Bóng đá châu Phi tại World Cup 2014: Hỗn loạn tiền thưởng vẫn làm nên lịch sử

28/06/2014 07:18 GMT+7 | World Cup 2018

(Thethaovanhoa.vn) - Bằng một cách nào đó, trong cơn hỗn loạn về tiền lương và thưởng, bóng đá châu Phi đã đi vào lịch sử World Cup.

Đe dọa đình công vì không nhận được tiền thưởng. Mâu thuẫn tiền thưởng với Liên đoàn bóng đá và Chính phủ. Dỗ dành cầu thủ thi đấu bằng một chuyên cơ chở tiền từ quê nhà sang tận Brazil “cứu đói”. Bóng đá châu Phi tại World Cup 2014 là những bê bối về chuyện tiền bạc, lùm xùm về nội bộ. Vậy mà họ vẫn làm nên lịch sử.

Có hai đội châu Phi đã lọt vào vòng 16 đội World Cup 2014. Nigeria và Algeria, lẽ ra có thể đi cùng Bờ Biển Ngà vào vòng 2 nếu đội bóng của Drogba không chịu oan ức từ một quả phạt đền. Hai đội vào vòng 2 là kỷ lục của bóng đá châu Phi tại World Cup. Trước đây, chưa từng có quá 1 đội châu Phi vượt qua vòng bảng các kỳ World Cup.

Bóng đá châu Phi luôn được thừa nhận là tiềm năng, nhưng cũng luôn mỏi mắt đi tìm dấu hiệu biến tiềm năng ấy thành khả năng thật sự. Một trong số các vấn đề có thể là chuyện tiền bạc: Các đội bóng châu Phi được tổ chức tốt hơn nhưng thu nhập thì tệ đi. Trong 5 đội bóng dự World Cup năm nay là Nigeria, Algeria, Bờ Biển Ngà, Ghana và Cameroon, thì 3 đội lùm xùm về chuyện tiền thưởng World Cup. “Thật là buồn khi chúng tôi gặp phải những câu chuyện như thế”, Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke nói hôm thứ Sáu về chuyện các cầu thủ Ghana đe dọa tẩy chay trận đấu vì chưa nhận được tiền thưởng từ FIFA.

Ghana, đội lọt vào Tứ kết World Cup 2010, đã nhận cả một máy bay tiền để cầu thủ chịu đá trước trận quyết định vòng bảng gặp Bồ Đào Nha. Trước đó đội tuyển Cameroon cũng từ chối bay đến Brazil dự World Cup, khi yêu cầu tăng tiền thưởng của họ không được đáp ứng. Đương kim vô địch châu Phi Nigeria, đội lọt vào vòng đấu loại trực tiếp lần đầu tiên từ năm 1998, hủy buổi tập hôm thứ Năm để nói chuyện phải quấy về chuyện tiền bạc.


Phải đá bằng cái đầu thoải mái, bóng đá châu Phi mới tiến bộ.

Tiền bạc là thứ khiến cầu thủ dễ mất tập trung.

Vấn đề này không mới với bóng đá châu Phi. Hiện tượng đã xảy ra với đội tuyển Togo vào năm 2006, nhưng nó ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, đủ để FIFA phải cảnh báo. Nguyên nhân của mâu thuẫn là Liên đoàn bóng đá không thực hiện lời hứa với các cầu thủ từ trước World Cup, khiến họ phẫn nộ.

Trước sự việc Ghana đòi tiền để ra sân, FIFA đang cân nhắc giải quyết vấn đề tiền nong của các đội tuyển từ các World Cup tới. “Những gì chúng tôi phải làm tại các World Cup tương lai là chắc chắn rằng đầu tiên, thỏa thuận tiền bạc giữa các cầu thủ với Liên đoàn bóng đá quốc gia phải được rõ ràng”, TTK Valcke nói.

Có thể đây là lúc FIFA can thiệp, vì sự ổn định nội bộ là tốt cho bóng đá châu Phi. Họ đá không tồi, như Nigeria đã gây ấn tượng bằng trận so tài với Argentina vừa qua. Lối tấn công của Algeria giúp họ lọt vào vòng 2 World Cup lần đầu tiền trong lịch sử. Bờ Biển Ngà chỉ đen dủi thua Hy Lạp vì một quả phạt đền muộn. Còn Ghana đã cầm hòa được người Đức với tỉ số 2-2, trước scandal tiền thưởng trước trận gặp Bồ Đào Nha.


Tuyển Algeria (áo trắng) làm nên lịch sử.

“Bóng đá châu Phi luôn đề cao thể lực và tốc độ”, tiền vệ tuyển Pháp Morgan Schneiderlin nhận xét về phong cách của đối thủ tại vòng 1/8 Nigeria. “Trong vài năm gần đây họ đã cải thiện về chiến thuật. Họ là những đội bóng có chất lượng”.

Trong khi đó hậu vệ phải Bacary Sagna nói rằng các đội bóng châu Phi “phát triển như mọi đội tuyển khác. Họ học từ những sai lầm”.

Rõ ràng là nếu được tổ chức tốt hơn nữa, không chỉ về chiến thuật trên sân mà còn về “chiến thuật quản lý” ngoài sân cỏ, bóng đá châu Phi sẽ có thể tiến ra xa.

Đ.Hiếu (theo AFP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm