Rạp Dân chủ: 'Cái chết' đã được báo trước

27/11/2015 06:25 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) – Ngày hôm qua (26/11), Thể thao & Văn hóa liên lạc với Ban Giám đốc Rạp Dân chủ, được biết Rạp này ngừng hoạt động vì kinh doanh thua lỗ và hiện tại chưa quyết định được hướng đi trong tương lai.

Thông tin Rạp Dân chủ ngừng hoạt động vào ngày 23/11/2015 đã làm người Hà Nội khá bất ngờ, vì đây vốn là một địa chỉ văn hóa quen thuộc của người dân thành phố.


Hình ảnh Rạp Dân chủ đăng trên trang fanpage của rạp

Đại diện của Ban Giám đốc Công ty Cinema 1, đơn vị sở hữu Rạp Dân chủ cho biết: "Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp marketing và khuyến mãi cần thiết, trong khuôn khổ kinh tế của rạp trong thời gian qua. Đồng thời luôn không ngừng cải tiến chất lượng phục vụ. Ngoài ra, cho dù chỉ có một phòng chiếu, chúng tôi vẫn luôn cố gắng duy trì số lượng phim chiếu phong phú cho khách hàng có nhiều chọn lựa. 

Rất tiếc sau một thời gian dài cố gắng duy trì hoạt động, nhưng việc kinh doanh ngày càng không có hiệu quả. Vì lý do đó, sau nhiều cân nhắc và trăn trở, chúng tôi buộc lòng chấm dứt hoạt động của rạp".

Về kế hoạch tương lai đại diện của Rạp chiếu này cho biết: "Do hoàn cảnh khách quan, rất tiếc hiện nay chúng tôi chưa có kế hoạch phát triển cho rạp Dân Chủ". 

Là một trong những rạp sinh ra từ thập niên 1950, Rạp dân chủ thuộc sự quản lý của Công ty TNHH Một Thành Viên Điện ảnh Hà Nội. Đến năm 2003, Rạp Dân chủ đổi chủ, chuyển thành Công ty TNHH Cinema 1, với Giám đốc người Hàn tên là Ryu Seong Soo. Thời điểm đó, Rạp Dân chủ có thể coi là rạp đầu tiên trong thành phố tiên phong đổi mới.

Rạp này ngay sau đó đã được cải tạo lại, và ngay lập tức tạo sự khác biệt. Màn ảnh được thay đổi, âm thanh vòm trung thực mang đến cho khán giả trải nghiệm hoàn toàn khác. Ngoài ra, việc cải tạo ghế ngồi là một trong những yếu tố quan trọng giúp Rạp Dân chủ hút khách. 

Vào thời điểm mà các rạp chiếu nhà nước vẫn sử dụng ghế gỗ bọc vải, thì hệ thống ghế đệm đỏ êm ái, ngoài ra còn có cả ghế đôi của Rạp Dân chủ thực sự là một thay đổi rất lớn. Giá vé ưu đãi là điểm khiến sinh viên cực kỳ yêu thích Rạp này. Có thời gian phe vé hoạt động ở khu vực này rất đông. 

Chị Hiền Thương, nhà ở ngõ Thổ Quan ngay cạnh Rạp Dân chủ giờ đang du học tại Trung Quốc cho biết chị khá bất ngờ khi nghe tin rạp đóng cửa. “Hồi còn bé xíu, bố mẹ đưa tôi ra rạp Dân chủ xem phim, có thể nói tuổi thơ của tôi cũng chỉ quanh quẩn xem phim ở đúng rạp Dân chủ. Khi đó rạp còn rất thô sơ cửa xếp kéo, ghế gỗ. 

Khoảng sau năm 2000, rạp sửa sang lại, đổi mới hơn, ghế mút đỏ, lịch sự và “hoành tráng” hơn xưa rất nhiều. Hồi nhỏ nếu ai hỏi nhà tôi ở đâu, tôi thường trả lời “nhà tớ ở gần rạp Dân chủ, bạn biết chứ?”. Sau này đi học ở xa nhà, ai hỏi quê bạn ở đâu, tôi lại trả lời: Tớ ở Hà Nội, ở quận Đống Đa, nhà tớ trên phố Khâm Thiên, gần ngay rạp Dân chủ ấy”.

Tuy nhiên, khi Megastar đầu tư cụm rạp tại Việt Nam, sau này bán cho CJ CGV, tiếp theo là “ông lớn” Lotte đầu tư cụm rạp tại Việt Nam thì hệ thống rạp nhà nước lâm vào cảnh khó khăn thực sự. Ngay cả Rạp Dân chủ, dù đã được tư nhân đầu tư, nhưng ngày càng làm ăn sa sút. 

So về diện tích thì Rạp Dân chủ quá nhỏ so với các cụm rạp tân tiến hiện nay. Vào thời kì Hà Nội tắc đường triền miên thì việc đến phố Khâm Thiên vào rạp Dân chủ, lại thiếu chỗ để xe không phải sự lựa chọn của khán giả. Cái chết này đã được báo trước nhiều năm.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm