Tôi tin tồn tại tình yêu đồng tính!

29/07/2008 00:48 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhà văn Bùi Anh Tấn vừa được NXB Trẻ ấn hành bốn cuốn sách, trong đó hai cuốn mới toanh (một tiểu thuyết và một tập truyện), hai cuốn in lại. TT&VH đã có cuộc trò chuyện ngắn cùng anh về cuốn tiểu thuyết mới nhất Phương pháp của A.C Kinsey…

* Với nhiều bạn đọc, khi lướt qua cái tên tiểu thuyết mới của anh thấy không liên quan lắm đến vấn đề đồng tính?

Sở dĩ tác phẩm có tên Phương pháp của A.C.Kinsey là vì A.C.Kinsey được coi là “ông tổ” về vấn đề nghiên cứu đồng tính. Ông là người xây dựng phương pháp bậc thang đánh giá về giới tính của con người, nhất là đồng tính. Thế nên cái tên Phương pháp của A.C Kinsey theo tôi đã là quá “lộ liễu”.

* Vậy trong tác phẩm “lộ liễu” này có bước nhận thức nào mới hơn của anh về vấn đề đồng tính?
 
 Nhà văn Bùi Anh Tuấn 
Tác phẩm này là bước tiến, hiểu nhiều hơn của tôi về đồng tính, cũng như có một số quan điểm mới. Đó là tôi luôn có niềm tin rằng giới đồng tính có tình yêu, dù cho đó chỉ là những khoảnh khắc.

* Có một vụ án trong tiểu thuyết. Đó có phải vì trên thực tế anh nhận thấy nguy cơ phạm tội của giới đồng tính luôn ở mức cao?

Tôi không tin rằng nguy cơ tội phạm trong giới đồng tính là cao; không có khả năng này và cũng chả có gì để chứng minh điều này cả. Còn về vụ án trong tiểu thuyết này, thực tế chỉ là một hình thức “mượn” hay còn là một cách viết của tác giả, anh không hề có ý nhấn mạnh đến yếu tố vụ án trong tiểu thuyết này, chỉ là cách viết “quen” tay của một nhà văn công an thôi. Nếu điều tra vụ án thì tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà độ đậm đặc nhiều hơn.

* Trong tác phẩm, có chi tiết anh cho nhân vật phát biểu: 100 thằng đàn ông leo lên sân khấu hát hò, nhảy nhót, làm mẫu... có đến 99 thằng là đồng tính. Anh không sợ đụng chạm?

Không nên quan trọng hóa vấn đề này, nó nằm trong ngữ cảnh của một cuốn tiểu thuyết qua lời nhân vật chứ không phải là sự khẳng định 100% của tác giả. Và không thể khẳng định 100% trong một tiểu thuyết bởi yếu tố hư cấu cao.

* Nếu sử dụng phương pháp bậc thang của A.C.Kinsey cho chính mình, anh nghĩ mình rơi vào cấp độ nào?

Đến giờ tôi vẫn đang tiếp tục “nghiên cứu” bản thân và... chưa tìm ra. Và có một chuyện tôi luôn cho là bình thường thôi là khi gặp tôi, ai cũng đều nghĩ và hỏi liệu tôi có phải đồng tính? Đến nỗi mà những người gặp tôi mà lại cho rằng tôi không đồng tính mới là điều làm tôi cảm thấy đáng ngạc nhiên!

* Điều gì làm anh tâm đắc nhất với cuốn tiểu thuyết mới của mình?

Đó là sự tồn tại của tình yêu đồng tính!

 
Mễ Thuận

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm