Huỳnh Thị Ngọc Hân: Dấn thân vào “cuộc đua” một cách nghiêm túc nhất

19/12/2012 07:04 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Huỳnh Thị Ngọc Hân được biết tới với danh hiệu Người đẹp du lịch của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011. Một lần nữa, cô gái gốc Cần Thơ này được dư luận chú ý khi nộp hồ sơ tự ứng cử vào vị trí Đại sứ Du lịch Việt Nam 2013.

Như TT&VH đã đưa thông tin, Bộ VH,TT&DL đang tiến hành những thủ tục cần thiết để bổ nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam (ĐSDLVN). Việc bổ nhiệm năm nay trở nên nhiều bất ngờ hơn khi xuất hiện một ứng viên tự đề cử.

Từ Australia, Huỳnh Thị Ngọc Hân đã có cuộc trò chuyện khá thẳng thắn và cởi mở với TT&VH.

Để mở cánh cửa giới hạn của bản thân

* Vì sao chị quyết định ứng cử vào vị trí ĐSDLVN?

- Trước khi chuẩn bị hồ sơ tôi đã cân nhắc rất nhiều, việc ứng cử không khó, nhưng điều làm tôi trăn trở là nếu mình được chọn vào vị trí vinh dự này, mình có thể làm được gì xứng đáng với tiềm năng du lịch của nước nhà? Nhiều năm nay, tôi đã tham gia các chương trình quảng bá văn hóa của các dân tộc trên thế giới và tổ chức nhiều sự kiện quảng bá văn hóa - du lịch Việt Nam tại Australia, tôi tự tin mình có thể góp phần mang hình Việt Nam tươi đẹp ra thế giới. Vì vậy, tôi đã nộp hồ sơ đến Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ VH,TT&DL và được nhân viên của Cục xác nhận đã nhận được hồ sơ ứng cử của tôi.

* Tiêu chuẩn của ĐSDLVN theo quy chế hiện hành khá dài, chị đánh giá mình đạt bao nhiêu điểm trong đó?

- Trong văn bản được ban hành bởi Bộ VH,TT&DL có 8 tiêu chuẩn, tôi tự tin mình đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này.

* Tức là chị tự tin mình đạt điểm 10/10?

- Lúc còn là sinh viên, thỉnh thoảng tôi đi học được điểm tuyệt đối một vài môn, tôi vui lắm. Đó là niềm vui của sự về đích và không có áp lực phải cố gắng thêm nữa bởi dù có gắng thêm nữa thì cũng chỉ vui chừng ấy thôi. Tuy nhiên, tôi nhớ mãi lời dặn của thầy dạy lớp MC mà tôi từng theo học khi cuối khóa thầy chấm tôi 9/10. Thầy nói rằng thầy để dành 1 điểm còn lại cho tương lai của tôi, dặn lúc nào tôi cũng phải cố gắng thêm nữa và không bao giờ được dừng lại.

Tôi không dám nhận điểm 10/10 và cũng không tự chấm mình một thang điểm cụ thể trong các tiêu chuẩn ĐSDLVN. Tôi để mở cánh cửa giới hạn của bản thân, để mỗi ngày tôi tiếp nhận thêm những điều tốt đẹp.

* Vậy chị nghĩ đâu là điểm “giới hạn” của mình ở tư cách là một ứng viên ĐSDLVN?

- Trước khi nộp hồ sơ, tôi có nói chuyện với một vài người thân thiết về ý định này. Ai cũng ủng hộ, nhưng đồng thời cũng tỏ ra rất quan ngại về những “giới hạn” của bản thân tôi.

Cụ thể, tôi không có nhiều kinh nghiệm làm việc trong môi trường trong nước – nhất là trong lĩnh vực nhà nước. Khi tôi làm việc trong lĩnh vực tư vấn đầu tư quốc tế tại Australia, các đối tác nước ngoài cũng bàn nhiều về tính minh bạch trong thủ tục hành chính ở các nước đang phát triển. Điều này lý giải tại sao mọi người lo ngại cho một ứng viên tự do như tôi. Mọi người nói vậy làm tôi cũng trở nên dè chừng một thời gian. Tôi suy nghĩ nhiều, song tự cho mình một cơ hội để bước ra khỏi cái giới hạn đó.

Hồ sơ ứng cử vị trí Đại sứ Du lịch Việt Nam của Huỳnh Thị Ngọc Hân gửi Bộ VH,TT&DL trình bày song ngữ Việt – Anh, dày 100 trang, bao gồm thông tin về nhân thân, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, các thành tựu và giải thưởng đã đạt được trong nước và quốc tế, các công tác xã hội, hoạt động cộng đồng và đặc biệt là các chương trình quảng bá văn hóa - du lịch Việt Nam đã tổ chức, tham gia.

Tôi học tập ở Australia và vô cùng thích thú theo dõi việc các sinh viên háo hức và đầy quyết tâm vận động tranh cử cho các chức danh Chủ tịch Hội Sinh viên và các câu lạc bộ. Dù là người chiến thắng hay kẻ chiến bại, tôi vẫn thấy niềm kiêu hãnh rạng ngời trong ánh mắt họ. Họ dám dấn thân! Và kể từ giây phút tôi đặt bút ký tên vào bản đề nghị tự ứng cử, tôi đã đặt quyết tâm mình phải dấn thân vào cuộc đua này một cách nghiêm túc nhất! Tôi tin, hãy gõ, cửa sẽ mở.

Và niềm kiêu hãnh là người Việt Nam

* Nếu cửa không mở thì sao?

- Tôi hay suy nghĩ tích cực, với lại kết quả chưa công bố mà. Chị cho phép tôi chuyển câu hỏi của chị thành “Nếu cửa chưa mở thì sao?” nhé?

* Được thôi, vậy nếu cửa chưa mở?

- Thì tôi chờ. Trong lúc chờ, tôi sẽ kêu gọi thêm người gõ giúp tôi cho tiếng gõ thêm vang, thêm giòn.

* Hỏi thẳng nhé, nếu hồ sơ của chị bị loại thì sao?

- Thì tôi sẽ gửi lời chúc mừng đến tân Đại sứ Du lịch 2013 và hy vọng nhân vật ấy sẽ đáp ứng được kỳ vọng của ngành du lịch Việt Nam.

* Giả định chị được chọn, chị sẽ chuẩn bị “kế hoạch hành động” như thế nào?

- Lợi thế về trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm làm việc trong ngành quan hệ công chúng cho tôi nền tảng và tự tin bước đầu để có thể chuẩn bị kế hoạch cho việc quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao quy trình làm việc có sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau của các bên liên quan, cụ thể tôi mong muốn làm việc trực tiếp với Bộ VH,TT&DL và các doanh nghiệp trong ngành du lịch để có thể cùng nhau xây dựng những kế hoạch dài hạn cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch nước nhà.

* Công việc tại Australia có vẻ đang rất thuận lợi, chị có dự định về Việt Nam làm việc?

- Phải thừa nhận rằng chuyên môn của tôi phát triển rõ rệt từ môi trường làm việc thực tế tại Australia và tôi thật sự rất hài lòng về môi trường sống và làm việc ở đây. Đồng thời, cũng chính những trải nghiệm tại đây đã giúp tôi nhìn thấy được Việt Nam có rất nhiều việc cần phải làm, cần phải thay đổi để chuyển mình một cách mạnh mẽ tương xứng với tiềm năng của đất nước. Và tôi hy vọng mình sẽ được tạo cơ hội để cống hiến và phát huy.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng việc sống ở nước ngoài không giới hạn khả năng làm việc và cống hiến cho Việt Nam. Có rất nhiều người Việt ở khắp nơi trên thế giới đã và đang tích cực đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, bằng nhiều cách khác nhau. Dù tôi đi đến đâu thì tôi vẫn luôn mang theo trong mình một niềm kiêu hãnh tôi là người Việt Nam.

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm