Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Lập kỷ lục quan trọng hơn giành Huy chương Vàng

11/06/2015 09:08 GMT+7 | SEA Games 2015

(Thethaovanhoa.vn) - Các VĐV Việt Nam cho tới ngày hôm qua đã 12 lần cả thảy phá kỷ lục ở điền kinh và bơi (10, trong đó riêng Ánh Viên là 8) ở SEA Games 2015. Đó thực sự là một con số ấn tượng.

Trong thi đấu thể thao, xác lập kỷ lục mới và phá kỷ lục cũ quan trọng hơn nhiều, có ý nghĩa lớn hơn và được đánh giá cao hơn nhiều so với giành HCV. Có nhiều VĐV giành HCV đi cùng với việc xác lập kỷ lục mới và phá được kỷ lục cũ. Cũng có những người giành được HCV nhưng không phá được kỷ lục.

Những VĐV thiết lập kỷ lục mới đều được đánh giá rất cao. Điều đó cũng thể hiện truyền thống của Olympic: Luôn phấn đấu để vươn lên vượt qua các đối thủ, giành thành tích cao nhất, thể hiện khả năng, thể hiện sự sáng tạo của con người. Cho tới nay, khoa học cũng chưa xác minh được khả năng cuối cùng của con người. Chúng ta chỉ biết rằng sức người là có hạn chứ chưa xác định được giới hạn ấy.

Khẩu hiệu của phong trào Olympic cũng là “Nhanh hơn, cao hơn, xa hơn” theo truyền thống Hy Lạp cổ đại. Vì thế, tất cả các thành tích thể thao đạt ba mục tiêu trên đều có ý nghĩa và được trân trọng.

Trong lịch sử thể thao thế giới, có một cuốn sách thống kê mọi kỷ lục thể thao của từng môn, từng nội dung. VĐV càng phá nhiều kỷ lục càng chứng tỏ trình độ rất cao và khiến người hâm mộ thán phục.

Ở SEA Games này, chúng ta đã có những VĐV phá nhiều kỷ lục SEA Games điển hình như Nguyễn Thị Ánh Viên. Tới thời điểm này, Ánh Viên đã 8 lần phá kỷ lục và 7 lần giành HCV. Một VĐV khác của Singapore là Joseph Schooling cũng phá tới 7 kỷ lục. Trong thể thao, chúng ta gọi những VĐV như thế là “vĩ đại”.

Hôm qua, chúng ta cũng có một kỷ lục chạy 400m rào phá kỷ lục SEA Games của Nguyễn Thị Huyền. Trước đó, VĐV Nguyễn Văn Lai cũng phá được kỷ lục 5000 m. Xa hơn nữa, những VĐV xuất sắc của điền kinh Việt Nam cũng đã nhiều lần phá kỷ lục ở các nội dung chạy của nữ. Đó là những người để lại dấu ấn và được đánh giá cao.

Một trong những đặc điểm nổi bật của VĐV Việt Nam ở SEA Games là sáng tạo các kỷ lục. Những môn thể thao Olympic nhất là bơi và điền kinh đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, qua đó, thể hiện trình độ phát triển thể thao của chúng ta.

Có những môn thể thao không xác định kỷ lục bằng các phương pháp khách quan (dây thước mét) nhưng lại xác định được các điểm số cao nhất. Đó là các kỷ lục không chính thức, không được ghi vào bảng kỷ lục nhưng được ghi nhận là trình độ cao nhất của môn thể thao đó. Ví dụ, thể dục dụng cụ không xác định kỷ lục nhưng điểm số bài xà kép 15,833 của Đinh Phương Thành là điểm cao nhất trong cuộc thi thể dục dụng cụ.

Trong huấn luyện thể thao, tập thể HLV và VĐV phải luôn hướng tới thành tích cao nhất, vượt qua các cột mốc cũ để xác lập kỷ lục mới. Chúng ta không nên chỉ hướng tới việc giành các HCV. Với thể thao Việt Nam, nhận thức này còn chưa tới. Trong Đại hội thể thao toàn quốc hay trong các cuộc thi đấu, VĐV của chúng ta hiện chỉ hướng tới việc giành HCV chứ chưa có khát khao vươn lên phá kỷ lục cũ, lập kỷ lục mới.

Đến SEA Games này, tư duy ấy đã có những điểm khác. Nhiều VĐV bơi và điền kinh của chúng ta đã xác lập kỷ lục mới. Những kỷ lục ấy là tiêu chí để đánh giá sự phát triển của trình độ thể thao Việt Nam.

Thanh Hà (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm