Xu thế chính của thị trường bất động sản 2016: Sẽ tăng trưởng ổn định

21/01/2016 07:43 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Báo cáo ngày 31/12/2015 của Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HOREA) cho biết: Thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 đã tiếp tục đà phục hồi của năm 2014 và đạt tăng trưởng mạnh trên tất cả các phân khúc thị trường.

Cụ thể, các phân khúc này gồm: bất động sản nhà ở, văn phòng cho thuê, bất động sản công nghiệp (bao gồm cả khu chế xuất, khu kỹ thuật cao), bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại, y tế, dịch vụ.

Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở toàn thành phố có thêm 8,56 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 17,32m2/người. Quy mô giao dịch nhà ở đạt trên 26.000 giao dịch, tăng 1,5 lần so với năm 2014.

Trong đó, phân khúc nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ (căn hộ 1 - 2 phòng ngủ) có giá bán vừa túi tiền (trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ) vẫn là phân khúc phát triển bền vững, trụ cột của thị trường đáp ứng nhu cầu thật, mua để ở, và hiện nay vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Năm 2016, theo đánh giá của HOREA, giá bất động sản tăng trung bình từ 5 - 6% so với năm 2014, cá biệt có dự án, có vị trí căn hộ giá tăng 10% - 15%; Trong đó, căn hộ bình dân có mức tăng giá thấp nhất (chỉ khoảng 2%), căn hộ trung bình có mức tăng giá khoảng 5%, căn hộ trung bình khá có mức tăng giá khoảng 5-8%, căn hộ cao cấp có mức tăng giá cao nhất khoảng từ 5-15%.

Lượng giao dịch liên tục tăng, nguồn vốn đổ mạnh vào bất động sản, riêng lượng kiều hối ước tính khoảng 21,6%/tổng hơn 5,5 tỷ USD, tín dụng bất động sản năm 2015 đạt khoảng 140.000 tỷ đồng (tính riêng TP.HCM).

Một điều khá thú vị và rất đáng mừng, theo HOREA, là việc thị trường bất động sản năm 2016 xuất hiện nhiều vụ M&A lớn. Và các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang thống lĩnh thị trường bất động sản, chứ không phải là doanh nghiệp nước ngoài. Đang dần dần hình thành những tập đoàn phát triển bất động sản trong nước lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng để dẫn dắt thị trường bất động sản và hợp tác bình đẳng với bên nước ngoài.

Cũng theo HOREA, năm 2015, khi thị trường phát triển tốt, đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư thứ cấp. Trong năm 2015, tại thành phố Hồ Chí Minh, số lượng nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp chiếm tỷ lệ khoảng 15% trên thị trường bất động sản, tăng gấp 03 lần so với năm 2014, chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản cao cấp và phần lớn nhằm vào mục đích mua đi bán lại, hưởng chênh lệch giá.

Nếu nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp đầu tư trên 50% giá trị hợp đồng mua nhà bằng chính nguồn vốn của mình thì có thể yên tâm, nhưng trên thực tế nhiều nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp đã vay đến 70% - 80% thì độ rủi ro rất lớn, và cũng là nhân tố tiềm ẩn làm phát sinh nguy cơ bất ổn trên thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, sẽ rất khó xảy ra hiện tượng “bong bóng” bất động sản trong năm 2016. Điểm quan trọng đầu tiên là việc Nhà nước vẫn đang tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khoá, thắt chặt chi tiêu công, chính sách tín dụng thận trọng, chặt chẽ và linh hoạt (tăng trưởng tín dụng năm 2014 chỉ 15,2%, năm 2015 đạt khoảng 18%, trong lúc tăng trưởng tín dụng năm 2007 - năm đỉnh của bong bóng bất động sản - lên đến hơn 37%).

Về phía thị trường, năm 2015, dù thị trường rất sôi động, lượng dự án mới chào bán và lượng giao dịch đều tăng cao, tuy nhiên mưc giá vẫn tương đối ổn định với mức tăng chỉ khoảng 10-15 % cả năm. Và mặc dù trên thực tế có sự gia tăng nhiều dự án bất động sản cao cấp, nhất là nửa cuối năm 2015, nhưng mức hấp thụ của thị trường năm 2015 là tích cực, chưa xuất hiện tình trạng "bội thực" (cung vượt cầu quá lớn) trên thị trường bất động sản.

Nhìn chung theo nhận định của HOREA, năm 2016, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng ổn định. Mặc dù vẫn còn một số yếu tố tiềm ẩn có thể gây bất ổn cho thị trường. Tuy nhiên, nếu theo sát và có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp hiện tượng “bong bóng” rất khó xảy ra.

Nguyễn Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm