Hollywood thay đổi màu da?

31/08/2013 08:07 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Suốt mùa hè qua, vấn đề chủng tộc là một cuộc tranh luận nóng bỏng và Hollywood không đứng ngoài cuộc.

Năm 2011, Hollywood từng có một bộ phim rất hay, The Help, kể về cuộc đấu tranh đòi bình đẳng của một nhóm người Mỹ gốc Phi làm giúp việc trong một gia đình người da trắng ở Mississippi. Năm 2012, đạo diễn Quentin Tarantino cho ra mắt bộ phim Django Unchained kể về cuộc đời của những người nô lệ. Cả hai phim trên đều được đề cử Oscar Phim xuất sắc nhất và cũng được ghi nhận là “thuốc độc” các phòng vé.


Hè 2013, chủ đề da màu và bình đẳng chủng tộc chiếm khá nhiều trong các bộ phim ra rạp của Hollywood. Đáng kể phải nói đến Lee Daniel’s The Butler, bộ phim kể về vị quản gia lâu đời nhất trong Nhà Trắng đã dẫn đầu doanh thu phòng vé 2 tuần trước; phim 42 kể về cuộc đời của Jackie Robinson, người da đen đầu tiên chơi bóng chày ở Major League’ hay Fruitvale Station, câu chuyện về Oscar Grant, một thanh niên da màu bị viên cảnh sát da trắng bắn chết tại Oakland 4 năm trước…

Tháng 9 này, bộ phim tài liệu Winnie Mandela, kể về người vợ của lãnh tụ da màu Nelson Mandela sẽ ra mắt công chúng. Bộ phim này sẽ mở màn cho bộ phim quan trọng nhất, Mandela: Long Walk to Freedom (Đường dài tới tự do), sẽ ra mắt vào tháng 11. Vào tháng 10, bộ phim của Steve McQueen, 12 Years A Slave, kể về cuộc đời khốn khổ của một nô lệ hiện đại, sẽ ra mắt.

Không phải bây giờ mà từ năm 1940 Hollywood đã xướng tên Hattie McDaniel trở thành người da đen đầu tiên của Mỹ giành chiến thắng tại Oscar ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (bộ phim Cuốn theo chiều gió). Nhưng chỉ là ở đó bởi phải đến hơn nửa thế kỷ sau Halle Berry mới trở thành phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Oscar lần thứ 74. Theo Todd Boyd, Giáo sư chuyên về chủng tộc và văn hóa tại Đại học Nam California thì Hollywood luôn quan tâm đến chuyện này nhưng không quá gần. Chính Hollywood đã làm cho công chúng Mỹ không còn bỡ ngỡ khi Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên bởi có rất nhiều bộ phim trước đó, Tổng thống Mỹ là người da màu. “Nhưng việc ông Obama lên làm tổng thống cũng đã thay đổi tích cực hơn về chuyện này. Khi một quyết sách hay quyết định mang tính chỉ đạo thì rõ ràng cả một nền văn hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng và chúng ta đang thấy điều ấy ở Hollywood với những câu chuyện chủng tộc”, ông Boyd phân tích. “Chưa thể gọi đó là làn sóng, càng không nên xem nó sẽ đóng vai trò gì trong chuyện này nhưng nó sẽ cho mọi người thấy từ nhiều góc nhìn khác và tự điều chỉnh mình, đó sẽ là vấn đề”.

N.M
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm