UEFA được kiến nghị loại các CLB nhà giàu để đảm bảo công bằng tài chính

10/09/2022 06:38 GMT+7 | Champions League

Chuyên gia thương mại thể thao cho rằng nếu UEFA không đưa ra các án phạt mạnh tay thì các đội bóng nhà giàu vẫn sẽ vi phạm luật công bằng tài chính.

Cúp C1: Hãy quên Ronaldo - Messi, giờ là thời đại của Mbappe - Haaland

Cúp C1: Hãy quên Ronaldo - Messi, giờ là thời đại của Mbappe - Haaland

Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đã chiến đấu để trở thành những cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá thế giới trong hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, thời của họ có thể đã kết thúc và bộ đôi Kylian Mbappe và Erling Haaland được cho sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh hấp dẫn mới.

 

Cách đây vài tuần, UEFA đã đưa ra án phạt cho 8 CLB gồm AC Milan, AS Monaco, AS Roma, Besiktas JK, Inter, Juventus, Marseille và Paris Saint-Germain vì vi phạm luật công bằng tài chính (FFP). Theo cảnh báo của chuyên gia thương mại thể thao Ben Peppi của công ty luật JMW, UEFA cần có hành động mạnh tay hơn. Cụ thể, ông kiến nghị UEFA loại bỏ các CLB nhà giàu ra khỏi giải đấu hoặc trừ điểm tại vòng bảng đối với các đội bóng vi phạm luật công bằng tài chính.

"Trên thực tế, án phạt không bao giờ khiến các ông lớn để ý tới luật lệ hơn. Họ vẫn sẽ tiếp tục vi phạm. Chẳng hạn như bạn là PSG và bị phạt 10 triệu euro vì chiêu mộ Lionel Messi. Sau đó, đội của bạn vô địch C1. Án phạt so với giá trị của việc giành chức vô địch rõ ràng là không cân xứng", ông Peppi chia sẻ.

Nếu bị phát hiện vi phạm các quy tắc FFP của UEFA, các CLB có thể bị cảnh cáo hoặc xử phạt, bao gồm phạt tiền, giáng xuống hạng thi đấu ở cấp độ châu Âu thấp hơn hoặc thậm chí bị cấm thi đấu.

Tuy nhiên, tiềm năng kinh doanh từ danh hiệu châu Âu quá lớn khiến các CLB lớn vẫn phớt lờ những quy định chung và vi phạm một cách bất chấp. Chẳng hạn như đội bóng vô địch C1 có thể nhận khoảng 100 triệu bảng tiền thưởng và tiền bản quyền truyền hình. Tuy nhiên, khoản thu đến từ việc quảng bá toàn cầu sau đó mới là điều các đội bóng hướng đến.

Chú thích ảnh
Chức vô địch C1 mang lại nhiều giá trị quảng bá cho các CLB

Bên cạnh đó, các đội bóng hiện cũng đã có những chiêu trò nhằm giảm nguy cơ vi phạm FFP. Chẳng hạn như Chelsea đã bỏ ra 70 triệu bảng để sở hữu Wesley Fofana ở mùa Hè này. Họ ký hợp đồng 7 năm với trung vệ người Pháp. Như vậy, trên thực tế, Chelsea chỉ phải bỏ ra 10 triệu bảng/năm để sử dụng Fofana. Theo ông Peppi nhận định, những bản hợp đồng dài hạn như vậy sẽ dần xuất hiện nhiều hơn.

Ngoài ra, các đội bóng lớn cũng có những đội tác thương mại lớn và các bản hợp đồng giá trị cao. Các khoản tiền tài trợ sẽ được dồn vào thị trường chuyển nhượng và quỹ lương của mỗi đội bóng. Chưa kể, tiền bản quyền truyền hình liên tục tăng cao khiến thu nhập của các đội bóng luôn được đảm bảo. Vì thế, các đội bóng lớn vẫn sẽ chi tiêu số tiền lớn.

Chú thích ảnh
Các đội bóng lớn sẽ không ngừng chi tiền để sở hữu các cầu thủ đắt giá để theo đuổi danh hiệu cũng như lợi nhuận thương mại

"UEFA cần phải đưa ra những hình phạt mạnh tay", ông Peppi nhận định. Tuy nhiên, nếu thiếu vắng một đội bóng lớn hiện tại, doanh thu thương mại của các giải đấu châu Âu cũng có thể bị ảnh hưởng. Điều này có thể xem như là một trong những yếu tố khiến UEFA vẫn chưa thể đưa ra những án phạt quyết liệt với các đội bóng vi phạm FFP.

Quý Dậu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm