Tiêu điểm trong tuần: Sân khấu với "Lời thề thứ 9"

08/12/2012 12:54 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, Đoàn Kịch 2 Nhà hát Tuổi Trẻ đã dựng lại vở Lời thề thứ 9 của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Vở kịch lập tức đã thu hút sự chú ý của công chúng Thủ đô. Điều này chứng tỏ khán giả không quay lưng với sân khấu kịch. Song tại sao sân khấu kịch nói chung và sân khấu kịch phía Bắc nói riêng chưa thể khởi sắc?

Để phần nào trả lời câu hỏi trên, TT&VH có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) và NSƯT Chí Trung, Trưởng đoàn Kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ. Với tư cách trợ lý đạo diễn, anh vừa cùng các đồng nghiệp tại Nhà hát phục dựng Lời thề thứ 9.

Chưa "bước qua" được "lời thề"

*Thưa NSƯT Chí Trung, tại sao anh lại quyết định phục dựng vở Lời thề thứ 9 sau 24 năm?

- NSƯT Chí Trung: Vở Lời thề thứ 9 của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã được đạo diễn, NSND Xuân Huyền dàn dựng năm 1989. Lúc đó, chúng tôi cũng đã đi 44 tỉnh thành, diễn 300 suất để phục vụ khán giả toàn quốc.

Khi đọc lại kịch bản, tôi vẫn bị thu hút từ đầu đến cuối. Và tôi tin Lời thề thứ 9 vẫn sẽ lan tỏa tới các bạn trẻ ngày nay như nó đã lay động hàng triệu con tim của người trẻ thế hệ trước.

NSƯT Chí Trung chia sẻ những trăn trở nghề nghiệp

* Đêm diễn Lời thề thứ 9 vừa qua đã lại “lay động con tim" khán giả như ông và Nhà hát Tuổi trẻ mong muốn. Ông cảm nhận sao về những giá trị vượt thời gian của kịch Lưu Quang Vũ?

- NSƯT Chí Trung: Kịch bản Lời thề thứ 9 rất dung dị, từng câu chữ trong lời thoại rất nhân văn. Chúng tôi cảm tưởng tâm hồn anh Vũ ngưng đọng ở từng dấu chấm, dấu phẩy. Nên chưa bao giờ một vở kịch dài 49 trang mà diễn viên thuộc lời trong hai ngày. Cũng lâu mới thấy một vở kịch, diễn viên trẻ đứng trên sân khấu tập, diễn viên lớn tuổi đến xem rất đông và nhắc từng lời thoại. 

"Hiện tượng" đặc biệt này thể hiện những khát khao về công bằng xã hội và ước vọng hướng tới chân thiện mỹ trong tất cả mọi người. "Đánh thức" được những điều sâu thẳm ấy là tài năng Lưu Quang Vũ.

* Lời thề thứ 9 là trường hợp hiếm khi "kéo" được khán giả tới rạp. Dường như sân khấu của chúng ta đang thiếu một cái gì đó?

- Ông Nguyễn Đăng Chương: Từ thời điểm anh Lưu Quang Vũ viết Lời thề thứ 9 tới giờ, sân khấu của chúng ta đã đi những bước dài: đội ngũ sáng tạo giờ đông đảo, được đào tạo bài bản, và có nhiều nhà hát kịch hơn…

Nhưng sự phát triển đó chưa theo kịp được đòi hỏi của xã hội. Hay nói cách khác là chưa xứng tầm thời đại. Nên ta cần một đội ngũ sáng tạo tài năng để có những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng đòi hỏi của khán giả thời hội nhập.

"Tiểu phẩm hay, hơn tác phẩm tồi"

Ông Nguyễn Đăng Chương trao đổi với TT&VH

* Sân khấu phía Bắc là cái nôi của kịch nhưng hiện nay, sân khấu kịch phía Nam lại phát triển rộn ràng hơn hẳn ngoài Bắc. Tại sao vậy?

- Ông Nguyễn Đăng Chương: TP.HCM là một thành phố năng động với hơn 10 triệu dân, 4 mùa như nhau. Đây còn là nơi giao thoa giữa các luồng văn hóa. Nên TP.HCM là một thị trường màu mỡ của sân khấu.

Trong khi đó, miền Bắc lại có tới 6 tháng nóng hầm hập và lạnh cắt da, không dễ kéo khán giả ra khỏi nhà đến rạp hát vào những ngày thời tiết như thế.Thêm nữa, nhu cầu thưởng thức văn hóa của mỗi vùng miền khác nhau. Văn hóa đó ảnh hưởng tới tư duy, lối sống, nếp nghĩ của khán giả thưởng thức. Nên ta không thể so sánh sân khấu kịch TP.HCM và sân khấu kịch Hà Nội.

* Vậy nghệ sỹ kịch miền Bắc vật lộn với miếng cơm manh áo có vẻ khó khăn, thưa anh Chí Trung?

- NSƯT Chí Trung: Hồi cách đây 5-7 năm chúng tôi thấy rất bế tắc. Bởi chúng tôi chẳng hiểu khán giả của mình đang thích gì. Chúng tôi tấu hài thì khán giả chê rẻ tiền, chúng tôi làm vở cao sang thì khán giả bảo "xem nhức đầu". Thêm nữa, những vở nhiều giấy mời thì khán giả tới xem rất đông, còn những vở bán vé thì rất vắng.

Tôi không trách khán giả, tôi vẫn gắng đi diễn hài, đi làm truyền hình, đi tìm cách kiếm sống cho đoàn tôi. Song chúng tôi vẫn đau đáu về những tác phẩm "ra hồn". Nhưng sân khấu hiện tại không đủ điều kiện để làm những điều đó. Vì "có tích mới dịch lên trò", "có bột mới gột lên hồ", không có những kịch bản hay, sân khấu hiện đại, sẽ khó có được tác phẩm kinh điển. Nên những sản phẩm của chúng tôi vẫn chỉ là những tiểu phẩm "nghêu ngao". Và tôi luôn quan niệm, thà làm một tiểu phẩm tốt còn hơn làm một tác phẩm tồi.

Gần đây có vở Lời thề thứ 9 của anh Lưu Quang Vũ cũng như vở Nhà Ôsin của NSND Lê Khanh khiến chúng tôi bớt căng thẳng. Vì cứ làm mãi những vở kịch ngắn khiến tự bản thân chúng tôi thấy…ngại trước khán giả và sự đầu tư của Nhà nước.

*Theo ông Nguyễn Đăng Chương, thế nào là những kịch bản sân khấu đủ hay để "hút" khán giả tới rạp?

- Ông Nguyễn Đăng Chương: Cũng không hẳn là ta thiếu kịch bản hay. Cái khó là tìm được sự đồng điệu giữa người sáng tác với người quyết định dàn dựng. Vì có những trưởng đoàn ngại động chạm nên họ không dám dựng. Và hệ quả tất yếu là sẽ tạo ra những sản phẩm nhạt nhòa vô thưởng vô phạt.

Song điều khán giả cần là những tác phẩm mang tính dự báo: dự báo về con người, xã hội, lối sống..., sau đó mới là sự phản ánh hiện thực. Và hiện thực được phản ánh cũng phải là những góc cạnh mà số đông khán giả muốn nói nhưng không diễn đạt được.

* Cám ơn hai ông!

Yên Khương - Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm