Phú Thọ phục dựng 50% di tích thờ cúng Hùng Vương

26/11/2015 06:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Theo thống kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại hơn 100 làng  có tín ngưỡng gắn với việc thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, khoảng 50% số di tích được phục dựng.

Đó là thông tin từ tỉnh Phú Thọ về kết quả 3 năm thực hiện chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhân dịp 3 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO vinh danh.

Cụ thể, theo tỉnh Phú Thọ, trong nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều di tích đi liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được phục dựng, xây  mới. Tập tục thờ cúng, lễ hội, diễn xướng dân gian cũng được dân làng phục hồi.

Một vấn đề quan trọng, Nhà nước và chính quyền các cấp ở Phú Thọ không chỉ đầu tư kinh phí, hỗ trợ trùng tu, tu bổ khu di tích lịch sử Đền Hùng mà còn quan tâm hơn nữa tới di tích, lễ hội, tập tục thờ cúng, và hệ thống các tài liệu ở các làng quê, các đền thờ Vua Hùng, danh nhân.


Phú Thọ tạo mọi điều kiện để người dân tham gia và hoạt động bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ảnh: TTXVN

Theo đó, việc khảo cứu những luận cứ khoa học liên quan tới tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tỉnh Phú Thọ xem trọng. Cụ thể, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê khoa học các di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn Phú Thọ và cả nước.

Phú Thọ cũng tổ chức sưu tầm, bổ sung các truyền thuyết, các nghi thức, trò diễn dân gian. Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã phối hợp với Viện nghiên cứu Hán Nôm điều tra, nghiên cứu nguồn thư tịch Hán Nôm như: sắc phong, ngọc phả, thần tích, văn bia... tại các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn 10 tỉnh, thành phía Bắc.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ cũng nâng cao vai trò của cộng đồng, chủ thể sáng tạo, bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Cụ thể, tỉnh Phú Thọ đã  tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, bảo tồn các tập quán tín ngưỡng, nhất là trong các dịp lễ hội Đền Hùng mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm.

Người dân ở địa phương có đền thờ Hùng Vương tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật từ đặc sản của địa phương để dâng cúng vua Hùng, tham gia các hoạt động văn hóa dân gian như: Đánh trống đồng, đâm đuống, thi chọi gà, thi nấu cơm, đấu vật, đu quay, bơi chải, bắn nỏ…

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012 tại phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003.

Sau đó, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” trở thành một trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật năm 2012 theo Quyết định số 5118/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.  

Mỹ Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm