Bản anh hùng ca bằng ảnh

27/04/2010 08:25 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hôm qua, 26/4, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (HN) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã tổ chức triển lãm ảnh Những khoảnh khắc lịch sử, trưng bày hơn 100 bức ảnh do các phóng viên TTXVN thực hiện trong những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đây là hoạt động thiết thực của TTXVN được tổ chức nhân kỷ niệm 35 năm đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Ông Trần Mai Hưởng, TGĐ TTXVN phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm
Những khoảnh khắc lịch sử
Mỗi bức ảnh là một trang sử

Hơn 100 bức ảnh đen trắng được trưng bày tại triển lãm theo 4 nội dung chính, gồm các hình ảnh về cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ; cả nước ra trận, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước; các trận chiến đấu, chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trên khắp các chiến trường; niềm vui của toàn dân, toàn quân ta ngày 30/4 - Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.


Niềm vui chiến thắng - Ảnh tư liệu TTXVN
Tuy số lượng ảnh được giới thiệu tại triển lãm lần này chỉ là một phần trong kho tư liệu ảnh đồ sộ của TTXVN về đề tài chiến tranh cách mạng, nhưng triển lãm đã góp phần đưa người xem trở lại với những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc, đồng thời tôn vinh những chiến sĩ - tác giả đã hy sinh tuổi trẻ và xương máu để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử quý báu đó.

Triển lãm là một bản anh hùng ca bằng ảnh, đưa chúng ta trở về với những trận đánh đã đi vào lịch sử như: Đường 9 Nam Lào, Cồn Tiên, Dốc Miếu, thành cổ Quảng Trị... Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc bằng thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với hình ảnh những chiếc xe tăng đánh chiếm dinh Độc Lập - cơ quan đầu não cuả chính quyề Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 và hình ảnh nhân dân Sài Gòn ra đường đón chào quân giải phóng...


Áp tải Dương Văn Minh ra xe sang Đài Phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện
- Ảnh tư liệu TTXVN

Trong số những tác phẩm được trưng bày tại đây, có những bức ảnh đã đi vào lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam bởi thành công cả trên phương diện báo chí và nghệ thuật. Đó là các tác phẩm Từ thần sấm xuống xe trâu (Văn Bảo); Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước (Minh Trường); Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4 (Đinh Quang Thành). Đó là bức Mẹ con ngày gặp mặt (Lâm Hồng Long) thể hiện khoảnh khắc gặp gỡ xúc động giữa anh Lê Văn Thức bị địch bắt đày ra Côn Đảo và bị kết án tử hình với người mẹ thân yêu trong ngày giải phóng. Đó là cảnh Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của tác giả Hoàng Thiểm... Triển lãm còn giới thiệu hình ảnh những cô gái tiểu đội 4, đại đội thanh niên xung phong 552 ở ngã ba Đồng Lộc đang san lấp hố bom do tác giả Văn Sắc thực hiện.

Những người chép sử bằng ảnh

Để có những bức ảnh tư liệu quý giá đó, các phóng viên ảnh chiến trường của TTXVN đã không ngại hy sinh gian khổ, xông pha vào chiến trường giữa bom đạn ác liệt để chớp được những hình ảnh, khoảnh khắc sống động nhất. Họ thực sự là những nhà báo, chiến sĩ dũng cảm, xứng đáng là những người viết lịch sử bằng hình ảnh.

Đã có 262 phóng viên, biên tập viên, cán bộ của TTXVN hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, trong đó có hơn 40 phóng viên nhiếp ảnh. Các tác phẩm của họ vẫn còn sống mãi trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Những bức ảnh tư liệu vô giá đó cùng với hồi ức của các phóng viên TTXVN trong triển lãm đã góp phần dựng nên một bức tranh hoành tráng về cuộc chiến tranh giải phóng. Đó là: những bức ảnh chụp các sự kiện diễn ra trong cuộc tiến công giải phóng Buôn Mê Thuột, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Biên Hòa... Đó là bức ảnh chụp xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập ngày 30/ 4/1975 của phóng viên Trần Mai Hưởng và những bức ảnh chụp thời khắc diễn ra các sự kiện lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại dinh Độc Lập của các phóng viên Hoàng Thiểm, Ngọc Đản, Văn Bảo, Đinh Quang Thành, Lâm Hồng Long, Vũ Tạo, Hứa Kiểm...

Cùng với các bức ảnh, các tác giả cũng kể lại một cách chân xác và xúc động những cách thức nhanh nhất mà họ đã sử dụng để chuyển bài viết và phim ảnh về Hà Nội kịp phát báo trong nước và quốc tế sớm nhất. Mỗi tác phẩm ngày ấy có số phận riêng của nó, khiến ngay cả tác giả từng bấm máy khi đến với triển lãm cũng không khỏi xúc động, bồi hồi. Họ là những nhân chứng và may mắn thay những ký ức đó được lưu lại trong những hình ảnh và nó vẫn còn ở lại với thời gian.

Hành trình của bộ ảnh quý

Ông Hoàng Thiểm kể lại việc chụp ảnh Dương Văn Minh và mang phim ra Hà Nội.
Phóng viên Hoàng Thiểm, Thông tấn Quân sự là người cùng với tổ phóng viên mũi nhọn như Ngọc Đản, Đinh Quang Thành, Vũ Tạo, Trần Mai Hưởng bám sát lữ đoàn xe tăng 203 theo xa lộ, vượt cầu Sài Gòn tiến vào dinh Độc Lập. Ông kể: “Vào đến dinh Độc Lập, tiếp cận được với bộ chỉ huy đầu não của Dương Văn Minh có rất nhiều phóng viên ảnh của các báo chứ không riêng gì phóng viên của TTXVN. Tuy nhiên, vì máy ảnh tôi dùng ngày ấy không có đèn, trong phòng thì rất tối nên không thể tác nghiệp. Mãi đến khi bộ đội ta áp tải Dương Văn Minh ra xe để sang Đài Phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng thì mới bấm máy được.

Hôm đó, tôi và anh Ngọc Đản mỗi người chụp hết 9 cuộn phim. Sau khi chụp được những khoảnh khắc này, tôi cầm cả 18 cuộn phim đi ô tô ra Đà Nẵng. Bộ đội của ta ở sân bay Đà Nẵng cử một tổ lái của ta kèm tổ lái của chế độ Sài Gòn lấy một máy bay đưa tôi ra Hà Nội.

Chiều 2/5/1975 tôi có mặt tại Hà Nội, xử lý toàn bộ số ảnh cùng chụp với anh Ngọc Đản ở số 5 Lý Thường Kiệt. Sáng 3/5, tất cả số ảnh đó được in trên tất cả các ấn phẩm của TTXVN và các báo ở Trung ương và Hà Nội. Cùng ngày số ảnh này được chuyển đến cho Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem”.

Theo sát bước chân thần tốc, táo bạo của bộ đội giải phóng, với vũ khí là chiếc máy ảnh trong tay, không chỉ riêng Hoàng Thiểm, hàng trăm phóng viên nhiếp ảnh TTXVN đã ghi lại những hình ảnh có một không hai, hình ảnh mùa Xuân đại thắng năm 1975 và những hình ảnh đó sống mãi với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, đối với mỗi phóng viên ảnh TTXVN hôm nay nói riêng và với người dân Việt nói chung, triển lãm Những khoảnh khắc lịch sử thực sự là những tư liệu vô giá, ghi lại một giai đoạn lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

Triển lãm Những khoảnh khắc lịch sử diễn ra đến hết ngày 4/5. Tới đây TTXVN sẽ tập hợp những bức ảnh tư liệu về chiến tranh và cách mạng đang lưu giữ trong kho tư liệu của TTXVN để biên soạn thành những bộ sách ảnh về chiến tranh Giải phóng của Việt Nam.

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm