phẩm. Còn những họa sĩ thực hiện giao dịch trực tiếp thì nhiều người không có hóa đơn đỏ, đó là một vấn đề lớn.

Nói ra chuyện ấy, có lẽ nhiều anh em họa sĩ khó chịu. Nhưng, nếu có hóa đơn đỏ, ở những vụ việc kiểu như thế này, chúng ta sẽ sớm tìm ra được đầu mối của việc mua bán tranh và dễ dàng xác định được bản chất câu chuyện.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Đừng quên đăng ký bản quyền cho tranh

Trên nguyên tắc, khi có doanh thu bất thường, một cá nhân muốn xuất hóa đơn thì có thể ra chi cục thuế địa bàn sinh sống để đăng ký mua hóa đơn thuế. Tuy nhiên với lĩnh vực mỹ thuật, tờ hóa đơn thuế chỉ thể hiện nội dung, không thể hiện hình ảnh.

Bởi vậy, cũng nên nghiên cứu những hình thức gắn kết để tờ hóa đơn đó liên quan tới một bức tranh cụ thể và tránh được trường hợp sử dụng một hóa đơn cho nhiều bức tranh.

Nhìn chung, để có hiệu quả trong việc chống tranh giả, việc đăng kí sở hữu bản quyền tác phẩm cho các bức tranh cũng khá quan trọng. Nhiều khi, chính các họa sĩ lại không quan tâm tới điều này, nên chủ các gallery hoặc những người mua bán tranh phải chủ động yêu cầu họa sĩ.

 (Phát biểu của bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, TGĐ Cty đấu giá tranh Lạc Việt)

Sơn Tùng - Ngân Lượng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm