Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Mỏ vàng quyền anh đang bị quên lãng

12/06/2015 11:36 GMT+7 | SEA Games 2015

(Thethaovanhoa.vn) - Boxing (quyền anh) là một môn thể thao Olympic và rất được thanh thiếu niên Việt Nam ưa thích. Đây là môn thể thao thượng võ, giàu ý chí và phục vụ tốt cho việc huấn luyện các lực lượng vũ trang.

Boxing Việt Nam phát triển rất sớm từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Trong thời kháng chiến chống Pháp, boxing chủ yếu phát triển ở Bắc Kỳ. Hòa bình lập lại, boxing là một trong những môn được quan tâm phát triển ở Hà Nội và Hải Phòng. Đây cũng là môn được đưa vào Đoàn thể thao Việt Nam đưa đi dự SEA Games trong những năm đầu tiên thể thao Việt Nam trở lại Đông Nam Á. Huỳnh Đức Khánh.

Có thời kỳ, đã tồn tại những mâu thuẫn đáng tiếc trong công tác quản lý, tổ chức thi đấu, đảm bảo an toàn và giáo dục vận động viên. Đấy là lý do khiến boxing bị đình chỉ thi đấu vào cuối những năm 80.

Boxing được quan tâm phát triển trở lại để chuẩn bị SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam. Từ đây, boxing trở lại thi đấu ở đấu trường khu vực. Nhưng trình độ boxing Việt Nam vẫn chưa phát triển, vận động viên chưa đạt trình độ cao, chúng ta cũng chưa có những HCV ở cấp châu lục.

Đến năm 2009, khi Asian Indor Games tổ chức ở Việt Nam, boxing nữ đã đạt HCV châu lục. Đến năm 2013, chúng ta lại giành HCV SEA Games cũng ở nội dung nữ (Lưu Thị Liên và Hà Thị Linh).

Những thành công ở đấu trường quốc tế có nền tảng là phong trào boxing trong nước. Trước đây, phong trào boxing chỉ tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng, Bình Định và TP. Hồ Chí Minh. Bây giờ, phong trào đã phát triển trên 30 tỉnh thành. Hàng năm, giải vô địch quốc gia, giải trẻ, Cúp các CLB có khoảng 300 tới 500 VĐV tham dự, đánh liên tục trong 1 tuần tới 10 ngày. Cuộc đua tranh ở giải vô địch quốc gia cũng rất khốc liệt. Sự phát triển ấy đã tạo ra một thế hệ VĐV mới trải dài trên cả nước, không chỉ ở các tỉnh cũ mà còn có Đăk Lắk, Đắk Nông, Lào Cai, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ, An Giang...

Đương nhiên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Quân đội vẫn là những trung tâm phát triển với các VĐV có trình độ cao, đặc biệt là Trung tâm võ thuật Quân đội ở Quân khu 7 với CLB boxing quân đội do HLV Huỳnh Viết Khánh quản lý.

Gần đây, boxing cũng có xu hướng phát triển chuyên nghiệp khi Tổng cục kết hợp với Quân đội nhân dân Việt Nam và kênh truyền hình Let’s Việt tổ chức giải vô địch boxing chuyên nghiệp tranh đai Let’s Việt đã diễn ra được 3 năm.

Đây là một hình thức thi đấu chuyên nghiệp, tạo điều kiện rèn luyện, nâng cao trình độ cho VĐV. Những người vừa giành huy chương ở SEA Games vừa rồi đều là các nhà vô địch của Let’s Việt (Lê Thị Bằng, Lê Thị Ngọc Anh, Nguyễn Văn Hải...). Giải đấu của Let’s Việt là sự động viên lớn cho phong trào boxing. Một số địa phương xa cũng có những VĐV giỏi như Lừu Thị Duyên trưởng thành từ Lào Cai.

Tại Đông Nam Á, boxing của Thái Lan và Philippines cũng đạt trình độ rất cao. “Trận đấu thế kỷ” của boxing diễn ra cách đây ít ngày có sự tham dự của 1 VĐV Philippines là Manny Pacquiao. Người Thái cũng đã có 2 kỳ Olympic giành được HCV. Trong chiến thắng của Trương Đình Hoàng với VĐV Thái Lan, chúng ta dễ nhận thấy Đình Hoàng đã phải đấu với một đối thủ cực kỳ xuất sắc. Ở SEA Games này, boxing có 4 VĐV vào chung kết, giành 3 HCV, 1 HCB. Đấy là minh chứng khẳng định các VĐV Việt Nam, cũng như Đông Nam Á, có thể phát triển và đạt trình độ cao ở Olympic.

Để phát triển boxing, các nhà quản lý thể thao phải nhất quán quan điểm có phát triển boxing hay không. boxing cũng được chia theo các hạng cân khác nhau nên chúng ta có thể lựa chọn những VĐV phù hợp. Kinh nghiệm của bơi với Ánh Viên, cử tạ với Thạch Kim Tuấn, thể dục dụng cụ và bắn súng nói rằng chúng ta có các VĐV giàu tiềm năng. Nếu họ được tập huấn quốc tế, làm việc với thày giỏi, họ sẽ nâng cao trình độ.

Thanh Hà (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm