Làng cổ Đường Lâm: Gánh nặng bảo tồn

14/04/2015 14:30 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Thay vì tổ chức giãn dân để bảo tồn, làng cổ Đường Lâm lại tiếp tục mọc lên vài chục ngôi nhà xây trái với quy hoạch được duyệt. Đó là câu chuyện đang xảy ra ở thời điểm tròn hai năm sau sự kiện người dân nơi đây xin trả lại danh hiệu Di tích cấp Quốc gia.

Khi đó, vào tháng 5/2013, lá đơn xin trả danh hiệu được hơn 60 hộ dân cùng kí với lý do: việc cấm cải tạo và xây nhà cao tầng đã đẩy cộng đồng nơi đây vào cảnh "sống dở, chết dở" trong sinh hoạt hàng ngày. Xa hơn,  câu chuyện này đã sắp trôi qua năm thứ 10 – nếu tính từ  thời điểm Đường Lâm nhận danh hiệu cấp Quốc gia vào cuối 2005.

Vẫn có thêm nhà cao tầng

Theo thông tin từ Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, chỉ riêng trong năm 2014, khu vực này đã có tới 48 trường hợp xây dựng, cơi nới nhà ở hoặc công trình phụ. Và, nếu căn cứ vào quyết định số 6634 của thành phố Hà Nội về bảo tồn làng cổ Đường Lâm (được phê duyệt vào cuối năm 2013 và công bố vào 3/2014), già nửa trong số này đều là các trường hợp vi phạm sai quy định về việc sử dụng vật liệu truyền thống (4 hộ) hoặc về khoảng lùi (27 hộ).


Nhà cao tầng vẫn đang mọc lên trong làng cổ Đường Lâm

Còn trong nửa đầu năm 2015, dù chưa thống kê đầy đủ, ước tính vẫn có thêm hơn chục trường hợp xây nhà mới hoặc cải tạo căn hộ tại Đường Lâm. Đặc biệt, theo quan sát của PV Thể thao & Văn hóa (TTXVN), ngay trên trục cảnh quan từ đình Mông Phụ về xóm Xui (nơi có một số nhà cổ được xếp vào loại 1), một vài ngôi nhà cao tầng lại đang tiếp tục được xây dựng, hoặc xuất hiện với màu sơn khá mới.

"Đường Lâm có hơn 1500 hộ. Tính ra, mỗi năm có khoảng 40 tới 50 trường hợp xây dựng, cơi nới nhà cửa"  - ông Nguyễn Hùng Sơn (Trưởng ban Quản lý di tích Đường Lâm) nói - "Nếu cứ nhất định chiếu theo các tiêu chí hiện có, thì những trường hợp vi phạm cả mới, cả cũ ở đây lên tới vài trăm".

Sự thực, theo đề án được phê duyệt, việc giãn dân để giảm tải áp lực dân sinh lên làng cổ có thể coi là giải pháp cấp thiết nhất để giảm bớt tình trạng này. Cụ thể, trong khoảng thời gian 2 năm 2014 và 2015, khoảng 150 hộ dân có nhu cầu bức thiết về nhà ở sẽ được  tổ chức di dời sang khu vực mới. Ở giai đoạn 2 (tới 2020) sẽ tới lượt 420 hộ dân khác. Tuy nhiên, vào thời điểm này (6 tháng trước khi giai đoạn 1 kết thúc), sau rất nhiều tranh cãi và kiện cáo, việc giãn dân vẫn chưa được triển khai.

"Đây là câu chuyện dài, rất mệt mỏi và liên quan tới nhiều ngành" – ông Sơn nói thêm - "Tôi cho rằng, để mọi việc thuận lợi, chúng ta cần có những hỗ trợ đặc thù, chẳng hạn như xây dựng sẵn hạ tầng tại nơi giãn dân". Một số hộ dân cũng cho biết: Quỹ giãn dân được công bố trước đây là khu vực đất hoang, an ninh không tốt nên rất khó để họ tự nguyện đóng tiền xây dựng cơ sở hạ tầng (san lấp mặt bằng, làm đường điện nước...).


Đang trong diện "chia đôi" vì tranh chấp, một hộ dân Đường Lâm cũng lúng túng về việc khai thác ngôi nhà cổ được trùng tu

Trùng tu cũng gây bức xúc

Trên thực tế, trong vài năm qua, hơn một chục ngôi nhà cổ tiêu biểu của Đường Lâm đã được tổ chức trùng tu theo một dự án do Nhật Bản hỗ trợ. Và, bên cạnh câu chuyện cũ về vấn đề quản lý xây dựng, nhiều hộ dân cũng tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả thực tế của dự án này.

Điển hình, trong khi chủ nhân một số nhà cổ được trùng tu tổ chức làm du lịch cho khách tham quan, bà Kiều Thị Thảo (xóm 2, thôn Đông Sàng) lại tỏ ra bức xúc về việc trùng tu nhà mình. Do những tranh chấp lịch sử để lại, bà Thảo được coi là cùng sở hữu một ngôi nhà cổ với hộ bên cạnh và phân chia 2 nửa ngôi nhà bằng một bức tường. Tuy nhiên, theo lời bà Thảo, khi trùng tu, phía dự án đã không hỏi ý kiến bà (đang sống tại nơi khác) mà tự ý tiến hành luôn.

"Tôi nghe báo tin, về nhà thì thấy mọi thứ đã gần  xong rồi. Bây giờ, nhà đang tranh chấp chưa được giải quyết, tôi cũng chẳng biết khai thác vào mục đích gì? " – bà Thảo nói.

Đặc biệt, số tiền đầu tư được công bố từ  800 triệu – 1 tỷ đồng cho mỗi nhà cổ trong thời gian qua cũng là lý do gây thắc mắc với nhiều hộ dân. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Sơn cho biết: Quả thực, số tiền thực chi cho mỗi dự án chỉ chiếm khoảng 60, 70% mức đầu tư. Còn lại, đó là các khoản tiền về phí thiết kế, xây dựng nhà bao (để bảo vệ nhà cổ trong khi thi công), thuế giá trị gia tăng, kinh phí dự phòng theo Luật xây dựng... "Tất cả tiền còn lại, hoặc tiền bán vật liệu sau khi gỡ bỏ nhà bao, đều được chuyển lại về ngân sách theo đúng quy định" – ông Sơn nói.

Nhưng, bản thân câu chuyện ấy cũng có nghĩa: việc trùng tu, bảo tồn hàng loạt nhà cổ Đường Lâm trong thời gian tới lại rất cần những cơ chế linh hoạt và đặc thù về kinh phí để có thể sớm được triển khai. Bởi, theo như dự tính mà phía quản lý Đường Lâm từng đưa ra, việc trùng tu, giãn dân, bảo tồn... tại làng cổ này cần tới 500 tỷ đồng – một khoản tiền mà Ngân sách Nhà nước khó có thể bao cấp hết.

Thêm một năm tồn tại với tình trạng "quá tải" như hiện tại cũng có nghĩa là gánh nặng để bảo tồn làng cổ Đường Lâm lại càng dày lên trong tương lai?

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm