'Gói' thời gian Hà Nội vào 'điều kỳ diệu'

19/09/2018 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Xem lại tranh Lê Văn Xương vẽ Hà Nội thập niên 40 - 50 của thế kỷ trước, chợt nhận ra, mới chỉ hơn nửa thế kỷ trôi qua, mà dường như đã rất xưa rồi. Triển lãm tranh của ông mang tên Điều kỳ diệu sắp diễn ra tại TP HCM, quy tụ 101 tác phẩm.

1. Albert Camus nói: “Mọi sáng tạo đích thực đều là món quà gửi tới tương lai”.

Lê Văn Xương - người nghệ sĩ giấu mặt - đã lặng lẽ gửi tới hôm nay món quà là những con phố xưa Hà Nội, mà cảnh sắc nay dường như không còn nữa. Người họa sĩ lặng lẽ để thời gian khỏa lấp tên tuổi mình, nhưng lại tài tình dùng chính thời gian gói ghém cho chúng ta những hoài niệm đến nghẹn thở. Những cảm giác, cảm xúc đã phai. Đã nhạt. Đã mất từ bao giờ.

Chú thích ảnh
“Lê Văn Xương” (chân dung tự họa, 1963)

Tôi soi vào những bức vẽ bột màu mang tên Đường gầm cầu và những phố Hàng Buồm, Hàng Da, Hàng Muối, Hàng Đồng, phố Bến Nứa… chợt nhận ra một thứ gì đó xưa cũ nhưng thân thuộc từ lúc mới mở mắt chào đời. Tại nơi chốn ấy, quê hương ấy tôi đã rời xa không chỉ tính bằng không gian địa lý.

Như vậy, Điều kỳ diệu của món quà Lê Văn Xương, chính là “lòng thanh thản” (chữ của họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân). Lòng thanh thản - đơn giản quá phải không? Nhưng làm sao tìm lại…

Họa sĩ Lê Văn Xương (1917-1988) quê gốc ở làng Hòa Chanh, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (cũ) nay là Hà Nội, sinh ra tại Nam Định. Từ năm 12 tuổi ông lên Hà Nội và bắt đầu tự học vẽ, nhanh chóng thụ đắc thể loại tranh chân dung, phong cảnh bằng phấn tiên và bột màu. Từ năm 1941, Lê Văn Xương đã có triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn. Năm 1949, ông triển lãm cá nhân tại phòng tranh riêng ở Hà Nội. Tiếp đến năm 1951 là triển lãm cá nhân tại Đà Lạt.

Chú thích ảnh
“Phố Hàng Xoong” (bột màu trên giấy, 40,4cm x 57,2cm, 1953) - một tác phẩm trong triển lãm

Gây tiếng vang nhất là triển lãm cá nhân Hà Nội 36 phố phường tại Nhà hát lớn Hà Nội (từ ngày 28/4 đến 10/5/1953), thu hút đông đảo chính khách, thương nhân và giới yêu nghệ thuật đến thưởng lãm và mua tranh. Đó là thời điểm gần 2 năm sau khi ông trở về Hà Nội, từ Sài Gòn - nơi ông sinh sống, sáng tác từ năm 1939 và sau đó lập gia đình với một thiếu nữ đất Gia Định.

Dự triển lãm, họa sĩ Bùi Xuân Phái ghi nhận: “Điểm ham làm việc làm tôi thấy ở Văn Xương tương lai rực rỡ. Anh vẽ loại phấn màu đặc sắc hơn những loại khác”.

Hà Nội không phải là mảng đề tài duy nhất trong hàng ngàn tác phẩm mà Lê Văn Xương để lại. Nhiều tác phẩm tạo tiếng vang như Du kích Tây Nguyên, Anh hùng Núp, Dân chài xã Vĩnh Trà, Phong cảnh Sầm Sơn, Kéo pháo lên đồi… đều mang nét riêng, thoát khỏi không khí tuyên truyền cổ động một thời.

Chú thích ảnh
“Xóm nghèo đường Trần Nhật Duật” (bột màu trên giấy, 41cm x 57,4cm, 1952)

2. Nhưng riêng với Hà Nội, như một nhà phê bình nghệ thuật nhận định, tranh của Lê Văn Xương đã tạo ra cái “cõi” riêng mình, trở thành “phố Xương”.

“Văn Xương không để lộ cá tính của họa sĩ, ông tự xóa cá tính của mình đi, để chỉ bộc lộ cá tính của nhân vật và thần khí của bức tranh và ở đây là thần khí đường phố... Mỗi nhân vật dù bé, dù xa thế nào, cũng được ông khảo sát rất kỹ các cử chỉ, thái độ của họ: Họ kéo xe, họ đi, họ gánh... tất cả mọi động tác của chân, tay, lưng, đầu... dù chỉ có với vài vết bút quét nhanh, phác vội, như vô tình…“ (trích bài “Phố Xương” Hà Nội).

Chú thích ảnh
“Ô Quan Chưởng” (bột màu trên giấy, 39,5cm x 54,5cm, 1952)

Thế nhưng như đã nói, Lê Văn Xương là mẫu nghệ sĩ thách thức thời gian. Kể từ khi ông qua đời (ngày 14/10/1988) ở TP.HCM, gia đình chỉ có một lần trưng bày tác phẩm để tưởng niệm, trong khuôn khổ tư gia vào năm 1997. Cho đến cách đây 2 năm, tối ngày 17/12/2016, bức tranh lụa Thiếu nữ của ông được nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) bất ngờ đưa ra đấu giá, bán thành công với giá 22.500 USD tại một phiên đấu thương mại. Từ sự kiện này, Lythi Auction giới thiệu nhiều tác phẩm khác của Lê Văn Xương, khiến cái tên Lê Văn Xương dần “bừng thức” trở lại.

Chú thích ảnh
“Phố Hàng Buồm” (bột màu trên giấy, 47cm x 64cm, 1953)

“Điều kỳ diệu” tại TP.HCM

Triển lãm tranh Điều kỳ diệu (Choses Magnifiques) diễn ra trong 3 ngày (từ 21 đến 23/9/2018) tại Park Hyatt Saigon (TP.HCM), lần đầu tiên quy tụ 101 tác phẩm hội họa gồm nhiều chất liệu, chủ đề của họa sĩ Lê Văn Xương.

Điều kỳ diệu cũng chính là tên một tác phẩm thơ của nữ sĩ Trần Diệu Tiên, người vợ của họa sĩ. Triển lãm do con gái của hai người là nhà sưu tập Lê Y Lan (từng vào Top 4 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1990 của báo Tiền phong) tổ chức, nhân 101 năm ngày sinh và tròn 30 ngày mất của cha mình.

Trần Tuấn

Triển lãm tranh lấy cảm hứng từ áo tứ thân

Triển lãm tranh lấy cảm hứng từ áo tứ thân

Triển lãm tranh 'Dòng chảy', gồm 30 tác phẩm vẽ sơn dầu trên vải, toan, acrylic trên vải của họa sĩ Ngô Như Hồng vừa diễn ra tại nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm