Thêm 8 di sản thế giới “đăng quang”

06/12/2012 06:17 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 5/12, Ủy ban Liên chính phủ của “Công ước 2003 về bảo tồn văn hóa phi vật thể” thuộc UNESCO đã xem xét danh sách các đề cử di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, trong đó có hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam. Tính tới giữa ngày 5/12, đã có tổng cộng 8 di sản được lựa chọn và tất cả chúng đều hết sức đặc sắc.

Trong nửa ngày làm việc của phiên họp diễn ra hôm 5/12, đã có 4 di sản mới được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và trước đó một hôm cũng có 4 di sản khác được bổ sung vào danh sách.

1. Trang phục cưới truyền thống ở Tlemcen, Algeria

Trong các đám cưới ở vùng Tlemcen ở Tây Bắc Algeria, cô dâu thường mặc một chiếc váy lụa màu vàng được đan thủ công và được vây quanh bởi các bạn gái đã có gia đình của cô, những người cũng mặc các bộ áo cưới lộng lẫy của họ. Một biểu tượng hình lá móng được vẽ vào hai tay cô dâu và một người phụ nữ cao tuổi sẽ giúp cô khoác lên mình thêm một chiếc khăn nhung, đồ nữ trang, áo caftan và một chiếc mũ hình nón.

Các chuỗi hạt ngọc trai với hình thù lạ mắt sẽ giúp bảo vệ các bộ phận mang chức năng sinh sản của cô gái chống lại những linh hồn xấu xa. Trong tiệc cưới, một người phụ nữ từ trong gia đình cô dâu sẽ vẽ các hình biểu tượng màu đỏ và bạc vào cằm và phần dưới môi cô dâu để bảo vệ cô dâu và khiến cô trở nên thanh khiết.

Khi đã hoàn toàn tất các nghi lễ bảo vệ thân thể kể trên, cô dâu đã sẵn sàng để làm đám cưới. Các cô gái ở Tlemcen đều sẽ tham gia truyền thống liên quan tới trang phục cưới này từ rất trẻ, trong khi đó nghệ thuật chế tác ra các bộ trang phục cưới quý giá này được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghi lễ liên quan tới bộ trang phục cưới là biểu tượng về sự liên minh giữa các gia đình, sự tiếp nối giữa các thế hệ, trong khi sự khéo tay trong việc chế tác trang phục cưới đóng vai trò lớn trong việc duy trì sự sáng tạo và dấu ấn của cộng đồng dân cư ở Tlemcen.

Một cô dâu ở Tlemcen khoác trên người bộ trang phục cưới truyền thống
2. Biểu diễn anh hùng ca ở Armenia

Trong các bản anh hùng ca truyền thống Armenia có chuyện kể về David vùng Sassoun, một chàng trai trẻ đã bảo vệ quê hương trong cuộc chiến không cân sức chống lại quỷ dữ. Câu chuyện anh hùng liên quan tới David thường được kể lại và hát theo nhiều trường đoạn, với lối kể gây hấp dẫn tới mê hoặc, được diễn đạt lại một cách ngân nga theo giai điệu. Bản anh hùng ca này thường được biểu diễn kèm theo âm nhạc trong các đám cưới, lễ mừng sinh nhật, lễ đặt tên thánh và các sự kiện văn hóa lớn khác. Có khoảng 160 phiên bản khác nhau của bản anh hùng ca này và các cuộc biểu diễn có thể kéo dài tới 2 giờ đồng hồ.

3. Lễ hội hóa trang ở Imst, Áo

Thành phố Imst ở Áo luôn tổ chức lễ hội hóa trang Fasnacht sau mỗi 4 năm. Trung tâm của lễ hội là Schemenlaufen, một hoạt động tuần hành có sự tham gia của các vũ công đeo mặt nạ, diện trang phục tuyệt đẹp. Các nhân vật chính của màn tuần hành đeo bên mình những quả chuông và thể hiện một màn trình diễn đặc biệt với các điệu nhảy và hành động cúi chào. Lễ hội đoàn kết toàn bộ người dân vùng Imst tới một mục tiêu chung: tổ chức Fasnacht sao cho nó luôn tuân thủ với truyền thống kéo dài lâu nay.

4. Nghệ thuật chế tác và trình diễn đàn tar

Thông tin mới về việc UNESCO xem xét công nhận danh hiệu Di sản phi vật thể thế giới đối với hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam, mời các bạn theo dõi trên www.thethaovanhoa.vn và trên các số báo tới.

Tar là một chiếc đàn dây cổ dài ở Azerbaijan, được chế tác và trình diễn trên khắp đất nước. Nó góp mặt trong nhiều hoạt động âm nhạc truyền thống, được chơi tại các đám cưới, các buổi tụ họp cộng đồng, sự kiện lễ hội và các buổi hòa nhạc.

Đàn tar có thân rỗng, được làm từ gỗ dâu tằm, tạo dáng theo hình số 8 và khi chơi được giữ theo chiều nằm ngang. Nó có 11 dây đàn và nhạc công sử dụng một miếng gảy đàn để chơi.

Các nghệ nhân đàn tar làm ra cây đàn này theo phương pháp thủ công và truyền nghề lại cho những người học việc. Người chơi đàn cũng truyền lại kỹ năng điều khiển tar bằng cách trình diễn cách chơi cho thanh niên sống trong cộng đồng và trực tiếp chỉ bảo bí quyết cho họ.

5. Kỹ thuật làm đồ đất nung ở quận Kgatleng

Kỹ thuật làm đồ đất nung xuất hiện rộng rãi trong cộng đồng Bakgatla ba Kgafela ở Đông Nam Botswana. Những người phụ nữ ở đây thường dùng đất sét, đá sa thạch, ô xít sắt, phân bò, nước, gỗ và kính để làm nên những chiếc bình với nhiều hình dạng, thiết kế và phong cách khác nhau, có liên quan tới các tập tục và tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng. Những chiếc bình do họ làm ra sẽ được dùng để chứa bia, các bữa ăn làm từ kê lên men, dùng để gánh nước, nấu ăn, để thờ cúng tổ tiên và thực hiện các nghi lễ chữa bệnh truyền thống.

Khi lấy đất làm bình, các nghệ nhân sẽ "giao tiếp" với tổ tiên thông qua việc thiền định để được hướng dẫn tìm tới chỗ khai thác đất lý tưởng. Với đá sa thạch, sau khi được thu gom, người ta sẽ trộn chúng với đất và giã cả hai nguyên liệu này trong những chiếc cối lớn. Tiếp đó, người ta đem rây đất đá đã được giã để thu lấy phần bột mịn nhất.

Bột đất sẽ được trộn với nước để tạo thành đất nặn đồ gốm. Người ta sẽ chia đất nặn thành từng miếng và từ đây sẽ nặn thủ công cho nó thành hình tròn, hình nón hoặc ô van, trước khi làm mịn bề mặt bằng một que gỗ. Sau khi được trang trí, những chiếc bình sẽ được nung trong lò cho tới khi ra sản phẩm đất nung hoàn chỉnh. Kỹ thuật làm đồ đất nung Kgatleng được truyền lại cho các con gái và cháu gái trong gia đình, thông qua việc quan sát và thực hành.

6. Kỹ thuật làm túi thêu của người Papua

Noken là một dạng túi lưới được các cộng đồng sống ở tỉnh Papua và Tây Papua ở Indonesia làm ra nhờ việc đan thủ công từ sợi gỗ hoặc lá cây. Đàn ông và phụ nữ nơi đây sử dụng nó để đựng rau củ, thịt cá, củi đốt... Họ cũng dùng chúng để mang con hoặc những con thú nhỏ theo bên mình. Noken còn được dùng để đi chợ và chứa đồ đạc trong nhà.

Noken còn có thể được mặc trong các lễ hội truyền thống hoặc đem tặng để gây dựng không khí hòa bình. Phương thức sản xuất noken không giống nhau giữa cac ngôi làng ở Papua và Tây Papua. Nhưng về cơ bản, các cành cây, thân cây và vỏ của một số loại cây bụi nhất định sẽ được cắt, sấy qua lửa và ngâm trong nước. Phần sợi gỗ còn lại sau quy trình trên, sau khi khô sẽ được bện vào nhau để tạo nên một sợi dây khỏe hơn. Những sợi dây này đôi khi được nhuộm các màu tự nhiên trông rất đẹp mắt. Tiếp đó người ta đan chúng để tạo ra các túi lưới với nhiều kích cỡ và hoa văn khác nhau. Toàn bộ quy trình đòi hỏi các kỹ thuật thủ công, sự cẩn thận cũng như tiêu chuẩn thẩm mỹ, vốn phải mất nhiều tháng trời mới có thể thành thục.

7. Nghệ thuật dệt thảm Kyrgyz

Những chiếc thảm nỉ truyền thống chỉ là một trong những nghệ thuật xuất sắc nhất của người Kyrgyz và là phần gắn liền với di sản văn hóa của họ. Người Kyrgyz thường sản xuất ra hai loại thảm nỉ truyền thống là Ala-kiyiz và Shyrdaks.

Kiến thức, kỹ năng dệt thảm, sự đa dạng về hình dáng, ý nghĩa của các hình trang trí và các lễ mừng việc dệt thảm đều là các yếu tố văn hóa hết sức quan trọng giúp mang tới cảm giác về bản sắc và sự tiếp nối liên tục của người Kyrgyz

Việc dệt những chiếc thảm nỉ Kyrgyz gắn liền với cuộc sống thường nhật của những người dân di cư và họ dùng thảm để giữ ấm, để trang trí nơi ở. Việc tạo ra những chiếc thảm nỉ yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ của cả một cộng đồng dân cư và giúp nuôi dưỡng hoạt động chuyển giao kiến thức dệt thảm truyền thống giữa các thế hệ, cụ thể là từ những người phụ nữ lớn tuổi cho các cô gái trẻ trong nhà.

8. Nghệ thuật âm nhạc và nhảy múa Bigwala

Âm nhạc và nhảy múa Bigwala là hoạt động văn hóa của người Basoga ở Uganda, được trình diễn trong các sự kiện trọng đại của gia đình hoàng gia như lễ đăng quang, lễ tang và thời gian gần đây là trong các sự kiện xã hội.

Bigwala gồm một bộ từ 5 (hoặc hơn) cây kèn làm từ quả bầu, được phối hợp thổi cùng nhau để tạo nên một ca khúc. Kèm theo âm nhạc do nó tạo ra là những điệu nhảy hết sức đặc sắc. Một màn trình diễn điển hình thường bắt đầu bằng một người thổi Bigwala, trước khi những người khác tham gia, theo sau là những người chơi trống, ca sĩ và vũ công.

Những người tham gia màn trình diễn sẽ di chuyển theo vòng tròn, vừa đi vừa lắc hông, giơ tay theo giai điệu của âm nhạc. Bigwala đóng vai rò quan trọng trong việc gắn kết người dân Basoga. Lời của các ca khúc có chứa lịch sử của Basoga, tập trung đặc biệt vào các vị vua của họ, qua đó tái khẳng định bản sắc và giúp kết nối họ với truyền thống.

Tường Linh (Theo UNESCO)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm