Sài Gòn qua một đoạn phim tư liệu trước năm 1945

08/07/2012 13:49 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Một người bạn đã gửi cho tôi đường link để lấy về một đoạn phim về Sài Gòn trước năm 1945, do người Pháp quay lại trên Youtube (đường link: http://www.youtube.com/watch_popup?v=eR1OIgftNvU). Chỉ trong vòng mươi phút, đoạn phim đã cho thấy rõ đời sống thường ngày của người Nam bộ ở Sài Gòn không bao giờ lặp lại nữa.

1. Đoạn phim có các chủ đề: Nhà thờ Đức bà, Nhà hát tạp kỹ, đời sống trên đường phố, Thảo cầm viên, khai thác gỗ… Lúc đó Sài Gòn là thủ phủ của Liên bang Đông Dương năm 1887 - 1901, nằm trong đất thuộc địa của thực dân Pháp. Những đường phố cơ bản vẫn được giữ đến ngày nay và vài công trình kiến trúc thay đổi rất ít, như nhà thờ Đức Bà, Nhà hát tạp kỹ và vài công sở, khách sạn...

Thoáng trên đường phố có một số xe ô tô phương Tây, kiểu sản xuất từ những năm 1930 đến 1940, trước Đại chiến Thế giới II. Còn lại chủ yếu là xe tay, xe ba gác do người kéo, xe ngựa và xe bò.



Đường phố Sài Gòn khu chợ Bến Thành. Ảnh chụp khoảng những năm 1920-1922. Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ XX

Liên đoàn xe tay được thành lập ở Sài Gòn đầu thế kỷ phục vụ sự đi lại cho những người giàu và người phương Tây. Những phu xe chạy bộ đi chân trần rất vất vả dù chiếc xe được thiết kế khá nhẹ, rồi sau này xe tay chuyển sang thành xích lô ba bánh. Những xe bò được kéo bằng đôi bò mang dáng dấp của kiểu xe Khmer và Nam Á cổ, loại xe này tiền thân chỉ có một bánh lớn chính giữa, sau đó chuyển thành hai bánh, đôi khi kéo cây gỗ lớn và dài người ta đặt gỗ suốt lòng xe và mắc bò kéo ra hẳn hai phía bên ngoài.

Nhiều người Hoa, đội nón của dân đánh cá Phúc Kiến có chóp nhọn và lam lũ đẩy kéo xe bằng tay. Các bà các cô ăn vận tương đối phong phú, hoặc đội khăn rằn, áo bà ba đen, hoặc áo hai thân trắng, hoặc áo the nâu theo lối truyền thống từ Bắc bộ đem vào. Đàn ông mặc bộ âu phục trắng và đội mũ kê-pi hay mũ cát.

Đến năm 1945, Sài Gòn mới có dân số là nửa triệu người, gần gấp đôi Hà Nội đương thời, nên đường phố tương đối thong thoáng, nhất là phương tiện cơ giới còn rất ít.

2. Từ đó đến nay, Sài Gòn đương nhiên có rất nhiều thay đổi, nhưng qua đoạn phim này, cái nhịp sống, tính cách con người, thói quen sinh hoạt dường như đời sống thị dân ở Sài Gòn là cái gì rất cố hữu.

Người ta vẫn cảm nhận được những thói quen buôn bán Nam bộ, sự nhộn nhịp của đường phố luôn gắn với các cái chợ, sự giản đơn và thoáng đạt, ưa nhậu nhẹt, ít hiềm khích và một sự cực nhọc thường trực luôn đè nặng lên những người lao động. Nếu hôm nay người ta đi giữa Chợ Lớn như thế nào, thì qua bộ phim này, người ta vẫn đi Chợ Lớn như vậy.

Cái xúc cảm Sài Gòn dường như, hay có thể nói không thay đổi chút nào, điều mà Hà Nội đã đánh mất tính cách từ lâu. Sự trộn lẫn đời sống đang đi vào hiện đại kiểu phương Tây với một tính cách nông nghiệp Nam bộ, pha trộn chút văn hóa Hoa kiều và Khmer, đem đến một nếp sống đô thị thỏa hiệp, trong đó người ta chú ý đến sự hài hòa dân sinh, ai cũng vui vẻ với ai, đồng thời rất cá nhân, không ai để ý đến ai cả. Tính cách ấy làm cho Sài Gòn giống một đô thị sớm đi vào hiện đại, và cũng từ lâu đạt đến một đô thị văn minh, mặc dù những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thiếu một chiều sâu nhất định.

 3. Đây là những thước phim quý, bạn nên lấy về, để biết một đời sống quá khứ. Những design của thời trước Đại chiến Thế giới II, thời công nghiệp đầu thế kỷ, những đồ dùng mang tính truyền thống của người Việt Nam đem theo từ Bắc bộ, những sự du nhập và pha trộn văn hóa và đời sống vật chất thường ngày…những chi tiết rất nhỏ, nhưng rất rõ.

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm