Tiếng Việt đang đi về đâu?

26/09/2016 10:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, nhà văn, nhà thơ, dịch giả Dương Tường có bài viết Tiếng Việt đang đi về đâu? gửi đến Thể thao & Văn hóa, một bài viết khơi gợi nhiều vấn đề trong việc sử dụng tiếng Việt hiện nay. Nhân dịp này, Thể thao & Văn hóa mở Diễn đàn văn hóa Tôi yêu tiếng nước tôi. Chúng tôi rất mong sự tham gia ý kiến, bài vở của đông đảo bạn đọc đối với diễn đàn này.

“Gần đây, tình cờ tôi đọc thấy trên báo Thể thao & Văn hóa một bài giới thiệu một nhạc sĩ trẻ cùng một lúc đoạt cả ba cúp của Giải Cống hiến năm 2016. Điều làm tôi chú ý là cái tên người được vinh danh: Mew Amazing (Đức Hùng).

Tôi thật sự không hiểu tại sao đã có cái tên đẹp Đức Hùng cha mẹ đặt cho, lại phải đưa vào trong ngoặc đơn làm phụ danh cho cái nghệ danh “đánh đố” Mew Amazing, mặc dầu báo Thể thao & Văn hóa đã cẩn thận chú thích ý nghĩa sâu xa của nó: Yêu mèo + Khát khao.

Thực ra, ít lâu nay, cái mốt trang sức sính ngoại khoác lên mình một cái tên Tây không còn lác đác nữa, mà đã trở nên tràn lan, đặc biệt trong giới âm nhạc. Dù sao đây cũng chỉ là một trong rất nhiều biểu hiện của tình trạng tiếng Việt đang bị chính người Việt coi rẻ đến mức báo động khẩn cấp.

Bây giờ, để biểu tỏ đồng tình, người ta không nói “đồng ý!” hoặc “được!”, mà toàn là “ô-kê (OK)!”. Dạy con nhỏ đang bập bẹ tập nói, chào tạm biệt, hầu hết - thậm chí có thể nói tất cả - các bà mẹ trẻ đều bắt bé “Bai! Bai!” (và làm thế với vẻ gần như hãnh diện), thay vì tiếng “ạ” đáng yêu và rất dễ phát âm. Nghe một ca sĩ hát trực tiếp, không qua ghi âm, người ta gọi là: nghe hát “lai”(live), tôi đánh bạo hỏi: “Có gọi là hát “sống” (như ta thường gọi “dàn nhạc sống”) được không?”, liền bị cười vào mũi - lão già lạc hậu, hẳn họ nghĩ thế. Thời buổi này mà còn lo “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”!


Nhà văn, nhà thơ, dịch giả Dương Tường

Bây giờ, hiển nhiên là từ “world cup” đã triệt tiêu từ “cúp thế giới” đến mức nó không còn chỗ đứng trong ngôn ngữ Việt hằng ngày. Từ “world cup” lạ lẫm xuất hiện khi vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới được tổ chức tại Hoa Kỳ.

Trước đó, giải được các nước Mexico và Italy đăng cai lần lượt vào các năm 1986. 1990 (chỉ kể 2 giải trước giải được tổ chức ở Mỹ làm ví dụ). Để tôn trọng nước chủ nhà, người ta dùng tiếng nước đó để chỉ tên giải, như Mundial 1986, Mondiale 1990. 

Cũng như thế, người ta gọi vòng chung kết cúp bóng đá thế giới ở Mỹ là World Cup 1994. Những tưởng các nhà truyền thông của ta đủ hiểu biết để chỉ dùng từ “world cup” trong thời gian diễn ra giải đấu mà thôi. Ai dè, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các vị ấy, suốt 22 năm nay, nó nghiễm nhiên chiếm địa vị độc tôn trên báo chí viết, truyền thanh, truyền hình, mạng… cho đến ngôn ngữ thường nhật của người đường phố một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết. Mà hãy nghe người ta phát âm hai tiếng ấy trên đài, thôi thì đủ kiểu: uơ cúp, uơ cớp, uốc cúp, uốc cớp, uơ cúp, uơ cớp, quơ cúp, quơ cớp, uôn cúp, uôn cớp…

Vâng, trong sự ruồng rẫy tiếng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam phải được kể như là một kiện tướng. Người ta dùng từ “em-xi” (emcee hay M. C. [viết tắt của Master of ceremony]) với tần số gần như tuyệt đối, thay cho “người dẫn chương trình”, thậm chí còn để chỉ cả phát thanh viên thời sự (tiếng Anh gọi là announcer).

Trong những chương trình trò chơi truyền hình (mà đa phần được gọi là “game show”), người ta dùng từ “producer” thay vì từ “nhà sản xuất” quá tầm thường. Khi nghe một cô tham gia dẫn chương trình một trò chơi truyền hình - một cô gái đẹp có cái tên cũng rất đẹp - khen thân thể cường tráng của một thí sinh: “Anh ấy có cái bo-đì đẹp”, quả tình bao nhiêu thiện cảm nơi tôi đối với cô bỗng tan biến.

'Như bùn, như lụa' và nỗi lo tiếng Việt hiện đại

'Như bùn, như lụa' và nỗi lo tiếng Việt hiện đại

Cuộc tranh luận đã ngã ngũ. Đề thi Văn THPT quốc gia không sai khi chọn phiên bản bài Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ là 'như bùn như lụa' thay vì 'như đất cày như lụa'.


Ngay mới đây thôi, người ta làm một điều cực kỳ khó hiểu-chí ít đối với tôi - là “sửa” tên giải Ấn tượng VTV thànhVTV Awards. Cái tên Việt ngon lành thế, sao lại phải sửa thành tiếng Tây “giả cầy”? Chữ “awards” “sang” hơn, “oách” hơn chữ “giải”sao? Mà đã đặt tên tiếng Anh thì phải phát âm theo tiếng Anh chứ, sao ba chữ cái đầu VTV vẫn đọc là: “vê tê vê”? “Vê tê vê ơu ơt”! Thật là đầu Ngô mình Sở! Lợn lành chữa thành lợn què là thế đó!

Bây giờ nhắc đến tuổi thiếu niên, tuổi vị thành niên, người ta toàn dùng từ tuổi “teen”. Chỉ một nhát, như một lưỡi dao sắc, cái từ tuổi “teen” có âm thanh chẳng êm ái chút nào ấy - chí ít là đối với lỗ tai tôi - đã chém phăng tất cả các từ “tuổi hồng”, “tuổi hoa”, “tuổi dậy thì”, “tuổi trăng rằm”…người Việt vẫn dùng để chỉ quãng thời gian đẹp nhất của một đời người. Người ta không biết đau sao? Mà thế vẫn chưa đủ, người ta còn dùng “teen” như một hình dung từ chỉ sự tươi trẻ nữa.

Trong một cuộc gặp gỡ công cộng, khi một bạn trẻ hồn nhiên nhận xét tôi: “Hôm nay, bác ăn vận teen quá”, thật tình tôi đã phải nén hết sức mới kìm được mình khỏi văng ra một thán từ không được thanh lịch cho lắm.

Bây giờ người ta đối xử với tiếng mẹ đẻ như vậy đó. Sinh thời, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo đã nhiều lần đau đớn thốt lên: “Người Việt hiện không còn biết nói và viết tiếng Việt nữa!”.

Mà hồi ấy, tình trạng đâu đã đến nỗi tệ như hiện nay. Vâng, chưa bao giờ tiếng mẹ đẻ đẹp ngời của chúng ta - tiếng của Nguyễn Du, của Hồ Xuân Hương, của Nguyễn Trãi - bị hắt hủi đến thế. Đại văn hào Italia Dante xưa coi tội bất hiếu với tiếng mẹ đẻ như một trọng tội đáng đày xuống địa ngục.

Cách đây 14 năm, tôi đã rung chuông báo động bằng bài “Tiếng Việt S.O.S.” và tiếp đó, bắng nhiều bài khác. Nhưng tiếng kêu cứu lẻ loi của tôi rơi tõm vào khoảng không. Chỉ riêng một điều tưởng như đơn giàn: làm sao khôi phục lại vị trí, chẳng hạn, của từ “cúp thế giới” đã bị từ “world cup” hoành đoạt suốt 22 năm nay, xem ra cũng là việc hầu như bất khả thi. Nguy cơ suy biến tiếng Việt đâu phải là nhỏ.

Xưa, thời thuộc Pháp, thế hệ chúng tôi, từ lớp nhì năm thứ nhất, đã phải nghe giảng bằng tiếng Pháp. Trong lớp, trò nào vừa đứng lên mở miệng: “Thưa thầy…” lập tức bị thầy chỉnh: “Parlez en français” (hãy nói bằng tiếng Pháp). Bởi thế, thời ấy, thói quen chêm tiếng Pháp trong khi trò chuyện là điều khá phổ biến. Hồi đầu Cách mạng tháng 8, một nhóm chúng tôi, để “tẩy trừ đầu óc nô lệ”, ra quy ước hễ người nào bị “bắt quả tang” đệm tiếng Pháp vào câu chuyện thì phải nộp năm xu vào “quỹ” chung (năm xu hồi ấy ước bằng chục ngàn bây giờ).

Ấy thế mà “quỹ” lớn nhanh đáo để bởi ta đâu dễ sớm bỏ được thói quen. Ảnh hưởng Pháp đối với tiếng Việt đã từng có lúc bao trùm, nhưng chưa thấm gì so với nạn xâm thực của tiếng Anh hiện nay.

Những người có nhiều dịp ra nước ngoài đều có chung nhận xét rằng ở Nhật Bản cũng như ở nhiều nước châu Âu phát triển, người ta rất ít dùng tiếng Anh, chỉ dùng khi cần thiết, chứ không có tình trạng “lạm phát” một cách vô lối, như ở ta. Rõ ràng, đây đã trở thành một vấn nạn. Học giả Phạm Quỳnh từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Lời dặn dò tâm huyết mang nặng tình yêu đau thiết ấy đối với tiếng nước nhà có thể đọc là: “Hãy giữ tiếng ta như giữ nước ta”.

Tôi đã từng dịch hàng vạn trang tiếng Pháp, tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại, càng ngưỡng mộ cái tinh túy của hai ngôn ngữ ấy, tôi càng thấm thía cái hay, cái đẹp của tiếng ta. Nhớ hồi năm 1959, ở Pháp, nhà ngữ pháp Maurice Rat đã tạo một tân từ: “franglais” (trộn hai từ “français”[tiếng Pháp] và “anglais”[tiếng Anh]) để chỉ một thứ tiếng Pháp vay mượn nhiều yếu tố từ vựng, cú pháp của tiếng Anh.

Liệu rồi đây, với đà xâm thực của tiếng Anh hiện nay - buồn thay! lại được tiếp nhận một cách hả hê, tự mãn - tiếng Việt có nguy cơ suy biến thành một thứ tiếng “Vanh”?

Độc giả có thể tham gia Diễn đàn văn hóa “Tôi yêu tiếng nước tôi” bằng cách ghi phản hồi ý kiến phía dưới bài này, hoặc gửi bài về hộp thư: diendanvanhoa@thethaovanhoa.vn

Thăm dò ý kiến

Trước thực trạng dùng tiếng Anh tràn lan như hiện nay, theo bạn thì:


Dương Tường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm