Kịch "Con nhà nghèo" thiếu cao trào để lấy nước mắt?

26/10/2011 13:36 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tác phẩm Con nhà nghèo của Hồ Biểu Chánh lần đầu tiên bước lên sân khấu kịch với câu chuyện được đan cài giữa bi và hài (công diễn vào lúc 20h30 ngày 20/10 tại sân khấu Kịch Hồng Vân, TP.HCM).

Kịch bản do Viễn Hùng biên soạn, NSƯT Hồng Vân - Minh Hoàng dàn dựng vẫn giữ được tinh thần lạc quan, với kết thúc có hậu (người nghèo trở thành giàu) của Hồ Biểu Chánh, dù dung lượng và nhân vật thì bị lược bỏ khá nhiều.

Cái khổ xua đuổi sự đời

Bao đời rồi, gia đình Lựu (do Mai Phương thủ vai) vẫn sống trong cảnh nghèo ở cái xóm Đập Ông Canh (Gò Công), chẳng muốn chuyển đi đâu. Chỉ khi Lựu bị Hai Nghĩa (NSƯT Kim Tử Long) hiếp dâm có thai, rồi bị gia đình bà cai lấy ruộng lúc lúa đang làm đòng, bị giật sụp nhà... thì vạn bất đắc dĩ họ mới bỏ xứ đi Bạc Liêu lập nghiệp. Rõ ràng, những tá điền Nam bộ như gia đình Lựu quá chất phác, hiền lành, họ không sợ nghèo hoặc bóc lột, chỉ khi sự áp bức đó trở thành nỗi thống khổ không thể thay đổi được, họ mới phản ứng lại.

Cảnh trong vở Con nhà nghèo. Ảnh: KHV

Cái khổ không chỉ xua đuổi cái nghèo, mà còn “xua đuổi” cả cái giàu. Khi cái giàu đồng nghĩa với bóc lột và tội ác, thì như một quả báo, nó biến thành “cái khổ” đeo bám họ suốt cuộc đời. Hai Nghĩa thời tuổi trẻ hoang dâm đến mức ra đường không dám đánh con nít, sợ đánh nhầm con rơi của mình, thì tuổi già lại sống trong ăn năn, với bệnh tim chờ chực cướp đi mạng sống. Đó là về thân thể, còn về tâm trạng, ông bị ám ảnh bởi những câu chuyện cũ, những bí mật cần chôn kín.

Cả gia đình ông cũng vậy, ví như cô Bưởi, dù đanh đá nhưng vẫn là người phụ nữ thủy chung, luôn đau khổ vì thiếu vắng hơi chồng, muốn có con nhưng chồng đêm nào cũng than “trúng gió”. Về sau này, khi cuộc sống của gia đình giàu này thay đổi, họ muốn sống lương thiện hơn, nhưng sự dằn vặt cũ vẫn không thôi đeo bám. Đây cũng là những kiểu nhân vật “điển hình” trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, khi mà bản chất cam chịu, vui sống của người nghèo được đặt vào thế mâu thuẫn dài lâu với sự hách dịch, độc ác của người giàu. Nhưng kết cuộc bao giờ cũng rộng mở, tươi sáng hoặc dễ thở cho cả đôi bên.

Cách suy nghĩ này cũng được đạo diễn Hồ Ngọc Xum chia sẻ trong phim truyền hình do hãng TFS sản xuất, “con nhà nghèo” đã thoát nghèo trong thế phải “vượt qua”, khi bị nỗi khổ dồn ép đến chân tường.

Một hương vị khác

Hơn 100 năm sau, khi chuyển soạn thành kịch nói, Viễn Hùng đã phải thay đổi rất nhiều hương vị, để làm sao khán giả ngày hôm nay vẫn nắm bắt tinh thần câu chuyện của ngày xưa, mà không thấy quá xa lạ. Soạn giả - thầy tuồng kỳ cựu này (thành danh từ trước 1975 trong lĩnh vực cải lương) cũng phải thay đổi cảm xúc và tư duy của mình khi chuyển từ ngôn ngữ cải lương sang kịch nói.

Hồng Vân và Minh Hoàng thì chọn cách dàn dựng trung dung, khi mâu thuẫn giữa cái giàu và cái nghèo được đẩy đến cao trào, nhưng không quá đay nghiến, bi ai. Ngay cách tạo dựng vai cũng thế, từ bà cai ác độc (Lương Mỹ) cho đến chị hai tính nóng như lửa (Kim Huyền) hay quan kinh lý Tâm yêu đời (Hoàng Linh), cách diễn đều pha trộn chất hài và bi kịch. Chọn không khí này, có lẽ Kịch Hồng Vân muốn có một vở diễn mà “gu” khán giả nào cũng xem được, vì trong bối cảnh giải trí hiện nay mà diễn thuần bi kịch, sợ rất khó bán vé.

Nếu so với đêm diễn phúc khảo, những suất gần đây, tuyến hài đã được điều chỉnh theo hướng cân đối với bi. Thế nhưng, nhiều chỗ vẫn còn là cười gượng, vì nó không được sinh ra từ tình huống, nên thấy hơi phô. Khán giả dường như vẫn chờ đợi một sự rành rọt hơn, khi nào cười thì cười, khi nào khóc phải khóc. Nếu hỏi cái gì còn thiếu của vở này, có lẽ đó là một, hai cao trào lấy được nước mắt của khán giả; cũng như một cái kết được chuẩn bị tâm lý dài hơn, để hạn chế tối đa sự hụt hẫng.

Lập thân từ những vở kịch đậm chất Bắc và mang hương vị Bắc, việc dàn dựng những vở đậm chất Nam là một nỗ lực rất đáng khích lệ của bà bầu Hồng Vân. Trong vở này, “đài từ” miền Nam của Hồng Vân khá ổn, diễn tả được chất của một phụ nữ phốp phát, lười biếng và chanh chua. Được biết, sân khấu này cũng đang chuẩn bị khởi động một vài dự án kịch về miền Nam thời trước, trong đó có vở về công tử Bạc Liêu.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm