Cố NSND Sỹ Tiến và câu nói bất hủ: “Nếu ta chết, đừng chôn ta!”(*)

22/05/2012 13:57 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - “Kịch Sỹ Tiến thổ tận can tràng - một công nhân sân khấu. Bổn đoàn không quảng cáo hoang đường, quý vị sẽ thấy Chu Du hộc máu như thực, được thể hiện bởi Sỹ Tiến” - đoạn quảng cáo này cùng ảnh Sỹ Tiến là áp-phích dán khắp Hải Phòng 50 năm trước.

1. Tôi có dịp cùng danh ca Lệ Quyên - con gái út NSND Sỹ Tiến về Hải Phòng Hè 2010, cùng chị đi qua các rạp hát mà bố mẹ và chị đã diễn.

Đứng ở bến xe Tam Bạc, nơi đoàn Kim Ngọc từ Sài Gòn ra đóng đại bản doanh hồi thập niên 1950, mời Sỹ Tiến xuống diễn, chị đã khóc.

Con đông, khi có tuổi, Sỹ Tiến vẫn đi diễn. Lửa nghề làm ông bền sáng. Những vai Tống Nhân Tông (vở Tống Nhân Tông tra án Quý Phi), Ngũ Tử Tư, Quan Công, Chu Du, An Lộc Sơn là các vai thành công của ông không ai bì kịp.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho NSƯT Khánh Hợi - vợ cố NSND Sỹ Tiến ngày 19/5. Ảnh Nguyễn Đình Toán

Để thu hút khán giả, được ông thầy lang người Hoa mách nước, ông đun thuốc Bắc và phẩm, tối diễn thì chiều phải nhịn ăn, uống 2 lít “thuốc” ấy. Đến màn diễn, vừa hát vừa vũ đạo vẫn đứng tại sân khấu, 3 lần thổ huyết, “máu” phun 3 lần khác nhau, lần cuối như vòi rồng “phun” vào Trương Phi đỏ cả phục trang, bắn xuống khán đài.

Màn “rùng rợn” ăn tiền này, giới sân khấu cả nước chỉ Sỹ Tiến làm được. Ông vận hơi, điều khí để “phun” được đúng lúc, đẹp và hiệu quả, là quặn thắt ruột gan.

Đàn con 8 người, nuôi thêm các cháu, lại hiếu khách, nên căn gác 24 phố Lương Ngọc Quyến nhà ông luôn là “câu lạc bộ”, nơi tụ họp nhiều tên tuổi lớn của giới sân khấu và văn học. Những bậc lớn tuổi hơn luôn coi ông là bạn, do ông theo nghề, nổi tiếng sớm, vì tài mà trọng nhau.

2. Trước 1954, ông đã là ký giả sân khấu sắc sảo, bởi là người trong cuộc, viết về sân khấu là viết về tình yêu nước, đả kích lũ tay sai cho Tây, nên độc giả, bạn nghề gọi ông là “Molière Việt Nam” (Molière 1622-1673, nhà hài kịch lớn nhất Pháp thế kỷ 17). Chất nhân văn, khát vọng về cái đẹp, lòng bác ái trước thân phận cùng khổ, lại khiến ông được mệnh danh “Victor Hugo Việt Nam”.

Vở kịch đầu tiên trên sân khấu Hà Nội sau ngày giải phóng, tháng 10/1954 cũng là vở đầu tiên viết về đề tài công nhân Giành ánh sáng tự do (được Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN chọn là 1 trong 100 vở hay nhất) do Sỹ Tiến viết. Báo L’ Humanité (Nhân đạo) của cơ quan T.Ư Đảng Cộng sản Pháp số ra 9/5/1955 đã giới thiệu về Sỹ Tiến và vở này, ví nó như vở: Mặt trời là của chúng tôi, Tổ quốc khi phát xít chiếm đóng Paris của Pháp.

NSND Sỹ Tiến và NSƯT Bích Được (vai Hoạn Thư) trong phòng hóa trang rạp Chuông Vàng, trước giờ diễn vở Kiều (1962)
3. Cả đời Sỹ Tiến không được phân nhà, chưa một lần xuất ngoại. Văn cách, tâm hồn ông luôn phóng khoáng, rộng mở, đầy yêu thương.

Bút tích Thế Lữ chép tặng lớp kịch An Lộc Sơn và Dương Quý Phi làm quà tặng sinh nhật 60 Sỹ Tiến, ghi rõ: “Thân ái tặng anh Sỹ Tiến lớp kịch mà anh đã sống với An Lộc Sơn những giây phút tuyệt vời trên sân khấu ngày nào”.

Nghệ sĩ Võ An Ninh thì tặng ảnh đen trắng ông ngồi đò trên suối Yến, rủ bạn Sỹ Tiến du xuân chùa Hương. Còn học giả Hoa Bằng thì viết “Trên trang hý khúc thân yêu/ Có danh Sỹ Tiến hùng kiêu, anh tài”. ĐD-NSND Phạm Văn Khoa cứ tiếc vì chưa mời được Sỹ Tiến vào một phim của ông.

Bị huyết áp cao, tai biến, vậy mà hễ tỉnh, ông lại nhắc đến nghề, hỏi thăm đồng nghiệp.

Năm 1976, ông được cử vào TP.HCM thanh tra văn hóa, gặp lại các bạn thời tuổi trẻ, những người từng giữ, mời ông vào Nam mở đoàn hát. Lúc ốm nặng, ông vẫn ước ao vào Sài Gòn vì nhớ bạn, thương những ngôi sao vang bóng quạnh hiu tuổi xế chiều.

Khi nghệ sĩ Kim Chung từ Pháp về, tới BV Việt Xô thăm ông, kỳ lạ thay, Sỹ Tiến minh mẫn lạ thường, nhớ lại tất cả kỷ niệm quan trọng của đời sân khấu, nói tới các bản thảo, dự định dang dở. Sự bừng lóe ấy là lần cuối, ngay đêm đó 17/11/1982, ông từ trần. Người nghệ sĩ sinh mùa Xuân ra đi vào mùa Đông, để lại nhiều công trình quý giá với những nhan đề khiêm nhường: Bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương, Tìm nguồn âm nhạc cổ điển dân tộc, Hướng dẫn sử dụng nhạc cụ dân tộc, Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang, Lịch sử sân khấu cải lương, Lịch sử sân khấu tuồng, Lịch sử sân khấu chèo, Viết một vở cải lương như thế nào, Ba mươi năm sân khấu cải lương XHCN…

“Nếu ta chết, đừng chôn ta! Hãy căng da ta lên mặt trống, để ta được sống gần sân khấu mỗi ngày" (NSND Sỹ Tiến)  

4. Các lão nghệ sĩ cải lương ở Hà thành, nay chỉ còn NSƯT Khánh Hợi (1923 - đang ở 1A Mã Mây), NS Tám Toàn (1920, ở 12 Ngõ Gạch), NSƯT Bích Được (1925, đang ở Thanh Nhàn, là bà ngoại ca sĩ Minh Ánh, Minh Anh), vợ chồng NSƯT Tiêu Lang (1929) và Kim Xuân (1931) vẫn ở 48 Bát Đàn, NS Châu Thuận (1926, ở 37 Hàng Ngang), đều đã ngoài 80, 90 tuổi. Đó là những tài danh quý báu của Thủ đô, của sân khấu VN. Tất cả họ đều không quên Sỹ Tiến.

Và di sản đồ sộ của sự nghiệp Sỹ Tiến, vẫn kéo dài ánh sáng không chỉ trong hồi quang ký ức, mà trong khát vọng của những tình yêu máu thịt, đam mê dành cho sân khấu VN của các lớp thế hệ nghệ sĩ chưa bao giờ lụi tắt. NSND Sỹ Tiến có một câu nói được nhiều người biết, nay đã thành bất hủ. Câu nói vẫn còn như vang vọng khắp các sân khấu, các ngõ ngách của đời sống sân khấu, không chỉ phía hào quang sáng đèn, mà cả sau cánh gà, nơi “hố nhạc” (vị trí của các nhạc công đứng, ngồi để chơi trực tiếp cho vở diễn). Đó là ngọn lửa tiếp truyền cho các nghệ sĩ thời ông và sau này: “Nếu ta chết, đừng chôn ta! Hãy căng da ta lên mặt trống, để ta được sống gần sân khấu mỗi ngày”.

Với Sỹ Tiến, sân khấu là sự sống. Ông đã truyền tình yêu nghệ thuật, văn chương cho các con, truyền lửa cho đồng nghiệp của mình. Ông vẫn sống, bóng tỏa một “dị nhân” bằng vai diễn và máu chữ của người đã tận hiến cho sân khấu đến cả linh hồn.

(*) Tiếp theo kỳ 1: Chuyện về “ông hoàng cải lương đất Bắc” trên TT&VH số ra ngày 21/5.

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm