Tiết lộ góc khuất 'sốc' nghề múa: Tình, tiền, đại gia qua lời kể của một biên đạo

22/04/2019 11:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) – Từ chia sẻ về thực trạng "khan hiếm diễn viên múa", biên đạo Phùng Khải cũng tiết lộ thêm về những góc khuất ít người biết trong nghề này. "Cũng có một số ngoại lệ vào học múa được thời gian, phổng phao xinh đẹp, mấy bữa cổng trường ô tô đỗ xịch, cánh cửa mở ra cháu nó bước vô...". 

Hoa hậu Thế giới 2018: Trần Tiểu Vy múa chầu văn 'Cô đôi thượng ngàn'

Hoa hậu Thế giới 2018: Trần Tiểu Vy múa chầu văn 'Cô đôi thượng ngàn'

Trong phần thi tài năng Dance of the world tại Miss World - Hoa hậu Thế giới 2018, Hoa hậu Trần Tiểu Vy đã trình bày điệu múa chầu văn đặc sắc.

Đó là những chia sẻ của biên đạo múa Phùng Khải về thực trạng diễn viên múa hiện nay trên trang cá nhân. Chia sẻ của anh nhận hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận.

"Làng múa sôi sục, hùng hục đêm ngày, tập như trâu cày ruộng, ngẩng mặt lên vẫn còn “mấy thửa ruộng lớn” bỏ trống vì hết người. Ko hiểu rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Chỉ biết rằng chương trình nào rồi cũng sẽ đưa tin “ thành công rực rỡ”- nghệ sĩ Phùng Khải chia sẻ.

Chú thích ảnh
Biên đạo múa Phùng Khải chia sẻ về thực trạng diễn viên múa trên trang cá nhân

“Sự thật thật không phải là hết người yêu múa và muốn đi theo nghề múa. Nhưng ai cũng nhìn thấy sự vất vả chông gai, đời sống hào nhoáng ảo bởi ráo mồ hôi là hết tiền. Chính vì thế mà họ chùn bước”- nghệ sĩ viết. 

Chú thích ảnh
Tiết mục múa “Ngã Ba Đồng Lộc” do các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam biểu diễn. 

Theo chia sẻ của nghệ sĩ Phùng Khải, nghề múa có 2 thái cực tình - tiền. Trước hết nói về tiền, chỉ cần so mức thu nhập với các đồng nghiệp nghệ sĩ khác thôi cũng thấy trớ trêu rồi. Múa tập ngày tập đêm, đổ mồ hôi trán, dám mồ hôi chân để yểm trợ cho một ca sĩ nào đó, họ thì nhận được một gánh tiền, múa nhận được vài đồng bạc lẻ. Các bầu show, các nhà thầu, chủ đầu tư... sau mỗi chương trình đút vào két tiền tỷ, tiền trăm, chưa bao giờ họ nghĩ đến múa khi tham gia chương trình, dù các nghệ sĩ múa cũng mất ít nhất nửa tháng hoặc hơn và thu nhập của múa được mấy đồng?"

Chú thích ảnh
Nghề múa, từ sàn tập đến sàn diễn thật nhọc nhằn

Còn nói về tình, múa chưa bao giờ có được một vị trí thỏa đáng, được tôn trọng, ứng xử công bằng. Các cụm từ được xướng lên từ miệng của các nhà sản xuất dành cho múa có mấy khi tử tế? Trong khi ca sĩ được yểm trợ, được đón tiếp sun xoe, thì múa như cái gai, lũ ăn bám, ăn hại lười biếng...

"Hơn thế các nhà thầu giờ lại đòi hỏi giai xinh gái đẹp. Nói thật thời buổi này đẹp thì họ chả đi múa làm cái gì cho sái háng, vẹo mông, trậc khớp rốn. Ngoài kia còn bao thứ nhàn nhã, sang chảnh, rực rỡ huy hoàng hơn luôn ưu tiên cho cái đẹp." - nghệ sĩ Phùng Khải trần tình.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ múa Thu Huệ- Nhà hát Kịch Việt Nam trong một vở diễn

"Cũng có một số ngoại lệ vào học múa được thời gian, phổng phao lên xinh xinh đẹp đẹp một tí, mấy bữa cổng trường ô tô đỗ xịch, cánh cửa mở ra cháu nó bước vô, làng múa chính thức mất đi một cơ số cái đẹp. Vậy là đào tạo múa giờ gần như nơi ươm mầm cho các đại gia" - nam nghệ sĩ cho hay. 

"Ngẫm thì còn rất rất nhiều điều nữa, chỉ thấy buồn cho sự mai một của ngành múa. Rồi mai này biết sẽ ra sao? Giá như có một chế độ ưu đãi tốt, giá như được ứng xử công bằng hẳn mọi chuyện đã khác. Các thế hệ múa kế cận sẽ hơn hẳn tiền bối chứ không vẹo vọ, lèo tèo như bây giờ. Bà con làng múa mình cùng nhau chia sẻ bài viết để các nhà thầu họ hiểu rằng: Đôi khi có việc nhưng chẳng có người đâu mà làm…" - nghệ sĩ Phùng Khải kết luận.

Hoài An (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm