Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: "Hiện tượng di sản văn hóa đặc biệt"

17/12/2012 13:54 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây cũng là tín ngưỡng đầu tiên của thế giới được UNESCO vinh danh. Ngoài niềm tự hào, sự kiện này đặt những nhà quản lý văn hóa và cộng đồng trọng trách: Bảo tồn và trao truyền di sản có ý nghĩa đặc biệt của dân tộc và nhân loại.

TT&VH có cuộc trao đổi với PGS - TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, người tham gia xây dựng hồ sơ văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ông cũng là người có mặt trong phiên họp của UNESCO và chứng kiến giây phút tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bước vào ngôi nhà di sản chung của thế giới.

"Hiện tượng di sản văn hóa đặc biệt"

* Điều gì khiến nhóm thực hiện hồ sơ lựa chọn tên "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương", thưa ông?

- Khi lựa chọn Vua Hùng làm đối tượng để làm hồ sơ, rất nhiều tranh luận đã nổ ra. Tỉnh Phú Thọ đã đưa ra những đề xuất về các di tích thời đại đồng thau và sắt sớm; không gian văn hóa Hùng Vương; lễ hội Đền Hùng;… Chúng tôi không ủng hộ những đề xuất trên.

Sau đó, với sự tư vấn của một số nhà khoa học, tất cả đồng thuận lựa chọn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Bởi lẽ, một trong những tiêu chí để công nhận là di sản của nhân loại là "được cộng đồng thừa nhận và trao truyền từ đời này sang đời khác". Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là diện mạo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt nên rất phù hợp với tiêu chí trên. Theo thống kê, hiện tại, Việt Nam có 1.472 di tích thờ Vua Hùng, con cháu và tướng lĩnh của Vua Hùng. Nên đây là một hiện tượng di sản văn hóa rất đặc biệt.

PGS-TS Nguyễn Chí Bền

* Theo ông, hiện tại, tín ngưỡng ấy đang phát triển như nào?

- Nhu cầu hành hương về cội nguồn đang thúc đẩy tín ngưỡng phát triển ngày càng mạnh. Số khách hành hương về Đền Hùng đang tăng nhanh. Người dân ở các làng quê thờ Vua Hùng cũng tổ chức các lễ hội rải rác từ cuối tháng Chạp năm trước đến tận tháng 11 năm sau. Nên tôi cho rằng sự phát triển của tín ngưỡng này đang thể hiện ở cả bề rộng lẫn bề sâu.

* Nhà nước ta trải các thời kỳ đều trân trọng và tổ chức lễ hội Đền Hùng. Điều này tác động tới quá trình làm hồ sơ và xét duyệt ở UNESCO không, thưa ông?

- Đây chính là cửa ải khó khăn nhất mà chúng tôi phải thuyết phục UNESCO. Khác với các tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được thể hiện tất cả những điều thiêng liêng, kỳ ảo trong ngày lễ hội.

Song nhà nước ta các thời kỳ có tác động và khuyến khích các lễ hội và tín ngưỡng này. Hơn 600 năm trước, nhà Lê đã ban hành Ngọc phả Hùng Vương dưới thời Lê Thánh Tông. Theo đó, nhà nước cắt đất giao cho những làng ở xung quanh núi Nghĩa Lĩnh để sản xuất, lấy hoa màu phục vụ việc thờ cúng. Thời Nguyễn cũng quy định rất rõ các năm quan lại bộ Lễ thay nhà vua tổ chức lễ hội Đền Hùng, các năm quan lại tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức. Thời nay, cũng vậy, 5 năm một lần Bộ VH,TT&DL đứng ra chủ trì lễ hội, còn vào các năm lẻ, tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức.

Vấn đề của ta là phải chứng minh được sự tác động ấy là hợp lý. Và ta đã làm được.

Bảo tồn cẩn trọng

* Chúng ta sẽ bảo tồn ra sao với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khi di sản này đã được UNESCO công nhận và chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn?

- Nhìn chung, các di sản văn hóa phi vật thể có tính mong manh, dễ bị tổn thương hơn so với các di sản văn hóa vật thể. Cho nên, việc bảo tồn chúng phải đặc biệt lưu tâm. Riêng đối với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, bài toán đau đầu nhất là việc xử lý thật khéo léo quan hệ giữa vai trò của Nhà nước và cộng đồng.

Mục tiêu cuối cùng vẫn là trả di sản về cộng đồng. Song trả đến đâu? Trả như nào? Cần phải có những tư duy rất biện chứng. Nếu không, ta sẽ đi từ cực này sang cực khác.

Cộng đồng cần ý thức Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản của chính mình. Nhiệm vụ của cộng đồng là giữ gìn và trao truyền cho thế hệ sau di sản này. Với các loại hình di sản văn hóa dân gian khác như hội Gióng, hát xoan…ta có thể đưa vào trường học, thì với loại hình di sản tín ngưỡng, ta không thể ép buộc đưa vào giảng dạy.

* Tới đây, ta sẽ ứng xử ra sao với những địa điểm khác thờ Vua Hùng ở bên ngoài Đền Hùng, thưa ông?

- Khi trình hồ sơ lên UNESCO, chúng tôi không chọn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở núi Nghĩa Lĩnh mà chọn ở Phú Thọ. Vì đền Hạ, đền Trung, đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh chỉ là tâm điểm, không phải toàn bộ lễ hội.

Tín ngưỡng thể hiện ở các ngôi làng là rất quan trọng. Và hồ sơ của chúng tôi nhấn mạnh rằng, tín ngưỡng thờ Hùng Vương được trao truyền trong các làng ở Phú Thọ. Phú Thọ cũng là hạt nhân để lan tỏa ra cả nước và cả nước ngoài. Nên ta phải đặt vấn đề bảo tồn, phát huy di sản này ở mọi nơi.

Trong thời gian sắp tới, chúng tôi rất quan tâm đến việc bảo tồn các lễ hội trong các di tích thờ Hùng Vương ở Huế, TP.HCM, Đắk Lắc, Kiên Giang….

*Xin cám ơn ông!

Yên Khương - Mỹ Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm