Hậu trường World Cup: Ai bảo World Cup làm nghèo Brazil?

16/07/2014 14:51 GMT+7 | World Cup 2018

(Thethaovanhoa.vn) - Các SVĐ đầy ắp khán giả, giải đấu nhiều bàn thắng, về mặt chuyên môn, FIFA thừa nhận World Cup 2014 đã thành công. Và kể từ lễ khai mạc World Cup,  Brazil không còn chứng kiến một cuộc biểu tình quy mô lớn nào suốt hơn một năm qua, ngày hội bóng đá luôn bị đe dọa bởi các biểu ngữ  : “Chúng tôi không cần World Cup” , “Chúng tôi cần tiền cho y tế và giáo dục…

Theo tờ The Washington Post thì các cuộc biểu tình cho thấy một Brazil đang trải qua giai đoạn chuyển mình quan trọng về mặt xã hội và kinh tế kể từ khi nước này vận động đăng cai World Cup vào năm 2003.  Rộng hơn, World Cup 2014 cho thấy sự vận động mạnh mẽ của cả kinh tế Mỹ Latin trong hơn một thập kỷ qua. Biển người áo vàng trong các trận đấu của đội tuyển Colombia  (khoảng 40.000 trong số 57.000 chỗ ngồi), làn sóng CĐV Mexico vẫy cờ, ủng hộ thầy trò Miguel Herrera hay khoảng 20.000 CĐV Chile có mặt ở World Cup để cổ vũ cho La Roja sau khi họ vào đến vòng 1/8 là lời xác nhận về thành công của nền kinh tế Mỹ Latin trong thời gian gần đây và sự xuất hiện ngày một nhiều tầng lớp trung lưu.

Năm 2011, lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp trung lưu khu vực Mỹ Latin áp đảo số người nghèo tại đây. Brazil là nước đi đầu trong thành công này nhờ đầu tư vào các chương trình xã hội và giảm nghèo. Dĩ nhiên, chẳng ai phải vô cớ mà bức vẽ một đứa trẻ đang kêu khóc trước trái bóng trên đĩa súp đã được hàng chục nghìn lượt trên Twitter và Facebook chia sẻ. Hình ảnh đó sẽ luôn nhắc nhở các CĐV về sự nghèo đói mà người Brazil đang phải vật lộn hàng ngày. Mặc dù thế, hình ảnh này không nhắc đến một thực tế là Brazil chỉ đầu tư chưa đầy 2 tỷ USD vào xây dựng các SVĐ. Ngược lại, từ năm 2010, chính phủ Brazil đã chi hơn 360 tỷ USD vào chương trình giáo dục và sức khỏe các chương trình giáo dục và sức khỏe.  Nói cách khác, chính phủ Brazil cứ 1 USD chi cho các SVĐ tại World Cup thì họ đầu tư 200 USD vào những chương trình giáo dục và sức khỏe.

World Cup 2014 này sẽ là một cú hích rất lớn cho nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới

Dĩ nhiên thì để xóa bỏ sự bất bình đẳng về kinh tế ở Brazil không bao giờ là một điều dễ dàng. Thậm chí, người ta biết đến Brazil như là quốc gia của những khu ổ chuột và các tỷ phú. Theo phân tích của tờ Forbes, Brazil hiện có hàng chục tỷ phú, trong đó có Roberto Irineu Marinho, Joao Roberto và Jose Roberto Marinho, những người sở hữu đế chế truyền thông lớn nhất Mỹ Latin, Globo, và có số tài sản trị giá hơn 28 tỷ USD. Năm 2013, lợi nhuận mà Globo đạt được là 1,2 tỷ USD.

Theo nghiên cứu gần đây từ Trung tâm Liên hiệp quốc ở khu vực Mỹ Latin và Caribbean (ECLAC), năm 2005, 38% dân số Brazil sống dưới mức nghèo khổ. Tới năm 2012, tỷ lệ này giảm mạnh xuống còn 18,6%. Nói cách khác, kể từ năm 2005, Brazil đã thành công trong việc giảm số người nghèo xuống dưới một nửa. Ở một khu vực được xem là bất bình đẳng nhất thế giới như Nam Mỹ và Brazil nổi tiếng từ lâu vì sự phân hóa giàu nghèo, thành công trong nỗ lực giảm nghèo của nước chủ nhà World Cup 2014 không thể không được ghi nhận, thay vì họ đáng bị chỉ trích vì đã để xảy ra những cuộc biểu tình đòi quyền lợi cho y tế và giáo dục.

Theo Jason Marczak, một chuyên gia Mỹ Latin từ Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington D.C., “Làn sóng chỉ trích chính phủ Brazil đã để chi phí xây dựng các SVĐ đội giá lên thực sự chỉ là tiếng nói của một thế hệ công dân Brazil mới thuộc giới trung lưu. Họ muốn chính phủ minh bạch hơn và có trách nhiệm hơn với các vấn đề xã hội.”

Nếu vậy, World Cup 2014 này sẽ là một cú hích rất lớn cho nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới, cũng như mang lại nhiều lợi ích khác cho những quốc gia trong khu vực bởi nên nhớ là sau 64 năm, World Cup mới trở lại Brazil và 38 năm kể từ lần cuối cùng giải diễn ra ở một quốc gia Nam Mỹ (Argentina tổ chức năm 1978). Tại sao không sớm hơn nếu không muốn nói chỉ ở thời điểm hiện tại, Brazil mới đủ tiềm lực kinh tế không chỉ tổ chức World Cup mà thậm chí là cả Olympic Rio de Janeiro trong 2 năm tới.

World Cup 2014 cho thấy sự vận động mạnh mẽ của cả kinh tế Mỹ Latin trong hơn một thập kỷ qua

Dưới đây là những đánh giá về các nền kinh tế của Nam Mỹ và phần nào thì thành tích mà những đội tuyển tại đây đạt được ở World Cup 2014 cũng phản ánh sự lạc quan của họ.

1. Chile

Mặc dù đất nước nhỏ bé nhưng Chile nằm trong nhóm những nền kinh tế Mỹ Latin phát triển nhất. Dân số 17 triệu người nhưng Chile có 12 tỷ phú và năm 2012, họ thu hút được 30 tỷ USD đầu tư FDI. Hiện chỉ 1/10 dân số của Chile sống dưới mức nghèo khổ. Tại World Cup 2014, La Roja đã vào đến vòng 1/8.

2. Uruguay

Một nền kinh tế nhỏ khác nhưng Uruguay cũng đã thành công trong việc giảm nghèo và thu hút đầu tư nước ngoài. Ở World Cup 2014, Celeste dừng bước trước Colombia tại vòng 1/8.

3. Brazil

Với gần 200 triệu dân, Brazil là quốc gia đông dân nhất khu vực Nam Mỹ. Từ năm 2005 đến nay, Brazil đã nỗ lực đưa tỷ lệ 38% số người sống dưới mức nghèo khổ xuống còn 18% vào năm 2012. Hàng triệu người giờ đã thuộc về tầng lớp trung lưu.

4. Argentina

Dân số 41 triệu người, thu hút FDI trong năm 2012 là 12 tỷ USD, từ năm 2005 đến 2012, Argentina đã giảm tỷ lệ nghèo từ mức 30,6% xuống còn 4,3%. Hiện Argentina có 5 tỷ phú.

5. Costa Rica

Costa Rica chỉ có 5 triệu dân nhưng nổi tiếng nhờ chính sách kinh tế và chính trị ổn định. Năm 2012, quốc gia Trung Mỹ này thu hút 3 tỷ USD đầu tư FDI. Hiện chưa đầy 1/5 dân số Costa Rica sống trong tình trạng nghèo khổ. Tại World Cup 2014, lần đầu tiên trong lịch sử Los Ticos vào đến tứ kết

6. Mexico

Mexico là quốc gia có dân số nói tiếng Tây Ban Nha lớn nhất ở World Cup. Họ có 16 tỷ phú và năm 2012 thu hút đầu tư FDI là 14,5 tỷ USD. Tuy nhiên, theo số liệu từ Liên hiệp quốc, 38% dân số Mexico sống dưới mức nghèo khổ. Tại World Cup 2014, Mexico đã để thua Hà Lan ở vòng 1/8.

7. Colombia

Colombia có 47 triệu phú và gần 1/3 số dân sống dưới mức nghèo khổ. Năm 2012, quốc gia café này đã thu hút 15,6 tỷ USD đầu tư FDI. Tuy nhiên, Colombia kém thành công hơn Brazil trong nỗ lực giảm nghèo và họ cũng bị chính đội chủ nhà loại ở vòng 1/8 World Cup.

8. Ecuador

Thách thức cho Ecuador là năm 2012, họ chỉ thua hút đầu tư FDI chưa đến 1 tỷ USD, thấp nhất trong các nước kể ra ở đây. Mặc dù vậy, Ecuador cũng đã giảm nghèo từ tỷ lệ 48% năm 2005 xuống còn 32% vào năm 2012. So với Brazil, tỷ lệ nghèo ở Ecuador vẫn cao gấp đôi.

9. Honduras

An ninh và bạo lực đã ảnh hưởng nhiều đến những cải cách kinh tế của Honduras. Hiện hơn 2/3 dân số của quốc gia này đang sống dưới mức nghèo khổ và tỷ lệ nghèo của họ cao gấp 3 lần so với Brazil. Không có gì ngạc nhiên khi thành tích thi đấu của Honduras ở World Cup là rất tệ với một trận hòa, hai trận thua.

Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm