Johnny Trí Nguyễn nối tiếp "huyền thoại" Nhạn trắng Cà Mau

03/04/2012 10:36 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Sau một thời gian chuẩn bị, vào khoảng trung tuần tháng 4 này thì võ đường Liên Phong sẽ khai môn tại khu dân cư Làng Đại học A (Nguyễn Hữu Thọ, phường Phước Kiểng, huyện Nhà Bè) cho nhiều cấp độ tuổi khác nhau. Ngoài chuyện phát dương quang đại Liên Phong quyền mà ông nội truyền lại, Johnny Trí Nguyễn còn xem đây là “cửa ngõ” để tìm kiếm các nhân tố mới cho phim võ thuật sau này.

“Trước đây, bí mật hay bí kíp là điều thiết yếu mà mỗi võ sinh phải gìn giữ, nếu để người ngoài hay kẻ thù biết được, mình sẽ bị thủ tiêu. Còn bây giờ, võ thuật chẳng có gì phải bí mật, khi mục đích của nó là hướng đến tính thể thao, tập luyện để rèn luyện thân thể, càng chia sẻ càng tốt. Võ thuật phải nghiêng dần sang hướng võ đạo, nơi mà đạo đức, lối sống và nhân cách của người luyện võ quan trọng hơn việc thắng thua, sống còn”, bắt đầu cuộc trò chuyện, Johnny Trí Nguyễn nói như vậy.

Giữ gìn một thói quen

* Nghe tin anh mở võ đường thì mỗi người đoán một lý do, mà cái nào nghe cũng có lý của nó. Vậy xin anh cho biết mục đích chính của việc này là gì?

- Gia đình tôi mấy đời tập võ, nam phụ lão ấu gì cũng tập, nhưng càng về sau này, nhất là thế hệ của tôi và con cháu mình, vì nhiều lý do khách quan, số người luyện võ ngày càng ít đi. Tôi thì nguyện suốt đời theo võ đạo nên tự thấy việc mở võ đường là thiết yếu. Võ đường không những giúp tôi và gia đình có nơi để gìn giữ thói quen tập luyện; giúp các môn sinh có thể học thêm môn phái mới và trao đổi võ thuật; giúp đoàn phim có nơi thực tập các pha đánh đấm… mà còn là nơi giúp các thế hệ sau ghi nhớ những công lao của những võ sư tiền bối.

Johnny Trí Nguyễn tại võ đường Liên Phong. Ảnh: Poly

* Tại sao lại có tên là Liên Phong? Phải chăng nó xuất phát từ một chiêu thức, một triết lý hay phương cách tập luyện nào đó?

- Đó là “gom góp những ngọn gió” từ nhiều môn phái khác nhau. Sinh thời, ông nội tôi rất chịu khó theo học võ, nghe đâu có thầy giỏi là tìm đến bái sư. Ông đã kết hợp, rút tỉa đây đó để làm nên 6 bài quyền và 5 năm thân pháp, đặt tên là Liên Phong quyền. Khi mở võ đường, tôi cũng sẽ truyền thụ hết các bài này, tất nhiên sẽ tiết chế bớt những đòn thế nguy hiểm, có thể đoạt mạng sống ngay tức khắc. Dù tiết chế như vậy, phần còn lại của Liên Phong quyền vẫn rất đắc địa, nên tùy cá tính và năng khiếu của từng môn sinh mà sẽ có cách chỉ dạy khác nhau. Tôi cùng với tri kỷ của mình là Patrick Huấn Nguyễn - người rất tinh thông võ học và 4 cascadeur đã tập luyện chung trong 6 năm qua sẽ trực tiếp chỉ dẫn nhiều chiêu thức có tính chắt lọc, cứ 10 võ sinh là có một người “kềm kẹp”, làm sao để sau 100 buổi tập, võ sinh sẽ thực sự có căn bản.

Cơ hội cho trẻ bơ vơ

* Tôi được biết ngoài các lớp cho trẻ em và người lớn, lớp yoga và thể hình, võ đường còn có lớp cho sinh viên với học phí phải chăng và lớp cho trẻ bơ vơ miễn phí. Tại sao anh lại có ý nghĩ phải dạy võ cho những trẻ bơ vơ này?

- Có lẽ nó bắt nguồn từ câu chuyện lúc nhỏ tôi đi học võ, có một võ sư đã tận tình chỉ dạy cho tôi và 10 võ sinh khác mà chẳng nề hà tới chuyện học phí, có hay không cũng được. Tôi làm điều này, một là để tri ân người thầy cũ, hai là thêm cho trẻ bơ vơ, mồ côi cơ hội, vì trong họ, tôi tin có những năng khiếu và ý chí đặc biệt, rất có tương lai.

Nhưng cũng xin tâm sự, hiện tại võ đường còn đang đi tìm sự tài trợ để có thể sắm nhiều trang thiết bị và bảo hộ chuyên dụng cho các em, nó khá đắt nên chúng tôi chưa thể kham nổi. Tập võ mà thiếu trang thiết bị thì vừa nguy hiểm cho bản thân, vừa khó tiến đến các cấp độ khó. Với lại, chúng tôi cũng muốn có đủ thời gian tuyển lựa thật kỹ, để làm sao phát lộ và phát huy được tài năng, sự đức độ trong các em.

* Võ đường anh có sợ võ sinh của mình hành xử bậy bạ sau khi có võ không?

- Không chỉ võ đường của chúng tôi mà bất kỳ tổ chức, ngành nghề nào cũng vậy, người hành xử bậy bạ luôn luôn có, nhưng xã hội có pháp luật và các chế tài để điều tiết họ. Tôi tin rằng, nếu các võ sinh chịu khó tập luyện và chịu tập đến một mức độ nhất định của võ thuật, hiểu được ý nghĩa của võ đạo, thì chắc chắn ra đời sẽ không hành xử bậy bạ. Bởi khi thấu hiểu được giọt mồ hôi trên sàn tập thì cũng sẽ thấu hiểu được các giá trị chân chính của đời sống, nên trước các tình huống có tính khiêu khích, người của võ đạo sẽ biết tiết chế bản thân.

“Huyền thoại” Nhạn trắng Cà Mau

Liên Phong quyền do võ sư Nguyễn Chánh Minh (ông nội của Johnny Trí Nguyễn) sáng lập từ sự kết hợp các chiêu thức gia truyền với nhiều tuyệt chiêu mà ông lĩnh hội được từ các môn phái khác. Liên Phong quyền nổi tiếng bởi quyền pháp mau lẹ, “vừa liên kết vừa liên tiếp” - cùng lúc ra 7-8 đòn, rất khó đỡ.

Nó còn nổi tiếng bởi thân pháp biến hóa, nhẹ như nhạn bay; dân gian có câu “Sáu Minh đá chết trâu”, vì ngoài quyền thuật độc đáo, ông còn dùng song cước lợi hại, từng đá một võ sư người Tiều bay vào sập vách nhà, khiến ông này phải thốt lên “đá như vậy thì trâu cũng chết”.

Trong các sách võ học và giai thoại võ thuật, Nguyễn Chánh Minh được gọi là Nhạn trắng Cà Mau, vì ông luôn mặc áo trắng, từng một mình đánh mười mấy tên cướp dùng mã tấu; từng thắng nhiều võ sư đến thách đấu.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm