Những cái nhất 2012 (Bài 1)

01/01/2013 06:00 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Chưa khi nào khủng hoảng kinh tế có tác động sâu sắc như thế đến làng văn hóa nghệ thuật Việt, theo cả hai chiều: vút bay và rơi thẳng. Hàng loạt những kỷ lục được lập nên và đang chờ được phá trong năm 2013.

Ca nhạc vút bay!

Làng ca nhạc năm 2012 nên cảm ơn ca sĩ Vy Oanh, người biết làm kinh tế trước khi làm ca sĩ và nhờ thế, music video (MV) đầu tư tới gần 1 tỷ đồng của cô mang tên Vút bay đã “vận” vào giới nhạc Việt năm nay. Năm ngoái, cái tên Vy Oanh bắt đầu phủ sóng trên báo chí sau khi cô mạnh tay chi 7 tỷ để sở hữu một chiếc xe thương hiệu cao cấp, thương hiệu này vốn gắn liền với những người nổi tiếng. Và năm nay, MV giá khủng đã nhanh chóng đưa Vy Oanh bay vút thành ca sĩ triển vọng của Làn sóng xanh, một bước đệm trước khi có thể chính thức lọt vào “bảng phong thần” năm tới.

Nói MV Vút bay vận vào nhạc Việt năm 2012 là nói đùa, nhưng nói thật là không có lĩnh vực nào ăn nên làm ra như ca nhạc trong năm vừa qua. Đầu tiên là sự áp đảo của các cuộc thi, nói chính xác là các games show truyền hình, liên quan tới âm nhạc, từ Sao Mai - Điểm hẹn đến Bài hát Việt Bài hát yêu thích, từ Vietnam Idolđến Giọng hát Việt, hát cũng là thể loại được chọn thể hiện nhiều nhất trong sân chơiTìm kiếm tài năngViệt Nam. Dậy sóng dư luận và đạt tỷ lệ rating (số người xem truyền hình) cao nhất cũng là các giọng hát (chính xác là chương trình Giọng hát Việt).


Hai diva Hồng Nhung và Mỹ Linh

Sự bùng nổ của các chương trình ca nhạc lớn, có thể xem là kỷ lục trong năm, từ Cầm tay mùa Hè(Thanh Lam, Mỹ Linh) đến loạt chương trình In The Spot Light (với các live show Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Tiến và mới nhất là Trịnh Công Sơn - Gọi tên 4 mùa), từ Tùng Dương hát tình ca đến Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi. Từ live show kỷ niệm 15 năm ca hát của Đàm Vĩnh Hưng, ngôi sao giải trí số một, đến live concert ngày trở về của Bằng Kiều, giọng ca nam “hot” hàng đầu ở hải ngoại. Điều đặc biệt, mật độ các chương trình dày đặc, giá vé cao kỷ lục, cao nhất là chương trình của Bằng Kiều, hạng nhất 4 triệu đồng/vé, các chương trình khác vé hạng nhất cũng ở mức 3 triệu, 2,5 triệu đồng/vé, nhưng hầu hết đều rơi vào tình trạng “cháy vé”, trong đó “cơn cháy” khủng khiếp nhất là Bằng Kiều in Concert 2012, diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội tối 28/10/2012 (trước đó tại Sân khấu Lan Anh, TP.HCM ngày 26/10). Giá vé chính thức hạng nhất là 4 triệu đồng/vé. 3.200 vé được phát hành và hết sạch ngay trong ngày mở bán đầu tiên. Chợ đen quát giá hạng nhất tới 1.000 USD/cặp (11 triệu đồng/vé) - giá kỷ lục trong lịch sử showbiz Việt Nam từ trước tới nay và có thể còn nhiều năm tới nữa.

Cùng với giá vé xem ca nhạc, cát-sê ca sĩ cũng vút bay, tăng gấp rưỡi tới gấp đôi năm ngoái. Thù lao một khách mời đặc biệt trong live show Bằng Kiều nghe nói chạm tới con số 200 triệu đồng. Cát-sê các ca sĩ hạng A cũng ngót nghét trăm triệu cho một đêm xuất hiện trên sân khấu (dù có thể chỉ hát một bài). Một nghịch lý thời khủng hoảng kinh tế chăng? Không, đơn giản là: khủng hoảng kinh tế, không biết làm gì nữa thì người ta giải trí! Và dường như khủng hoảng cũng khiến công chúng khắt khe hơn trong việc lựa chọn sản phẩm giải trí, kết quả là sự lên ngôi của những chương trình tử tế.

Không chỉ lên giá biểu diễn, giới nhạc năm 2012 còn mở ra một con đường thu bộn tiền từ nhạc số. Từ ngày 1/11/2012, người tiêu dùng khi download 1 bản nhạc trên các trang web có bản quyền sẽ phải trả phí 1.000 đồng/bản. Theo ước đoán, đến năm 2014 sẽ có 10% người dùng internet cùng 13,5 triệu người dùng mobile trả tiền tải nhạc, tương đương với mức doanh thu tải nhạc 13,5 tỷ đồng/năm, một con số khá lớn.

Lợi nhuận cao như vậy, phần thiệt hại của ngành này trong năm nay ngược lại, quá nhỏ. Nụ hôn nhiều hệ lụy của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chỉ phải nộp phạt 5 triệu đồng.

Nhảy múa hăng say

Điệu nhảy ngựa Gangnam Style đạt cú mốc 1 tỷ view trên YouTube. Cô giáo về hưu hồn nhiên lên sân khấu nhảy Gangnam. Sinh viên các trường đại học phát cuồng vì Gangnam. Kỷ niệm giải phóng thủ đô cũng nhảy Gangnam… Nhưng trước khi điệu nhảy ngựa Hàn Quốc xuất hiện, thì nhảy múa, môn nghệ thuật lâu nay vốn khiêm tốn nhất trên sân khấu Việt (chủ yếu phụ họa, minh họa là chính), giờ không ngừng phát triển. Bước nhảy hoàn vũ vừa kết thúc thì có ngay Thử thách cùng bước nhảy, rồi thêm Centaur Dance Showdown. Nếu Tìm kiếm tài năng Việt Nam mùa đầu tiên áp đảo các thí sinh khoe giọng (hát), thì mùa thứ hai mới khởi động được dự báo là “bão táp” của các điệu nhảy. Tài năng Việt Nam mùa thứ nhất đã trao vương miện cho một cặp đôi nhảy múa, và mùa tới nhiều khả năng điều này tái hiện.

Các biên đạo, các nghệ sĩ múa đắt sô chưa từng thấy. Họ bị giành giật mời làm giám khảo các cuộc thi (và nhiều người cuộc nào cũng phải có mặt). Các hội đồng duyệt trang phục biểu diễn thoáng chưa từng thấy: những bộ đồ kiệm vải nhất có thể, trình diễn ở đâu có thể bị phạt, nhưng trên sàn nhảy múa thì không. Các nghệ sĩ chăm chỉ rèn luyện nhảy múa chưa từng thấy: họ tập luyện tới phát ốm, tới chấn thương.


Chương trình "Thử thách cùng bước nhảy"

>> Những cái nhất của năm 2012 (Bài 2)


GPRS; Ảnh: V.C
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm