Phim về Đặng Thùy Trâm: Dường như có bàn tay vô hình nào đó...

25/07/2008 11:25 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Những mẻ phim cuối cùng in tráng tại Thái Lan đã hoàn tất trước ngày giỗ lần thứ 38 của nữ anh hùng, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm ( ngày 22.7). Có vẻ như đạo diễn Đặng Nhật Minh đã dốc toàn lực cho bộ phim mà anh luôn có những ám ảnh trong tâm tưởng, rằng: “Dường như có bàn tay vô hình nào đó đã sắp xếp tôi làm bộ phim này”. Trước khi tiến hành sơ dựng bộ phim, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã trao đổi với TT&VH.

* Với anh, khó khăn lớn nhất khi thực hiện bộ phim này là gì? Và anh đã vượt qua được bao nhiêu phần trăm khó khăn, bao nhiêu phần trăm áp lực cho đến thời điểm này?

- Khó khăn lớn nhất đối với bất cứ người đạo diễn nào khi bắt tay vào làm phim là phải làm sao cho bộ phim chân thật và xúc động . Đối với bộ phim này cũng vậy, nhất là đề cập đến một hình tượng mà ai cũng ngưỡng mộ, yêu mến.
 
 Đạo diễn Đặng Nhật Minh (phải)
* Nhiều người bảo anh “cầu toàn”, phim đã ra trường quay nhưng nếu còn cơ hội nâng cao kịch bản và thay đổi điều gì đó cho bộ phim tốt hơn, anh cũng cố gắng hết sức. Liệu đó có phải nguyên nhân anh thay diễn viên chính vào lúc chót. Anh có nghĩ mình “liều” khi chọn Minh Hương đóng vai Đặng Thuỳ Trâm - một vai diễn nặng ký, một nhân vật mà ở ngoài đời sự nổi tiếng đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia? Hay, ngay thời điểm quyết Minh Hương cho vai diễn này anh đã có sự tin tưởng?
 
- Tôi nghĩ muốn làm bất cứ việc gì cho đến nơi đến chốn người ta cũng phải cầu toàn, làm phim cũng vậy. Công việc tìm chọn diễn viên cho vai Đặng Thùy Trâm được tiến hành qua nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn chọn ra một ứng cử viên triển vọng nhất. Giai đoạn cuối cùng là tuyển chọn trong các ứng cử viên đó để quyết định một người. Trình tự công việc là như vậy nên không có việc thay diễn viên vào phút chót, và cũng không có chuyện “ liều”.

* Xem Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi… người xem nhận ra đằng sau mỗi khuôn hình là một tư duy phim sắc sảo, có phần hơi lạnh, tiết tấu chậm, bao hàm trong đó nhiều tầng ngữ nghĩa. Phim Đừng đốt, trong đó đã có lửa về Đặng Thùy Trâm, có gì khác so với dòng phim anh làm gần đây?

- Mỗi phim có một yêu cầu riêng, một cấu trúc riêng và phim nào thì cũng phải mang một ý nghĩa nào đó để người xem xong suy nghĩ ít nhiều.
 
Cảnh trong phim Đừng đốt trong đó đã có lửa về Đặng Thùy Trâm
 
* Anh từng nói, có rất nhiều lý do khiến anh có cảm giác có bàn tay “vô hình” sắp xếp anh làm bộ phim này. Anh có nghĩ mình đã hết sức cho bộ phim mà anh quyết thực hiện bằng cả sự thôi thúc của tâm linh?

- Đúng như vậy vì tôi là một người có phần nào duy tâm. Tôi đã cố gắng hết sức mình trong khả năng có thể. Còn kết quả như thế nào xin để người xem phán xét.
 
* Nếu là Hollywood, các phim chiến tranh sẽ có nhiều kỹ xảo, coi trọng yếu tố hành động song song với việc thể hiện tinh tế tâm lý các nhân vật. Các diễn viên Mỹ có nhận xét gì về phim chiến tranh của ta không… khi “kỹ xảo” luôn được coi là “xa xỉ” vì thiếu tiền?

- Phim này cũng có xử lý một vài cảnh kỹ xảo nhưng không nhiều như phim của Holywood. Những cảnh đó được đề ra ngay trong kịch bản. Các diễn viên Mỹ tham gia phim làm việc rất nhiệt tình và nghiêm túc. Trước khi chia tay về Mỹ sau một thời gian đóng phim ở VN, anh Max Cross diễn viên đóng vai Fred lúc trẻ đã nói với chúng tôi đây là giai đoạn hạnh phúc nhất trong đời anh.
 
Đặng Thùy Trâm
 
* Được biết, dù đầu tư 11 tỷ nhưng làm phim chiến tranh trong bối cảnh “trượt giá” mạnh đã khiến đoàn làm phim liên tục phải đối mặt với những khó khăn. Nhà quay phim Lý Thái Dũng kể cảnh quay nhân vật chính bị trúng đạn đã không sử dụng được vì kíp nổ quá mạnh (do sử dụng bằng vật tư tập trận và vũ khí thật của quân đội) đã xé toạc vai áo diễn viên để lộ một mớ dây điện, tấm da bò bảo vệ diễn viên… Các anh đã phải khắc phục quay lại cảnh quay này ra sao?
 
- Có thể anh Lý Thái Dũng nhớ nhầm. Sự cố này xẩy ra với một diễn viên quần chúng đóng vai một nữ du kích bị phục kích. Nó là một sự cố rất nhỏ và khắc phục không khó. Thực tình kinh phí của phim đích xác bao nhiêu tôi cũng không rõ, và khó khăn do trượt giá như thế nào tôi cũng không được ai thông báo. Tôi chỉ ký hợp đồng với Hãng làm công việc đạo diễn chứ không tổ chức sản xuất phim.
 
* Được biết, trong khi phim quay tại Mỹ, nhân vật Fred thật đã đến trường quay và tham gia một vai trong phim. Fred ngoài đời có tư vấn gì cho nhân vật Fred của phim không?

- Trong thời gian đoàn quay ở bên Mỹ cựu binh Fred có đến thăm đoàn phim. Chúng tôi có mời anh đóng một vai quần chúng nho nhỏ ở tòa án (vai luật sư vì Fred cũng là luật sư). Anh vui vẻ nhận lời để lưu lại một kỷ niệm với đoàn. Trong thời gian viết kịch bản tôi đã trao đổi thư từ với Fred rất nhiều. Trước đó tôi còn gặp Fred ở Bang Nord Carolina, và ở VN trong khi anh sang thăm VN. Anh cung cấp cho tôi rất nhiều những mẩu chuyên thật mà anh đã trải qua. Anh giúp chúng tôi rất nhiều.
 
* Nghe anh nói, chắc anh hài lòng về bộ phim? Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất đối với anh khi làm bộ phim này?

- Tôi chỉ có thể nói rằng tất cả chúng tôi từ thành phần sáng tác cho đến các diễn viên chính phụ, anh chị em ở tất cả các bộ môn trong đoàn làm phim đều làm hết sức mình, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc. Đó là điều làm tôi cảm thấy hài lòng nhất.
 
Còn kỷ niệm thì có rất nhiều. Nhưng nhớ nhất đối với tôi là ngày đầu tiên bấm máy ở bang New Jessey bên Mỹ. Trước khi quay cảnh đầu tiên tất cả đoàn làm phim gồm anh em chúng tôi từ Hà Nội sang, các diễn viên, kỹ thuật viên người Mỹ, một số anh chị em Việt Kiều tham gia làm các công việc hậu cần của đoàn phim…, tất cả đã dành một phút để mặc niệm hương hồn nữ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm. Giây phút đó tôi không bao giờ quên.

* Được biết gia đình chị Đặng Thuỳ Trâm rất quan tâm đến bộ phim này, họ có góp ý gì đến nội dung phim không và mong muốn của họ đối với bộ phim này là gì?

- Bác Doãn Ngọc Trâm và chị Đặng Kim Trâm là mẹ và em gái của Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều cả trong khi hình thành kịch bản lẫn trong cả giai đoạn quay. Nếu không có sự giúp đỡ đó khó lòng chùng tôi có thể thực hiện được bộ phim này.

* Xin cảm ơn anh!
 
Dương Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm