Giá tranh xưa và nay: Đừng lấy tiền mà 'đo' thời thế!

18/10/2018 07:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Không thể lấy giá tranh của thế hệ vàng trường Mỹ thuật Đông Dương so với giá tranh của các họa sĩ đương đại cũng xuất thân từ "lò" đào tạo này (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam, phố Yết Kiêu, Hà Nội) để kết luận thời nào hơn thời nào.

Đó là quan điểm của nhiều họa sĩ khi trao đổi với Thể thao và Văn hóa bên lề cuộc triển lãm 20 năm sư phạm Yết Kiêu vừa khai mạc tối ngày 17/10 tại 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Thời của Mỹ thuật Đông Dương đã tạo ra những thế hệ vàng, những đầu tàu của mỹ thuật hiện đại. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thế hệ vàng ấy, những đầu tàu ấy đã có hai đóng góp lớn cho đời sống mỹ thuật nước nhà. Một là họ có những tác phẩm quý, có giá trị trên nhiều chất liệu. Thứ nữa là thế hệ ấy đã có công lớn trong việc đào tạo ra những thế hệ sau này.

Chú thích ảnh
Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam có tiền thân là trường Mỹ thuật Đông Dương

Mỗi thời một giá

Trả lời câu hỏi: Giá tranh của thế hệ vàng Mỹ thuật Đông Dương luôn đạt mức cao, giờ vẫn ngôi trường ấy, lò đào tạo ấy sao lại không còn được như xưa? Ông Trần Khánh Chương nêu quan điểm: "Không thể lấy giá tranh để đánh giá tác phẩm được. Bởi mỗi thời kỳ, giai đoạn khác nhau sẽ cho ra những giá trị khác nhau. Bây giờ, tranh của các họa sĩ thế hệ Đông Dương có thể đạt được giá rất cao nhưng cách đây 40 - 50 năm thì cũng… thấp như bây giờ mà thôi"!

Ông Chương dẫn chứng bằng chuyện, hồi trước, ông đã từng dẫn Việt kiều đến nhà họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm để mua tranh với giá 1 chỉ vàng/ bức, muốn lấy bức nào thì lấy và không quan trọng chất liệu, kích thước.

Chú thích ảnh
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm “20 năm sư phạm mỹ thuật Yết Kiêu”

"Bây giờ thế hệ trẻ mới ra trường hoặc ra trường chưa lâu cũng thế, có thể tranh của họ bán chưa được giá, nhưng theo như tôi tìm hiểu thì đã có những họa sĩ trẻ đã bán được tác phẩm với giá rất cao, có bức tới cả chục ngàn đô la Mỹ…”

Bàn về thông tin giá tranh, ông Chương cũng đưa ra nhận xét: "Đời sống mỹ thuật trong nước không giống như quốc tế. Với quốc tế, ai bán tranh cũng đều phải đóng thuế, nên người ta không thể không trung thực. Còn ở ta, giá tranh cao/thấp khó ai có thể biết chính xác là thật hay không”?!

PGS, họa sĩ Trần Huy Oánh nói: "Đồ cổ thì thường rất đắt tiền. Một bức tranh đã được thời gian kiểm nghiệm thì đương nhiên nó cũng như đồ cổ, sẽ có giá rất cao. Các tác phẩm của các họa sĩ bây giờ có thể chưa có giá cao là vì chưa ai, chưa có một hội đồng nào để thẩm định cả một quá trình thời gian của lịch sử khi nó chưa đến. Trong từng giai đoạn, có thể nó làm cho người ta chững lại một chút, lùi lại một bước để có một cú bật mới, cho nên vấn đề này nó chỉ gián đoạn một chừng mực nào đó thôi, còn hướng của nó vẫn sẽ gói gọn trong hai chữ: phát triển"!

Chú thích ảnh

Họa sĩ trẻ Phạm Kiên (tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 2015) cho rằng, thị trường tranh hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt, không còn bó hẹp ở phạm vi trong nước nữa mà đã vươn ra tầm quốc tế. Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi nó sẽ là động lực, là sự kích thích để các họa sĩ cố gắng hơn nữa trong sáng tạo.

"Theo như tôi tìm hiểu thì giá tranh của các họa sĩ đương đại bây giờ đạt ngưỡng cao nhất là khoảng 40 - 50 ngàn USD. Có một tín hiệu vui là, nhiều đơn vị tư nhân đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của đời sống mỹ thuật thông qua những cuộc đấu giá tranh, giúp cho giá tranh được đẩy lên cao hơn... Tôi tin rằng trong khoảng 10 - 20 năm nữa, Việt Nam sẽ xuất hiện tác giả có giá tranh triệu đô như Singapore, Indonesia, Malaysia – họ đã có trong Top 10 họa sĩ đương đại có tranh bán đạt giá cao trên thế giới" – họa sĩ Phạm Kiên nói.

Nhìn thẳng và lạc quan

Ông Trần Khánh Chương cho rằng, dù đời sống mỹ thuật nước nhà hiện nay tuy cũng đối mặt với không ít những khó khăn, phát triển chưa đồng đều, nhất là ở các địa phương, song chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về những bước tiến mới trong tương lai của lĩnh vực này.

"Bây giờ đời sống mỹ thuật nước nhà không thiếu người cầm cọ nếu không muốn nói là rất đông, nhưng để tìm ra một gương mặt tiêu biểu là rất khó, cần phải có thời gian mới có thể thẩm định được. Vì thế, không thể lấy giá bán tác phẩm, số lượng bán được nhiều hay ít để đưa ra quyết định tác giả ấy có tầm hay không có tầm, nổi tiếng hay không nổi tiếng. Bên cạnh đó, cái tầm của họa sĩ bây giờ còn bị tác động bởi yếu tố thị trường. Thị trường ngả về chiều nào thì họa sĩ "nghiêng" về chiều đó.

Sắp đấu giá tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Lê Bá Đảng

Sắp đấu giá tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Lê Bá Đảng

Không rập khuôn lại chỉ ở giá trị vật chất, cảm xúc, Tinh hoa là giá trị tinh thần nuôi dưỡng chọn lọc nhất cho không khí trong lành, đời sống an yên. Nói về tinh hoa là nói về những câu chuyện để nhìn lại về hành trình ý nghĩa tạo lập cuộc sống tích cực.

Nghệ thuật cũng giống như bất cứ ngành nghề nào, người giỏi thường bao giờ cũng rất ít, cho nên chúng ta đừng đòi hỏi hoặc cứng nhắc cho rằng họa sĩ nào ra lò cũng phải nổi tiếng, cũng phải giỏi và bán được tranh với giá cao.

Chúng ta đang có một thế hệ được đào tạo tốt hơn, tầm hiểu biết và giao lưu, tiếp xúc với thị trường quốc tế rộng lớn hơn nên hoàn toàn có cơ hội giúp cho đời sống mỹ thuật phát triển hơn nữa. "Họ có sứ mệnh riêng của họ và sứ mệnh ấy không phải là cố gắng làm được các tác phẩm như thế hệ vàng Mỹ thuật Đông Dương đã làm được…" – ông Chương nói.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Triển lãm “20 năm sư phạm mỹ thuật Yết Kiêu”

Triển lãm 20 năm sư phạm mỹ thuật Yết Kiêu trưng bày các tác phẩm với nhiều chất liệu khác nhau của 50 tác giả, là cựu sinh viên sư phạm mỹ thuật, trong đó có nhiều tác phẩm đã tạo được dấu ấn cá nhân, tham gia và đạt giải thưởng trong các hoạt động mỹ thuật nhiều năm trở lại đây như Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, các triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm nhóm, cá nhân trong và ngoài nước.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 23/10/2018 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm