Phá kim tự tháp Maya cổ để lấy đá làm đường

16/05/2013 15:50 GMT+7 | Văn hoá

Một kim tự tháp cổ đã tồn tại trong khoảng thời gian 2.300 năm ở Belize đã bị phá hủy thành đá vụn để lấy vật liệu làm đường.

Truyền thông địa phương của Belize (một nước nhỏ ở Trung Mỹ với 334.000 dân) cho hay khu vực có giá trị khảo cổ đồng thời là một trong những kim tự tháp lớn nhất của người Maya ở Nohmul tại miền bắc Belize đã bị những chiếc máy ủi và máy xúc của một công ty xây dựng phá hủy vào tuần trước để lấy đá làm đường.

Trưởng Viện khảo cổ Belize, Jaime Awe nói: “Thật là không thể tưởng tượng được sự thiếu hiểu biết và vô tâm của họ. Một kim tự tháp cổ lại bị đập phá lấy đá làm đường. Cảm giác cứ như thể bị đấm vào bụng vậy. Chuyện này quá hoang đường”.

Ông Awe cho hay di chỉ ở Nohmul khoảng 2.300 năm tuổi và là một trong những địa điểm quan trọng nhất ở miền bắc Belize, gần biên giới Mexico. Trong khi người Maya đã phải dùng những công cụ thô sơ và cật lực lao động mới có thể xây dựng nên những công trình như vậy thì con người thời nay lại lười biếng đến nỗi mang máy móc hiện đại tới đập đá ở một kim tự tháp hàng ngàn năm tuổi.

Cảnh phá hủy tại khu vực kim tự tháp cổ ở Belize

Không giấu được phẫn nộ, ông Awe khẳng định những kẻ phá hoại không thể không nhận ra kim tự tháp này vì nó cao tới 30m, tương đương một ngọn đồi, và đã trở nên nổi tiếng. Ông buộc tội: “Họ biết đây là một di tích cổ đại. Chỉ là họ quá lười biếng”.

Cảnh sát Belize cho hay họ đang tiến hành điều tra và có khả năng những người có trách nhiệm sẽ bị kết tội. Mặc dù di chỉ Nohmul nằm giữa một cánh đồng mía đường thuộc sở hữu tư nhân nhưng luật của Belize đã quy định bất kì di tích nào thuộc thời kì tiền Tây Ban Nha đều do chính phủ quản lý.

Đây không phải là lần đầu tiên việc này xảy ra ở Belize, đất nước có hàng trăm di tích của người Maya cổ đại. Nhiều khu di tích khác cũng chịu chung số phận nhưng đây là di tích lớn nhất bị phá hủy từng được ghi nhận.

Belize cũng không phải là quốc gia duy nhất để những công trình lao động thủ công của người Maya bị hư hại, bởi các di tích từ nền văn minh cổ đại này rải trên một khu vực rộng lớn từ đông nam Mexico đến Guatemala, Honduras và Belize.

Theo Tin tức/Guardian

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm