Tác giả 'Sử Việt - 12 Khúc tráng ca': Thấm thía bài học về niềm tin từ GS Phan Huy Lê

24/06/2018 09:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Lần cuối gặp giáo sư Phan Huy Lê, hôm đó, thầy dặn khi nào ra Hà Nội thì nhớ đến nhà thầy chơi nhé, thầy tặng thêm vài quyển sách nữa. Lúc đó nhìn thầy rất khoẻ” - tác giả Dũng Phan - người chắp bút cuốn sách “hiện tượng”: Sử Việt - 12 Khúc tráng ca, bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi của GS Phan Huy Lê.

Đóng góp của GS Phan Huy Lê cho nền sử học Việt Nam không chỉ dừng lại ở kho tàng đồ sộ các công trình nghiên cứu. Đáng quý hơn, đó còn là tấm lòng quan tâm hết mực đến thế hệ những “người trẻ viết sử”.

Bài học lớn về niềm tin

Dũng Phan nhớ như in ngày anh gửi cuốn Sử Việt - 12 khúc tráng ca đến biếu GS Phan Huy Lê: “Khi cuốn Sử Việt - 12 khúc tráng ca đến tay giáo sư, gọi điện qua, giáo sư nói: "Chỉ đọc một tối là xong. Ăn xong bát cơm, uống chén trà, kéo ghế ra ngồi đọc. Nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ hiểu nhưng vẫn dựa trên nền tảng khoa học lịch sử". Sau đó giáo sư nói tiếp: "Bác già rồi, viết khô khan quen rồi, người trẻ cần những cuốn sách như của con”.

“Giáo sư rất thân thiện, với người trẻ lại càng có nhiều hành động khiến tôi cảm giác rõ tình cảm, sự trân trọng và cả sự “trẻ lại” của ông. Có lần tôi chụp ảnh kỉ niệm với giáo sư. Ông cũng lấy điện thoại mình ra, và bảo “Đến lượt bác”.”

Chú thích ảnh
Tác giả Dũng Phan trong một lần gặp GS Phan Huy Lê. Ảnh: NVCC

Dũng Phan nhiều lần được GS Phan Huy Lê gửi tặng sách, kèm theo đó là những lời động viên, khích lệ và cả khuyên nhủ. “Lời đề tặng của giáo sư trong cuốn sách tặng tôi chính là “Chúc cháu thành công trong nghiên cứu và phổ biến Việt sử trong thế hệ trẻ”.”

Anh gọi GS Phan Huy Lê là thầy, xưng con. Anh bảo, điều quý nhất GS đã dạy cho anh là bài học về niềm tin: “Tôi được gặp trực tiếp GS lần đầu trong một buổi hội thảo khoa học. Chính trong lần đầu tiên ấy, giáo sư đã dặn tôi: "Hãy nhớ rằng phê phán luôn luôn có, phản biện cũng có. Nhưng quan trọng là niềm tin. Bằng mọi giá phải giữ lấy niềm tin. Và chân lý sẽ tìm về”. Chặng đường viết sử rất gai góc, thậm chí là cô đơn, nếu không có niềm tin, bạn không thể đi đến đích”

“Viết sử đã khó, người trẻ viết sử càng áp lực hơn. Nếu không có sự động viên của những cây đa cây đề như giáo sư, sẽ rất khó cho người trẻ đi tới. Không chỉ là tình cảm giáo sư dành cho cuốn Sử Việt – 12 khúc tráng ca mà còn 1 câu chuyện nữa. Khi tôi kể cho giáo sư nghe về một nhóm bạn trẻ chúng tôi, được gọi là Sử Talk, hàng tháng tổ chức với nhau một cuộc trò chuyện về tiền nhân, hội tụ cả trăm bạn trẻ quay quần cùng nhau nói chuyện Sử, giáo sư đã thốt lên: “Thế thì tuyệt vời quá.” Lúc đó tôi đã rất tin rằng một ngày Sử Talk ra Hà Nội, giáo sư sẽ đến dự. Tiếc rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra”.

Giáo sư Phan Huy Lê còn nặng lòng với sử nhà lắm!

GS Phan Huy Lê từng nói với Dũng Phan rằng: “Mười năm nay, giới Sử học làm được nhiều lắm đó Dũng”. Bản thân ông, ngay lúc quy tiên hãy còn nhiều dự định dở dang.

“Trước khi qua đời, giáo sư đang hoàn thiện bộ Quốc Sử 25 tập và tôi nghĩ nếu hoàn thành được, đó sẽ là bộ Quốc Sử đồ sộ nhất của thời đại chúng ta. Kế thừa những Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thời Lê, Đại Nam Thực Lục thời Nguyễn… để tạo ra giá trị dân tộc. Dù giáo sư đã ra đi, nhưng tôi mong rằng bộ Quốc Sử này sẽ ra sớm trong năm nay, để viếng hương hồn ông”.

Chú thích ảnh
GS Phan Huy Lê

Anh tâm sự: “Giáo sư còn nặng lòng với sử nhà lắm. Những năm tháng cuối, thầy gặp không ít áp lực, đặc biệt là từ dư luận. Đơn cử như vấn đề đòi lại công bằng cho nhà Nguyễn và các chúa Nguyễn mở cõi vào Nam.

Trong số những dòng tâm sự giáo sư đã gửi cho tôi, tôi xin trích lại nguyên văn một tin nhắn: “Trên con đường khoa học, vì công bố và bảo vệ sự thật mà tôi đã bị vu khống và quy kết đủ điều, nhưng Dũng yên tâm tôi không bao giờ lùi bước”. Giáo sư đã dạy chúng ta không chỉ là tài năng, sự cống hiến, tâm huyết và các công trình độ sộ cho sử nhà. Giáo sư còn dạy chúng ta về bản lĩnh đương đầu”

“Sẽ rất khó để nói được hết những đóng góp của giáo sư cho nền sử học Việt Nam. Chỉ riêng việc giáo sư và giới sử học Việt Nam phục chế và lưu trữ được kho mộc bản triều Nguyễn, gồm 34.618 tấm mà chính đó, đã trở thành di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào tháng 7 năm 2009 là đủ để tôn vinh rồi. Sinh lão bệnh tử. Mỗi người đều có một số phận, một cái chết. Nhưng sự sống của giáo sư và sự cống hiến cho nước nhà của giáo sư là sự trọn vẹn”, tác giả Sử Việt - 12 khúc tráng ca kết luận.

Vĩnh biệt GS Phan Huy Lê: 'Trái tim lớn' của Thăng Long – Hà Nội đã ngừng đập

Vĩnh biệt GS Phan Huy Lê: 'Trái tim lớn' của Thăng Long – Hà Nội đã ngừng đập

Không chỉ là cây đại thụ của giới sử học, Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê còn là một cái tên gắn với Hà Nội, bởi tình yêu và những đóng góp đặc biệt mà ông dành cho mảnh đất này.

Đông Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm