Bị 8 đơn vị điện ảnh Việt Nam khiếu nại, 'khủng long' CGV nói gì?

18/05/2016 14:19 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) – Hôm 12/5, 8 đơn vị điện ảnh của Việt Nam, trong đó có cả liên doanh với nước ngoài đã cùng gửi đơn đến Hội Điện ảnh Việt Nam khiếu nại về hoạt động của Công ty CJ CGV Việt Nam (tạm gọi CGV) đang gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, phát hành trong nước.

Trong 2 năm qua lượng phim trong nước tăng nhanh, mỗi năm có khoảng 40 phim nội được sản xuất. Và vấn đề nan giải nhất với các nhà sản xuất nội địa hiện nay chính là rạp chiếu.

Theo thống kê của Thể thao & Văn hóa, hai đơn vị sở hữu nhiều rạp nhất Việt Nam hiện nay là: CGV có 32 rạp, Lotte có 26 rạp. Hai cụm rạp của Hàn Quốc này hợp lại sở hữu khoảng 300 phòng chiếu, chiếm 60,2% số lượng phòng chiếu toàn quốc.

Các đơn vị còn lại Platinum có 5 rạp (34 phòng); BHD 6 rạp (38 phòng), Galaxy 6 rạp (28 phòng) và hệ thống rạp nhà nước có 98 phòng chiếu. Nhóm này hợp lại có 198 phòng, chiếm 39,7% số lượng phòng chiếu toàn quốc.


Rạp CGV

Thực tế việc phát hành phim Việt hiện nay gặp nhiều khó khăn. Những phim nội chất lượng kém không nói, nhưng những phim có chất lượng tốt nếu không vào được rạp CGV coi như thua. Và vào được rạp cũng là cả một vấn đề, vì có cạnh tranh được số suất chiếu với các phim ngoại hay không.

Trong cuộc tọa đàm về điện ảnh tổ chức cuối tháng 4, nhà sản xuất Mai Thu Huyền cho biết:

"Phim có 20 suất chiếu chắc chắn sẽ ăn, vì khán giả không có lựa chọn nào kiểu gì cũng phải lựa phim đó, còn 5 suất chiếu chắc chắn sẽ thua. Đơn cử bộ phim có doanh thu cao nhất Việt Nam là Em là bà nội của anh do CGV sản xuất và phát hành, 1 tuần đầu ra rạp không tốt lắm đâu. Chiếu hết vòng 1, trong Tết, CGV chiếu phiên bản dành riêng Tết, và dành phần lớn suất chiếu cho phim này, không chiếu phim Việt khác. Tết vừa qua, Galaxy, BHD bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Đây là bài toán mà chỉ có thể chờ các cơ quan quản lý giải quyết".

Trong bối cảnh nói trên, ngày 12/5 vừa qua, 8 đơn vị gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và công ty VAA đã cùng viết đơn gửi tới Hội Điện ảnh Việt Nam phản ánh về phương thức hoạt động của CGV đã gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các nhà sản xuất, phát hành ở Việt Nam và "ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển văn hóa của Việt Nam nói chung".

8 đơn vị nói trên cho rằng CGV đã "lạm dụng vị trí thống lĩnh và độc quyền thị trường".

Cụ thể, trong đơn nêu: "Dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp, CGV đã và đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Còn với phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỉ lệ vẫn là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần)".

Trong đơn, các doanh nghiệp này cũng phản ánh CGV có xu hướng chiếu phim nước ngoài, đặc biệt là phim do Hàn Quốc sản xuất, với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ vàng lâu hơn. Và bày tỏ lo ngại "CGV sẽ tiến tới điều tiết và làm chủ thị trường điện ảnh Việt Nam".

Đơn này ngoài được gửi tới Hội Điện Ảnh, còn gửi đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (Cục Điện ảnh, Cục Hợp tác Quốc tế), Bộ Công thương (Cục Cạnh tranh), Hội chiếu bóng và phát hành phim Việt Nam, Ủy Ban Văn hóa và Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Sở VH-TT Hà Nội, Sở VH-TT TP HCM.

Về phía CGV đã tung ra thông cáo báo chí cho biết họ tuân thủ tuyệt đối các quy định về việc phát hành và chiếu phim theo luật pháp Việt Nam. Việc xây dựng tỉ lệ ăn chia khi phát hành do các bên cùng nhau thỏa thuận.

"Nội dung hợp đồng phát hành giữa CGV và các bên liên quan đã ký kết bao gồm điều khoản bảo mật thông tin. Việc các Công ty đơn phương công bố thông tin bất kỳ trong hợp đồng mà không được sự đồng ý trước của CGV là vi phạm các cam kết theo hợp đồng. Ngoài ra, đối với các công ty chưa từng ký kết hợp đồng phát hành phim hoặc thỏa thuận hợp tác với CGV mà tham gia khiếu nại CGV là việc khiếu nại thiếu căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật về khiếu nại" (Trích Thông cáo báo chí của CGV).

CGV cũng đưa dẫn chứng về việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, tổ chức các sự kiện điện ảnh thể hiện trách nhiệm cộng đồng tại Việt Nam.

Chúng tôi đã liên lạc với Hội Điện ảnh, được biết Hội đã tiếp nhận lá đơn này và đang tìm hướng giải quyết. Liên lạc với Cục Điện ảnh, cũng chỉ biết thông tin chung là Cục đã tiếp nhận và đang giải quyết.

Đây không phải lần đầu các doanh nghiệp sản xuất, phát hành phim Việt Nam khiếu nại CGV. Vào năm 2010, 6 doanh nghiệp đã khiếu nại Megastar (sau này được CGV mua lại) với nội dung: Megastar đang lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để ấn định giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, gây thiệt hại cho khách hàng khi áp dụng chính sách định phí thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem... 

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm