Nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên: Dùng 'ngôn tình' níu giữ những lạc quan

16/07/2018 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hai tập truyện dài Cơn giông chiều mùa Hạ và Mưa ngâu tháng Bảy của tác giả Bùi Nguyễn Trường Kiên vừa tái bản sau gần 30 năm. Điều ngạc nhiên là, dù ngôn tình mới “nhập khẩu” vào Việt Nam gần 10 năm nay, nhưng hai tập truyện này đã rất ngôn tình.

1. Nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên và NXB Tổng hợp TP.HCM vừa tổ chức buổi ra mắt 2 tập sách này vào sáng 15/7 tại Đường sách TP.HCM.

Nếu Cơn giông chiều mùa Hạ kể về các học sinh lớp 11, nơi nhân vật Quê mồ côi cha mẹ, Hương và Vy ngoan giỏi, Bình, Thăng… vui vẻ, Hậu phá phách. Thì Mưa ngâu tháng Bảy kể về thời sinh viên của các nhân vật Nhật Hà, Anh Thư, Thuần, Lữ, Thủy Tiên, Tâm… nơi tình yêu là những thách thức, ngang trái. Cả hai tập truyện có điểm chung là được viết với giọng văn đằm thắm, kiểu ngôn tình thời nay, nhưng lại không dừng lại ở đó.

Chú thích ảnh
Tác giả Bùi Nguyễn Trường Kiên (giữa) trong buổi ra mắt tại Đường sách

Với khía cạnh báo chí, Bùi Nguyễn Trường Kiên nổi tiếng là cây bút phóng sự, những điều tra dũng cảm của anh đã đưa ra nhiều sự thật, nhiều vụ án chấn động. Thế nhưng khi viết văn, anh lại chọn cách khác, nhẹ nhàng, trung dung hơn, nơi các nhân vật dù xấu đến đâu cũng có lúc làm việc tốt, có lúc đáng yêu. Và ngược lại, người tốt có khi cũng phạm vào điều xấu.

Trường trong Mưa ngâu tháng Bảy là một nhà báo biến chất, vô cảm, sẵn sàng nhận hối lộ, cam tâm chạy xe bỏ trốn khi tông phải một em bé. Còn với Hậu trong Cơn giông chiều mùa Hạ, dù mới là một học sinh nhưng đã bè phái như tội phạm, ai cũng muốn xa lánh… Vậy mà khi có dịp, họ vẫn có thể làm việc có ích, làm việc tốt. Có lẽ vì tin vào “tính bổn thiện”, cũng như tin vào tình người, vào sự cảm hóa của hoàn cảnh, của giáo dục… Bùi Nguyễn Trường Kiên luôn mang đến cho người đọc những bất ngờ như vậy. Trong truyện của anh, cuộc đời cũng đầy mâu thuẫn, bi kịch, nhưng sau cùng, anh chỉ muốn níu giữ những lạc quan.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi ra mắt sách của Bùi Nguyễn Trường Kiên tại Đường sách TP.HCM

2. “Tôi đọc Mưa ngâu tháng Bảy với tâm trạng khá lo lắng, vì thấy nó ngôn tình quá, sợ tác giả chỉ dừng lại ở ngôn tình thôi, thì chẳng có gì đáng nói. Nó cũng có tình tay ba, tay tư, thậm chí tay năm, nhưng rồi Bùi Nguyễn Trường Kiên đã thoát ra được ngõ cụt tầm thường này để đề cập một vấn đề lớn hơn, nơi con người không dễ dàng là xấu tốt rạch ròi. Bởi “cõi người ta” là lẫn lộn tốt xấu, nơi người xấu và người tốt có giao thoa hành động với nhau, khó tách bạch dễ dàng” - nhà văn Nhật Chiêu nhận định.

Chú thích ảnh
Cuốn sách "Mưa ngâu tháng Bảy"

“Tất nhiên rồi, làm gì mà chỉ có những con người tốt-hoàn-toàn sống với nhau trên cõi đời này. Cái xấu, cái ác luôn hiện diện khắp nơi, thậm chí là chiếm lĩnh cả về lượng và chất ở chỗ này, chỗ khác. Là nhà văn, tôi biết điều đó. Song nhà văn không có nghĩa là chụp hình lại cuộc sống và đưa đến cho bạn đọc của mình những tấm ảnh bằng chữ trần trụi đáng sợ về cuộc sống, về con người với mặt trái đen tối của nó. Tôi yêu cuộc sống, yêu con người, có lẽ các nhân vật của tôi biết điều đó, nên chính họ đã bắt tôi phải viết về họ với ít cái xấu nhất nơi con người” - Bùi Nguyễn Trường Kiên bày tỏ.

Chú thích ảnh
Cuốn sách "Cơn giông chiều mùa Hạ"

Sự bao dung này đã thành một chọn lựa, một quan điểm sống của Bùi Nguyễn Trường Kiên. Một ngòi bút phóng sự giàu tính đấu tranh như đã đề cập, nhưng khi có độ lùi, lúc cần chọn ra gần 100 bài để in thành 3 tập sách, sắp xuất bản, anh đã lọc hết các nhân vật cụ thể, chỉ giữ lại các bài bao quát, vấn đề chung. Bởi theo anh, sau nhiều năm, các nhân vật ấy có thể đã “lỗi thời”, có thể đã thành con người khác hoàn toàn. Anh chia sẻ: “Tôi đã thấy nhiều người rời nhà tù thì đi vào nhà chùa, chọn con đường tu hành khắc khổ, cũng có người trở thành những tình nguyện viên trong các công tác từ thiện, có người đã qua đời. Nếu bây giờ mình cứ vô tư in lại những câu chuyện cũ, quả là bất nhẫn và bất nhân”.

Chính vì chọn lựa như vậy, nên đọc lại hai tập truyện của Bùi Nguyễn Trường Kiên vẫn thấy được sự tươi mới. Cuộc sống đang có quá nhiều âu lo, bức bí, đọc những trang văn với lòng lạc quan, hướng thượng cũng là cách tìm về nguồn năng lượng tích cực. Sách khá phù hợp với đối tượng độc giả là học sinh, sinh viên.

Một hồn thơ dạt dào

Bên cạnh hai tập truyện vừa tái bản, Bùi Nguyễn Trường Kiên (sinh 1959 tại Điện Bàn, Quảng Nam) còn viết truyện ngắn, sách tư vấn tâm lý. Riêng khía cạnh thơ, anh là tác giả của các tập Sau lưng ảo ảnh (1995), Gửi lời cho gió mang đi (1997), Quê nhà nỗi nhớ (2003), Phù sa tháng Ba (2010), Ru cho một thở (2015), Cỏ ơi…! (2017). Gần đây anh in những bài thơ mới trên Facebook, thu hút được nhiều độc giả tương tác.

Ngày Thơ Việt Nam 2018: Bước 'chạy đà' cuối cùng để trở thành 'Ngày Văn học Việt Nam'

Ngày Thơ Việt Nam 2018: Bước 'chạy đà' cuối cùng để trở thành 'Ngày Văn học Việt Nam'

Năm nay cũng là năm đầu tiên, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm