Uống rượu thuốc có giúp nam giới khoẻ, bền bỉ hơn?

24/03/2023 18:06 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Trong dân gian, mọi người vẫn truyền tai nhau rằng uống rượu thuốc sẽ giúp nam giới khỏe hơn. Điều này có đúng không?

Trong Đông Y, những người thầy thuốc từ lâu đã biết dùng các cây thuốc và vị thuốc dân gian giúp bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lý đàn ông..., phổ biến nhất là ba kích, dâm dương hoắc, nhục thung dung, phúc bồn tử, đương quy, hoài sơn….

Ths.Bs Phạm Minh Ngọc, Trung tâm Y học Giới tính, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho hay, ba kích còn có tên là dây ruột gà, ba kích thiên, tên khoa học là Morinda Officinalis Stow. Trong Đông y, ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có tác dụng bổ thận, tráng dương, trị liệt dương, di tinh, tăng cường sức khỏe, trừ phong thấp.

Hiện nay, có 2 loại ba kích phổ biến là ba kích trắng và ba kích tím, trong đó ba kích tím với thân to, hình chuỗi ngọc, nạc dày, sắc tím là loại tốt.

Uống rượu thuốc ba kích có giúp nam giới 'yêu' khoẻ, bền bỉ hơn không? - Ảnh 1.

Bác sĩ Minh Ngọc đang tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: T.L.

Bên cạnh ba kích thì hoàng liên gai cũng được rất nhiều người sử dụng để tăng cường sinh lý. Trong Đông y, hoàng liên có vị cay ngọt, tính ấm, có công dụng ôn thận tráng dương, cường cân tráng cốt, khử phong trừ thấp.

Bác sĩ Minh Ngọc cho hay các nghiên cứu hiện đại đã tìm thấy nhiều chất hữu ích như các acid hữu cơ, anthraglucoside, phytosterol, tinh dầu, vitamin C, L-Arginin, flavonoid, saponosid, phytosterol, axít béo, vitamin E… trong ba kích, hoàng liên. Những chất này giúp kích thích sản xuất hormone sinh dục, tăng lưu lượng máu, cải thiện chức năng tình dục.

Trong Đông Y có bài thuốc "ba kích tửu (rượu ba kích)" gồm ba kích và hoài ngưu tất ngâm rượu trắng; hay bài "thọ thế bảo nguyên" làm từ dâm dương hoắc ngâm với rượu gạo.

Trên thực tế, rất nhiều nam giới tìm mua những bài thuốc được quảng cáo tràn lan trên mạng, không có nguồn gốc rõ ràng, không theo đơn dẫn đến dùng sai cách, vừa không có tác dụng, vừa có hại cho cơ thể. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ Minh Ngọc, các vị thuốc cần được chế biến, dùng đúng cách, tốt nhất theo đơn của bác sĩ y học cổ truyền.

Vậy còn rượu ngâm động vật có tốt không?

Bác sĩ Minh Ngọc cho biết hiện nay nhiều người thường còn có thói quen dùng rượu ngâm có nguồn gốc từ động vật với mong muốn điều trị bệnh hoặc bồi bổ sinh lực cho cơ thể, ví dụ như rượu ngâm tắc kè, rắn, cá ngựa, hải mã, hải sâm… Tuy nhiên theo bác sĩ Minh Ngọc, các loại rượu ngâm nguồn gốc động vật vẫn chưa được kiểm chứng và chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh hiệu quả trong việc tăng cường sinh lý, bản lĩnh đàn ông.

Việc lạm dụng rượu ngâm động vật cũng được chuyên gia khuyến cáo có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc, dẫn đến viêm gan, vàng da, suy thận, tăng huyết áp, hay nhiễm khuẩn đường ruột... Nồng độ cồn sẽ bị giảm dần theo thời gian nên chất đạm tiết ra từ động vật có thể bị ôi, hư và nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn…

"Rất nhiều người cho rằng ngâm rượu động vật phải ngâm cả con hoặc ngâm càng nhiều loại chung với nhau càng phát huy tác dụng. Điều này là phi khoa học, tiềm ẩn nguy cơ kỵ nhau giữa các loại, hại đến sức khỏe. Một số loài động vật cần được sơ chế, loại bỏ các thành phần gây độc trước khi ngâm", bác sĩ Minh Ngọc nói.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, khi có nhu cầu sử dụng các loại rượu ngâm dược liệu, nên tìm mua ở các cơ sở đông dược uy tín và cần có sự tư vấn của thầy thuốc y học cổ truyền. Tuyệt đối không nên tự ý sưu tầm các loại rễ cây không rõ nguồn gốc, động vật để ngâm rượu, có thể xảy ra nguy cơ ngộ độc.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm