Những câu chuyện kỳ quặc và thú vị nhất Olympic 2020

10/08/2021 17:02 GMT+7 | Olympic 2021

(Thethaovanhoa.vn) - Olympic Tokyo 2020 đã mang đến những khoảnh khắc đặc biệt chưa từng có trong lịch sử tổ chức đại hội. Có nhiều điều kỳ lạ đã diễn ra, nhưng cũng không thiếu những giây phút ấm áp.

Olympic Tokyo 2020: Màn ngược dòng ngoạn mục của đoàn Mỹ

Olympic Tokyo 2020: Màn ngược dòng ngoạn mục của đoàn Mỹ

Với ba tấm huy chương vàng trong ngày thi đấu cuối cùng, đoàn thể thao Mỹ đã xuất sắc lội ngược dòng trước Trung Quốc để giành ngôi nhất toàn đoàn tại Olympic Tokyo 2020.

 

“Nam thần” nhảy cầu Tom Daley đan len

Tại chung kết nội dung nhảy cầu 3m tại Olympic 2020, khoảnh khắc Tom Daley ngồi trên khán đài say sưa đan len đã lọt ống kính truyền hình và nhanh chóng gây sốt, khiến cộng đồng mạng thích thú. Tom Daley là VĐV nhảy cầu nổi tiếng của Vương quốc Anh. Tại Olympic Tokyo, Tom Daley giành huy chương đồng, trở thành VĐV nhảy cầu người Anh đầu tiên trong lịch sử có 4 huy chương Olympic.

Đoàn thể thao ROC

Vào năm 2018, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã cấm thể thao Nga không được tham gia các sự kiện quốc tế trong vòng 4 năm bởi bê bối doping. IOC sau đó giảm án phạt xuống còn 2 năm, cho phép các VĐV trong sạch của Nga được thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 nhưng dưới danh nghĩa trung lập. Đó là lý do đoàn thể thao với cái tên ROC (viết tắt của Ủy ban Olympic Nga) xuất hiện tại Thế vận hội 2020.

ROC chỉ được phép dùng lá cờ mang biểu tượng 5 vòng tròn truyền thống của Olympic với màu sắc tượng trưng cho quốc kỳ Nga, không được phép sử dụng cờ Nga. Quốc ca Nga được thay bằng một bản nhạc của nhà soạn nhạc vĩ đại Pyotr Tchaikovsky.

Sự trỗi dậy của những quốc gia nhỏ bé

San Marino trở thành quốc gia ít dân nhất giành được huy chương ở Thế vận hội. Kỷ lục này được xác lập sau khi nữ VĐV Alessandra Perilli giành huy chương đồng nội dung súng bắn đĩa.

San Marino là một quốc gia nằm ở trong lãnh thổ Ý với diện tích chỉ 62,5 km2 và dân số khoảng 34.000 người, chưa bằng 50% sức chứa của sân vận động quốc gia Nhật Bản - nơi diễn ra lễ khai mạc Olympic.

Chú thích ảnh
Tom Daley gây “sốt” với hình ảnh đan len trên khán đài Olympic 2020

Thế vận hội nóng nhất lịch sử

Olympic 2020 được xác định là Thế vận hội nóng nhất lịch sử. Theo dữ liệu từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, nhiệt độ hàng ngày ở thủ đô Nhật Bản dao động quanh mức 31 độ C trong suốt Thế vận hội, và độ ẩm trung bình khoảng 80% đã làm cho cái nóng càng thêm khủng khiếp. Tay vợt người Nga Daniil Medvedev đã nổi nóng tới mức chất vấn trọng tài về việc ai sẽ chịu trách nhiệm nếu anh chết khi thi đấu dưới thời tiết quá khắc nghiệt.

Naomi Osaka và Simone Biles

Một năm trước, Simone Biles và Naomi Osaka đều ở đỉnh cao của thành công trong lĩnh vực của họ. Ở Thế vận hội, nhiệm vụ của hai cô gái trẻ là chứng minh vị thế của mình. Tuy nhiên, vấn đề liên quan tới “sức khỏe tinh thần” đã ảnh hưởng tới phong độ của hai tài năng trẻ.

Tay vợt Naomi Osaka dừng bước ngay vòng 3 nội dung đơn nữ khi để thua đối thủ kém mình tới 40 bậc trên bảng xếp hạng WTA. Trong khi đó, Simone Biles buộc phải rút lui khỏi nhiều phần thi sau kết quả tệ hại ở nội dung xà lệch. Cả hai đều thừa nhận rằng áp lực tinh thần đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý thi đấu của họ. Sau những gì xảy ra với Osaka và Biles, “sức khỏe tinh thần” của VĐV Olympic trở thành vấn đề được quan tâm và bàn luận.

Đội cổ động của Suni Lee

Mặc dù Thế vận hội 2020 không có khán giả, nhưng Suni Lee chắc chắn đã cảm nhận được sự ủng hộ dành cho cô. Từ khoảng cách gần 10 nghìn km, gia đình của Suni Lee cùng với cộng đồng người H'Mông ở bang Minnesota (Mỹ), đã tập trung trước màn hình lớn để cổ vũ cho cô gái 18 tuổi thi đấu. Suni Lee đã không phụ lòng họ khi giành huy chương vàng thể dục dụng cụ nội dung toàn năng. Tấm huy chương vàng cũng là món quà Suni Lee dành tặng cho bố dượng John Lee, người đã khuyên cô đừng từ bỏ giấc mơ Olympic khi cô gái có ý định bỏ tập luyện để ở nhà chăm sóc ông sau một tai nạn.

VĐV Belarus phải chạy sang Ba Lan tị nạn

Krystsina Tsimanouskaya, VĐV điền kinh người Belarus, đã gặp rắc rối lớn tại Olympic 2020. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc nữ VĐV đăng trên tài khoản Instagram dòng chỉ trích các HLV đội điền kinh Belarus vì đã cho cô vào nội dung thi chạy 400m tiếp sức mà không thông báo trước. Ngay sau đó, 2 HLV đã tới gặp Krystsina Tsimanouskaya và yêu cầu cô phải trở về nước ngay lập tức. Tại sân bay Tsimanouskaya đã cầu cứu cảnh sát Nhật Bản, xin được bảo vệ vì lo sợ sẽ bị bắt khi đặt chân tới Belarus. Tsimanouskaya đã được sắp xếp chuyến bay tới Ba Lan theo thị thực nhân đạo. Trong khi đó, 2 vị HLV Artur Shimak và Yury Maisevich đã bị IOC xóa bỏ tư cách thành viên dự Olympic 2020, trục xuất về nước.

Khánh Đan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm