Triển lãm 'giải mã' Van Gogh: 'Van Gogh không điên'

17/03/2014 09:50 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Bảo tàng Musée d’Orsay ở Paris (Pháp) đang tổ chức triển lãm Van Gogh/Artaud: The Man Suicided By Society trình bày những nghiên cứu của Antonin Artaud về danh họa Hà Lan Van Gogh (1853-1890). Triển lãm đã mang đến một cách nhìn mới về cuộc đời và tác phẩm của ông.

Triển lãm trưng bày 40 bức tranh, tuyển hợp các phác họa, thư từ của Van Gogh cùng các tác phẩm đồ họa của đạo diễn sân khấu kiêm nhà soạn kịch Pháp quá cố Antonin Artaud.

Tự sát vì bị xã hội ruồng rẫy

Hồi năm 1947, sau 9 năm nghiên cứu tại các bệnh viện tâm thần, Antonin Artaud (1896-1948) đã được ông chủ phòng trưng bày Pierre Loeb đặt hàng viết về Van Gogh. Kết quả là Artaud đã cho ra đời cuốn tiểu luận đầy ảnh hưởng, bênh vực và tôn vinh danh họa mang tựa đề Van Gogh: The Man Suicided By Society (tạm dịch Van Gogh: Người tự sát vì xã hội).

Danh họa Hà Lan Van Gogh và nhà soạn kịch Pháp Antonin Artaud

Danh họa Hà Lan Van Gogh và nhà soạn kịch Pháp Antonin Artaud

Khi Artaud viết cuốn sách này, ông đã ở chặng cuối của cuộc đời. Cuốn sách đã thách thức lại quan niệm cho rằng Van Gogh bị điên. Artaud khẳng định, xã hội đã không nhận ra tài năng của Van Gogh và người ta đã vận dụng các chẩn đoán y học để giải thích cho những gì họ không hiểu về danh họa. Artaud buộc tội các bác sĩ và em trai của Van Gogh là nhà buôn nghệ thuật Theo, người đã không chỉ lờ đi mà còn cố gắng kìm nén sức biểu cảm nghệ thuật của ông.

“Không, Van Gogh không điên. Ông là một thiên tài, song những người cùng thời lại coi ông là người điên. Họ không chỉ muốn ông chết mà còn muốn ông thừa nhận bệnh tật của mình. Ông bị đẩy đến tuyệt vọng và tự vẫn vào năm 1890, do xã hội ruồng rẫy các tác phẩm của mình” - Artaud viết.

Thấu hiểu vì chung hoàn cảnh

Mặc dù chào đời 6 năm sau khi Van Gogh qua đời, Artaud, tác giả cuốn The Theatre Of Cruelty gây nhiều ảnh hưởng, vẫn cảm thấy có sự gần gũi với họa sĩ tóc đỏ, người đã tự bắn vào bụng mình trong năm 1890.

Cũng giống như Van Gogh, Artaud đã khổ sở suốt cuộc đời bởi chứng ảo giác và nhiều năm phải điều trị trong viện tâm thần. Ông luôn phải xua đuổi những con quỷ trong đầu mình và năm 1948 đã qua đời trên giường bệnh ở tuổi 51, do dùng thuốc ngủ quá liều.

Van Gogh từng phàn nàn với em trai Theo rằng, nhiều khi ông gặp khó khăn trong quá trình vẽ, cứ như thể “làm việc thông qua một bức tường sắt vô hình”, không thể dồn cảm xúc vào cây cọ vẽ. Artaud cũng rơi vào tâm trạng này và nói ông đã có những cuộc vật lộn với nghệ thuật giống như Van Gogh.

Được biết do Artaud mắc chứng tâm thần nên khi đặt hàng Artaud viết sách, Pierre Loeb cũng phải thuyết phục nhà xuất bản cuốn sách rằng ông sẽ là một người “giải mã” lý tưởng về Van Gogh.


Bức tranh Bedroom In Arles của Van Gogh được trưng bày trong triển lãm

Khơi gợi cảm xúc của khách tham quan

Từ tranh vẽ thân cây trong The Garden Of the St. Paul Hospital (1889), mô tả những cái cây cạnh viện tâm thần, tới những hoa văn giấy dán tường trong bức tranh Augustine Roulin (Woman Rocking The Cradle), các bức họa của Van Gogh đều thể hiện những cảm xúc thô ráp và lo âu.

Ngoài ra, khách tham quan tới triển lãm còn được chiêm ngưỡng các họa phẩm nổi tiếng của Van Gogh như Bedroom In ArlesStarry Night cùng những bức tranh ít được biết đến hơn như A Pair Of ShoesCrab On Its Back. Bức tranh Crab On Its Back, mô tả con cua lật ngửa, có thể đã chết, gây cảm giác về sự mong manh, về cái chết và sự vật lộn trong cuộc sống.

Tại cuộc triển lãm mới, các nhà tổ chức còn trưng bày một số họa phẩm của Artaud, nhằm nêu bật sự tương đồng giữa 2 nghệ sĩ. Bà Isabelle Cahn, curator của triển lãm, cho biết mục đích của hoạt động trưng bày lần này không phải để bảo vệ giả thuyết của Artaud. Thay vì thế, các nhà tổ chức hy vọng khách tham gia có thể đưa ra quan điểm của mình về Van Gogh và di sản của ông.

Việt Lâm(tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm