Chuyện Bùi Xuân Phái vẽ Tháp Rùa…

31/08/2008 10:33 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Họa sĩ Bùi Xuân Phái sinh năm 1920, quê tại làng Kim Hoàng, tỉnh Hà Đông. Xuất thân trong một gia đình tiểu tư sản trung lưu ở Hà Nội, chính vì vậy mà ông đã thuộc lòng từng con đường, ngõ ngách của 36 phố phường Hà Nội. Ông là sinh viên khóa cuối cùng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 15 (1941 – 1946), học cùng Nguyễn Tư Nghiêm, Huỳnh Văn Gấm, Tạ Thúc Bình…

Xem ông Phái ký họa chân dung

Với tôi, tên tuổi họa sĩ Bùi Xuân Phái bắt đầu từ hai bức tranh sơn dầu Phố Nguyên BìnhPhố Thầu Cao Bằng, được in trong tập tranh xuất bản sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, bán tại hiệu sách Nhân dân TP.Vinh mà tôi mua được. Tên tuổi các họa sĩ có tác phẩm trong tập tranh như: Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Phan Chánh, Mai Văn Hiến… đã hấp dẫn, lôi cuốn tôi khi chưa vào học trường Mỹ thuật công nghiệp.
 
Cố họa sỹ Bùi Xuân Phái

Năm 1983, kỷ niệm 10 năm Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật, trụ sở ở Ô Chợ Dừa, họa sĩ Bùi Xuân Phái – cộng tác viên của tạp chí cũng vào dự. Buổi trưa hôm đó, ông ở lại cùng chúng tôi uống nước và trò chuyện, lúc sau tôi đề nghị ông vẽ chân dung, anh chị em đã nhanh chóng dọn bàn nước, nhà điêu khắc Trần Tuy đã đi lấy bút dạ ngòi to và mấy tờ bìa học sinh có màu xanh nhạt khổ lớn và xén làm đôi. Họa sĩ Bùi Xuân Phái bắt đầu vẽ, có chút rượu bữa trưa đã hơi ngà ngà, ông hưng phấn gần như “múa bút” liên tục vẽ như người lên đồng. Chân dung nhà nhiếp ảnh Lê Cường, Tạ Bích Hằng, Minh Tâm – người giữ thư viện của tạp chí, Lê Đình Tuyển chuyên khắc gỗ, rồi Trần Tuy… với mỗi tờ giấy bìa bằng nửa tờ A0 mà ông vẽ chỉ trong thời gian ngắn. Sau khi vẽ xong chân dung Trần Tuy, anh xem và nói mặt mình hơi giống Văn Dương Thành – vào thời gian đó Văn Dương Thành được ông Phái vẽ rất nhiều chân dung.

Điều làm tôi chú ý sau mỗi bức chân dung, khi ký họa sĩ Bùi Xuân Phái vừa ký vừa nói “Sai”; thì ra khi ký sau chứ P. là một chữ “h” được đơn giản viết cong như chữ "S" rồi mới đến chữ "a" và chữ "i". Tôi có cảm giác tâm trạng của ông khi vẽ vừa phấn chấn nhưng trong lòng còn chút ưu tư và hình như chữ ký Phái mà có chữ h như hình chữ S là của giai đoạn 80 này.

Ra mắt Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội

Chào mừng kỷ niệm ngày sinh của Bùi Xuân Phái, chiều nay 31/8, Quỹ Bùi Xuân Phái và báo TT&VH chính công bố Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội với mục đích tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội sẽ là GIẢI THƯỞNG VHNT THƯỜNG NIÊN được trao vào ngày 31/8 hàng năm.

Chiều ngày 22/12/1984, triển lãm hội họa Bùi Xuân Phái đã được khai mạc với 108 tác phẩm sơn dầu lớn nhỏ, người đến dự khai mạc rất đông vui, hầu hết là các họa sĩ tên tuổi cùng những nhà sưu tập và người hâm mộ. Nhiều bức tranh trưng bày tại triển lãm đã được bán, nhưng thời đó giá tranh còn rất rẻ, nên nghe đâu chỉ mua được chiếc xe máy Pơgiô của Pháp, như vậy cũng đã là bán được nhiều nhất, kỷ lục cho một phòng tranh ở nhà triển lãm mỹ thuật 16 Ngô Quyền. Đặc biệt họa sĩ Bùi Xuân Phái sống bằng nghề, trước và sau đó tranh của ông được bầy tại cửa hàng triển lãm thường xuyên có bán của Hội (khi đó Hà Nội chỉ duy nhất có 1 gallery Xunhasaba). Họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ nhiều, tặng tranh cũng nhiều và bán cũng nhiều. Nhiều người có được tranh của ông thời kỳ này là nhờ tình nghệ sĩ, cả nể và dễ dãi của ông. Tôi còn nhớ trong khi chuẩn bị triển lãm, họa sĩ Bùi Xuân Phái gợi ý tặng tôi 1 bức tranh trong triển lãm do tôi tự chọn để kỷ niệm, vì ông đã biết tôi sau Đại hội Hội Mỹ thuật Hà Nội 1984, vì trong Ban Tổ chức chăm lo triển lãm; bản thân rất muốn nhận nhưng thấy mình lo cho triển lãm mà nhận của ông bức tranh thì không tiện – thế là bệnh sĩ đã làm tôi không có được một bức tranh của ông.

Sự hiểu biết thấu đáo về phố cổ, di tích cổ

Từ năm 1984 – 1988, họa sĩ Bùi Xuân Phái tham gia liên tục các triển lãm mỹ thuật Thủ đô và tham gia Hội đồng tuyển chọn tranh cho các triển lãm này. Hồi đó hội đồng thường có họa sĩ Lương Xuân Nhị, Bùi Xuân Phái, Trần Nguyên Đán, Đinh Trọng Khang, Thẩm Đức Tụ và tôi.

Có hai câu chuyện mà tôi nhớ mãi: Một lần chọn tranh cho triển lãm trên chung của Hội Mỹ thuật Hà Nội, ở tầng hai, nhà 19-Hàng Buồm, chúng tôi thuộc lớp họa sĩ trẻ hơn nên thường nhận xét các tác phẩm có phần “bỗ bã”: bức này đẹp, bức này được, bức này không đẹp hoặc xấu… Họa sĩ Bùi Xuân Phái lặng lẽ ngắm nhìn, ít có nhận xét, nhưng những bức mà chúng tôi cho là không nên chọn vào trưng bày, nếu hợp với nhận xét của ông thì ông chỉ buông một câu “bức này tôi cũng băn khoăn” nghĩa là ông cũng đồng tình với ý kiến đề xuất. Sau này từ "băn khoăn" họa sĩ Văn Đa và Đinh Trọng Khang cũng hay dùng.
 
Vợ và cháu gái cố họa sĩ Bùi Xuân Phái trên con phố mang tên ông

Một lần khác khi BTC đưa ra loạt tranh mới, trong đó có bức tranh Bên hồ Gươm, vẽ cô giáo mặc áo dài đưa các cháu mẫu giáo ra bờ hồ Hoàn Kiếm có Tháp Rùa với hai cạnh của tháp, một cạnh ông "phẩy" ba nét, còn cạnh kia chỉ có hai nét. Tôi quay sang phía ông và hỏi các ông hội đồng: Bác Phái vẽ tháp rùa một cạnh ba cửa, một cạnh hai cửa là đúng hay sai ạ? Ông lặng lẽ mỉm cười và không nói gì. Tuy đã lâu năm sống ở Hà Nội kể cả tôi cũng chẳng biết, cũng cho qua câu hỏi này. Đến trưa khi về cơ quan, tôi đi qua phố Lê Thái Tổ, tôi nhìn ngắm lại Tháp Rùa thì ra họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ đúng cho dù bằng nét bút khoáng đạt. Tháp Rùa không phải vuông mà là hình chữ nhật; cạnh quay về Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng hai tầng dưới có 3 cửa, còn cạnh quay về phố Hàng Khay và Hàng Đào có 2 cửa và tháp rùa có 4 tầng chứ không phải 3 tầng như nhiều tranh đã vẽ.

Qua việc này tôi càng cảm phục sự hiểu biết thấu đáo về phố cổ, về những di tích cổ của họa sĩ Bùi Xuân Phái, ông yêu nó, ông cảm nhận nó, hiểu biết tường tận về nó nhưng là trong tâm thức chứ không phải lối máy móc, số học… Điều này cũng đã được thể hiện qua ghi chép của ông trong sổ tay “tìm cái đẹp qua thiên nhiên, hiểu biết thiên nhiên để thấy cái cốt lõi, vẽ bịa là đi vào cái hời hợt, dễ dãi” được tập hợp, in ấn trong cuốn sách “Viết dưới ngọn đèn dầu”.

Số phận kỳ lạ một bức tranh của Bùi Xuân Phái

Sau ngày họa sĩ Bùi Xuân Phái mất, tôi cố tìm để có được bức tranh nào đó của ông, để tưởng nhớ và kỷ niệm về ông và tôi đã có được một bức mà số phận của nó khá kỳ lạ. Bức tranh Phố này không phải là tranh do ông vẽ và do Xưởng Mỹ thuật quốc gia lấy mẫu tranh sơn dầu của ông để in lưới (cùng với 1 số tranh của các họa sĩ khác như Nguyễn Tư Nghiêm) để bán ở gallery số 7 - Hàng Khay hoặc nhà điêu khắc Trần Tuy chuyển tranh của ông sang khắc gỗ để làm phụ bản cho tạp chí Nghiên cứu Văn hóa – Nghệ thuật.
 
Bức tranh "có số phận khá kỳ lạ" hiện do tác giả bài viết giữ

Tôi quen với anh P., công tác ở Công an phường T.T, anh khoe với tôi anh có bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Anh kể là có một lần anh đang làm nhiệm vụ, thấy một ông cụ dáng người nhỏ nhắn đội mũ len đan mầu xin xỉn đi xe đạp vào đường ngược chiều. Anh tuýt còi yêu cầu dừng xe và nhắc nhở ông đi ngược chiều. Anh thấy ông chỉ mỉm cười xin lỗi một cách nhẹ nhàng, tất nhiên đối với người cao tuổi anh rất tôn trọng nên chỉ nhắc nhở để cụ đi. Sau khi quay xe đạp sang hướng khác, cụ quay lại và hỏi ngày mai anh có ở đây không? Anh trả lời là có. Vậy mà hôm sau ông cụ lại đến và mang theo một cuộn giấy báo nhỏ rồi giở ra tặng anh bức tranh Phố trên giấy. Lúc đó anh mới biết ông cụ là họa sĩ Bùi Xuân Phái. Cầm bức tranh về anh P. dán lên tấm bìa cát tông cũ để giữ cho tranh khỏi rách hỏng.

Khi được giữ bức tranh này, tôi thấy không phải chỉ là tranh lưới mà trên đó họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ thêm vài nét đen bằng bút dạ to để chỉnh sửa chút ít độ đậm nhạt của tranh. Bức tranh tôi quý nó (cho dù là tranh in lưới) bởi tấm lòng của người nghệ sĩ đối với người khác, dù chưa quen biết nhưng được đối xử trân trọng.

Năm 1996, sau ngày họa sĩ Bùi Xuân Phái mất được 8 năm, vợ ông đã vinh dự thay mặt ông vào Phủ Chủ tịch nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.

Họa sỹ Trần Khánh Chương
(Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam)
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm