Ngôi mộ của Oscar Wilde bị... "cưỡng hôn"

04/12/2011 10:56 GMT+7 | Văn hoá

 (TT&VH) - Sinh thời, nhà soạn kịch Ireland nổi tiếng, người khởi xướng phong trào Nghệ thuật vị Nghệ thuật - Oscar Wilde (1854-1900) từng viết: “Một nụ hôn cũng có thể hủy hoại cuộc sống một con người”. Đúng là nụ hôn có sức “công phá” mạnh bởi nó cũng có thể hủy hoại cả những phiến đá.

Nhiều năm qua, bề mặt ngôi mộ của Oscar Wilde tại nghĩa trang Père Lachaise ở Paris (Pháp) đã bị ăn mòn và xấu đi bởi son môi của người hâm mộ.

Hôm 30/11, nhiều quan chức Pháp và Ireland cùng cháu trai duy nhất của nhà văn là Merlin Holland và diễn viên Anh Rupert Everett đã có mặt tại buổi khánh thành dự án tu bổ ngôi mộ, gồm việc làm sạch, đánh bóng bề mặt mộ và lắp một hàng rào kính nhằm ngăn chặn tình trạng người hâm mộ “tra tấn” phiến đá bằng những nụ hôn. Chi phí tu bổ ngôi mộ do Chính quyền Paris và Chính phủ Ireland hỗ trợ.


Ngôi mộ của Oscar Wilde trước khi được tu bổ.

Thú vui không thể dẹp bỏ

Năm 1900, ở tuổi 46, Oscar Wilde qua đời không một xu dính túi do tài sản của ông bị tịch thu để trả án phí. Holland giải thích, do Wilde qua đời trong khánh kiệt và bạn bè chỉ có thể chôn cất ông một cách sơ sài ở Bagneux.

Nhiều năm sau, người tình đồng thời là người thẩm định tác phẩm của ông -  Robert Ross - đã quyết định bán các tác phẩm của ông, trong đó có De Profundis, tác phẩm chứa đựng những lời tố cáo gay gắt mà Wilde viết từ nhà tù cho người tình cũ của ông - Huân tước Alfred Douglas (Bosie).

Sau đó, Helen Carew, một trong những người bạn của Ross, người biết Wilde từ khi ông còn ở đỉnh cao sự nghiệp, đã “âm thầm” ủng hộ 2.000 bảng để dựng bia kỷ niệm. Tấm bia do nhà điêu khắc trẻ Jacob Epstein tạo tác và được dựng tại mộ vào năm 1914. Đến đầu những năm 1960 thì bức phù điêu  thiên thần trên bia bị làm hỏng. Phần mộ yên ổn cho đến cuối những năm 1990, khi ai đó đã quyết định để lại một nụ hôn có son trên mộ. Kể từ đó, trên mộ xuất hiện chi chít các dấu son môi, hình trái tim và nhiều dòng chữ bày tỏ tình yêu viết kiểu graffiti, như: “Wilde, chúng tôi nhớ ông”…

Ông Holland nói rằng son môi trên bề mặt mộ đã trở thành “vấn đề nghiêm trọng” vì chất dầu trong son bám vào đá. Hôn lên mộ Wilde đã trở thành một "thú vui" của người hâm mộ, mà không thể dẹp được, thậm chí nếu bị bắt quả tang sẽ bị phạt 7.700 euro. Giờ ngôi mộ đã có một tấm kính làm rào chắn, vậy nên người hâm mộ chỉ có thể để lại nụ hôn trên một cái cây gần đó.


Oscar Wilde

Qua đời trong cô đơn và nghèo túng

Sau khi Wilde bị một tòa án London phạt 2 năm tù lao động nặng vì có quan hệ đồng giới - đây bị coi là một “tội ác” trong triều đại của Nữ hoàng Victoria (1837-1901), vợ ông - bà Constance Lloyd - đã đổi họ nhằm tránh sự khinh bỉ của mọi người. Bà cùng 2 con trai ông là Cyril và Vyvyan lánh sang Đức.

Năm 1897, Wilde rời London sang Pháp sau khi mãn hạn tù và không thể trở lại phong độ sáng tác như thời kỳ đỉnh cao. Tại Pháp, ông sống một thời gian ở Berneval, gần thành phố Dieppe vùng Normandie. Ông đổi tên thành Sebastian Melmoth, dựa theo cuốn tiểu thuyết Melmoth The Wanderer (Melmoth kẻ lang thang) của Charles Robert Maturin, một trong những người sáng lập dòng văn học gothique. Maturin cũng là chú của Wilde.

Cuộc đời Oscar Wilde bắt đầu xuống dốc. Ông không bao giờ bước ra khỏi nhà và dù được bạn bè giúp đỡ, ông vẫn sống những ngày tháng cuối đời trong cô độc và nghèo khổ. Sống trong một khách sạn nhỏ ở Paris, Wilde từng nói khi cận kề cái chết: “Tôi và tấm giấy dán tường đang đọ nhau để đi đến cái chết. Một trong hai chúng tôi phải ra đi”.

Ngày 30/11/1900, ông qua đời vì bệnh viêm não.

Những ngôi mộ được "hâm mộ" nhất

* Jim Morrison: Thi hài của ca sĩ của ban nhạc The Doors Morrison cũng được chôn cất ở nghĩa trang Père Lachaise sau khi anh qua đời năm 1971. Trong số hàng trăm nghệ sĩ yên nghỉ ở nghĩa trang này thì mộ của Morrison đón được nhiều người hâm mộ nhất. Tuy nhiên, bức tượng bán thân của anh từng được đặt ở mộ đã bị đánh cắp và mộ anh luôn bị “bôi bẩn” với những hình graffiti của người hâm mộ.

* Elvis Presley: Sau khi vVua rock qua đời vào năm 1977, ông được chôn tại một nghĩa trang ở Memphis. Nhưng do lượng người đến thăm viếng quá đông, nên cha ông - ông Vernon - đã chuyển di hài ông về ngôi nhà cũ của vua rock ở Graceland, Memphis.

* Bob Marley: Ngôi sao dòng reggae này qua đời năm 1981 và ông được chôn trong một nghĩa trang ở Nine Miles, Jamaica. Năm nào cũng có hàng ngàn người tới thăm mộ ông.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm