Lay lắt nghề may phục trang cải lương tuồng cổ

07/09/2016 06:29 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 6/9 tại Đại học Mở TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học “Sân khấu cải lương và trang phục cải lương: Thực trạng và phương hướng bảo tồn”. Sự sa sút của cải lương thì nói nhiều rồi, còn các vấn đề cụ thể như nghề may phục trang - một móc xích quan trọng của cải lương tuồng cổ - thì đây là lần hiếm hoi.

Theo nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm Anh và thạc sĩ Nguyễn Ngọc Sang thì nghề làm phục trang cải lương quy tụ chủ yếu ở TP.HCM, phổ biến ở các quận 1, 5, 4 và Bình Thạnh… Họ không chỉ cung ứng cho cả nước, mà còn bán đi nhiều nơi trên thế giới. Ước tính hiện tại còn khoảng 50 người theo nghề, trong đó có hơn 30 người chuyên nghiệp, xứng tầm nghệ nhân.

Theo các nghiên cứu thì nghề phục trang cải lương tuồng cổ thực sự xuất hiện tại Sài Gòn từ khoảng thập niên 1930, trước đó nó thường “kế thừa” của hát tuồng (hát bội) và của các đoàn hát kinh kịch từ Triều Châu, Quảng Đông, Hong Kong (Trung Quốc)… khi họ đến biểu diễn tại Chợ Lớn.

Những nghệ nhân nổi tiếng thời kỳ đầu như Tám Trống không chỉ có khả năng sửa chữa, làm hoàn thiện các bộ phục trang, mà còn cải tiến, sáng tạo rất nhiều để phục trang cải lương tuồng cổ Việt Nam có được bản sắc riêng.


Quang cảnh hội thảo

Các nghệ nhân về sau này như Kim Phượng, Bảo Ly, Bo Bo Hoàng, Công Minh, Yến Phương, Kim Duyên, Bạch Nga, Thành Châu, Vũ Luân… đều tiếp tục tinh thần “cải lương” (đổi mới) để làm nên một diện mạo phục trang riêng biệt, phù hợp với con người, phong thổ vùng Nam bộ.

Đa số làm nghề theo tinh thần “cha truyền con nối”, nên nghệ nhân nào cũng có quy cách và kỹ thuật riêng. Do vậy, khi cải lương bị mai một, kỹ thuật làm phục trang cũng có nguy cơ mai một nhanh chóng.

Hội thảo còn đưa ra nhiều thực trạng nhức nhối khác, nhưng hướng khắc phục thì gần như bế tắc. Một ý kiến dẫn ra nhiều thông tư, nghị định của chính phủ về di sản, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống thì nghề phục trang cải lương tuồng cổ chưa được áp dụng. Mà dường như nghề này lâu nay vẫn “âm thầm hoạt động”, chứ chưa được xem là một nghề thực thụ (?), dù đóng góp của họ với sân khấu cải lương thật khó phủ nhận.

Hơn nữa, trước thực tế cải lương, đặc biệt cải lương tuồng cổ, đang mai một nhanh chóng, những người làm nghề phục trang đều phải gắng gượng theo nghề, sống đắp đổi, bấp bênh. Nếu một lúc nào đó cải lương tuổng cổ hết đất sống thì nghề này cũng đành nói lời từ biệt. Nhiều người nhìn vào sự lay lắt hôm nay mà lo rằng ngày đó sẽ không còn xa.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm