Họa sĩ Tôn Đức Lượng: Ký họa lịch sử

01/11/2012 08:00 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - (LTS) Chiều ngày 1/11/2012, tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ khai mạc triển lãm tranh của họa sĩ Tôn Đức Lượng, mượn từ sưu tập của Tira Vanichtheeranont, với hơn 200 ký họa thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước và ra mắt cuốn sách về ông do nhà phê bình Phan Cẩm Thượng biên soạn. Nhân dịp này, TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng.

1. Bạn tôi, họa sĩ Tôn Tuấn Nguyên hàng chục năm nay vẫn vẽ truyền thần ngay trước cửa nhà ở phố Hàng Trống trông sang Bờ Hồ. Vì đi bộ đội cùng nhau nên tôi biết cha anh là họa sĩ Tôn Đức Lượng từ lâu, nhưng cũng chỉ là vài nét, đại khái ông là người hiền lành, ham săn bắn và có in tranh khắc gỗ.

Sau này nhà sưu tập người Thái Lan là Tira Vanichtheeranont nhờ tôi làm cuốn sách những ký họa kháng chiến của ông, tôi mới rõ con người và sự nghiệp thế nào. Cuốn sách ra mắt luôn vào ngày khai mạc phòng tranh. Ông Tira đã đặt tên cho sách là Ký họa lịch sử bởi qua hơn 200 bức ký họa trực tiếp tại thực địa người ta có thể thấy cuộc sống, con người Việt Nam qua chiến đấu và sản xuất một cách sinh động như thế nào. Bản thân Tôn Đức Lượng cũng chưa bao giờ nói về mình, không mấy ai biết ông, cũng chưa bao giờ được viết trên sách báo. Ông là họa sĩ của báo của Trung ương Đoàn (báo Xung phong, Sức trẻ, Thiếu niên...) từ hồi kháng chiến chống Pháp cho đến khi về hưu và là người thiết kế huy hiệu Đoàn.

Chân dung họa sĩ Tôn Đức Lượng. Ảnh Phan Cẩm Thượng

Theo chân Đoàn Thanh niên và cuộc kháng chiến chống Pháp, ông để lại nhiều ký họa bút sắt, đó là chiếc bút waterman ông dùng đến tận bây giờ. Các ký họa đó đều bé nhỏ như bao diêm, mẩu giấy, nhưng ghi chép khá chi tiết từng con người, từng cuộc họp và cuộc hành quân trong chiến tranh.

Bộ tranh truyện Anh Ân in màu thô sơ của ông cũng xuất bản trong thời gian này và ông vẽ đi vẽ lại tới năm lần, hiện giờ còn hai bản năm 1951 và 1952, lưu giữ tại Hội đồng Di sản quốc gia Singapore.

Năm 1967, ông đi vẽ tại mỏ than Cổ Kênh, Hải Dương. Năm 1970 -1971, ông theo Đoàn Thanh niên xung phong đi vẽ tại Hà Tĩnh, một chiến trường bom đạn ác liệt. Năm 1971 - 1972, ông đi vẽ tại khu Kinh tế Thanh niên Phú Thọ. Năm 1974, ông đi vẽ tại Nông trường bò Mộc Châu. Bốn chuyến đi này để lại bốn bộ tranh ký họa bút sắt và màu nước, dù đã thất lạc nhiều, hiện vẫn còn 200 bức được vẽ theo lối nhật ký hay kể chuyện, tức là mọi sinh hoạt của thanh niên bấy giờ được miêu tả tỷ mỷ từng ngày gần như không thiếu hình ảnh nào.

Giao ca - bộ ký họa mỏ than Cổ Kênh, Chí Linh, Hải Dương. 27/1/1967. Bút sắt. 36x46cm

2. Sinh năm 1925, khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, Tôn Đức Lượng theo học khóa 18 của trường này dưới sự dạy dỗ trực tiếp của họa sĩ Nam Sơn, nhưng chỉ được 2 năm (1944 - 1945). Năm 1945, trường đi sơ tán rồi ngừng hoạt động, Tôn Đức Lượng theo kháng chiến, phục vụ truyên truyền cổ động cho Đoàn Thanh niên và như ông nói không muốn thay đổi gì cả, kể cả chỗ ở nghèo nàn bé nhỏ vẫn ấm cúng với ông đến hôm nay.

Ông chưa từng phàn nàn về cuộc sống, về sự không nổi tiếng của mình, và ngay cả khi trông thấy những bức tranh thất lạc không thuộc về mình nữa vẫn điềm đạm không vui hơn buồn hơn. Vẽ đối với ông là công việc yêu thích nhưng cũng coi như là lao động bình thường, cố gắng trung thực, không tô vẽ hay làm ra đặc biệt.

Tôn Đức Lượng chính là hình ảnh điển hình của một cán bộ văn nghệ cần mẫn mà vì thế những gì ông để lại đã cho thấy một quá khứ sinh động, rõ nét. Như nhà phê bình Nguyễn Quân nhận xét: "Tác giả hy sinh cá tính sáng tạo, khiêm tốn lùi về phía sau làm một thư ký của thời đại".

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm