WHO cảnh báo nguy cơ lây lan hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron

05/05/2022 10:45 GMT+7 | Tin tức 24h

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 4/5 cho biết 2 biến thể phụ của Omicron đang làm gia tăng số ca mắc Covid-19 tại Nam Phi, qua đó một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm để theo dõi sự lây lan và biến đổi của virus SARS-CoV-2.         

Dòng phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron có khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch

Dòng phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron có khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch

Một nghiên cứu mới trong phòng thí nghiệm cho thấy các biến thể này có khả năng tránh được hệ miễn dịch tự nhiên có được sau khi mắc bệnh lẫn "rào chắn" được tạo ra từ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19.   

Chia sẻ với báo giới, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các nhà khoa học Nam Phi đã chỉ ra nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới tại Nam Phi gia tăng trong thời gian gần đây là do sự lây lan của BA.4 và BA.5.

Đây là 2 trong số 5 dòng phụ của Omicron được giới khoa học xác định cho đến thời điểm hiện tại. Kể từ khi được phát hiện tại Nam Phi cuối tháng 11/2021, đến nay Omicron đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo toàn cầu, trong đó dòng phụ " Omicron tàng hình" BA.2 gây ra  phần lớn các ca nhiễm mới do có đặc tính lây nhiễm nhanh hơn.       

Chú thích ảnh
Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy các phần tử virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo dịch tễ học mới nhất của WHO, cơ quan này cho biết BA.4 và BA.5 đã có một số đột biến bổ sung có thể ảnh hưởng đến đặc tính của hai biến thể này. Theo ông Tedros, hiện còn quá sớm để xác định hai biến thể phụ này có thể khiến dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng hơn các biến thể phụ khác của Omicron hay không. Tuy nhiên, người đứng đầu WHO nhấn mạnh các dữ liệu giai đoạn đầu cho thấy tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vẫn là biện pháp bảo vệ hiệu quả con người khỏi nguy cơ tử vong và trở nặng khi mắc bệnh.         

Nam Phi hiện là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu Phi với gần 3,8 triệu ca mắc và hơn 100.000 ca tử vong. Đến nay, gần 45% người trưởng thành ở nước này đã tiêm đủ liều cơ bản, nhờ đó số ca nhiễm mới đã liên tục giảm cho đến đầu tháng 4 - thời điểm nước này gỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế để phòng dịch. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới hiện đang tăng trở lại, với số ca mới ghi nhận trong tuần qua tăng 50%.   

Ở mức độ toàn cầu, số ca tử vong do COVID-19 được WHO chính thức ghi nhận là hơn 6,2 triệu ca, song con số thực tế được cho là cao hơn. Hiện số ca nhiễm mới và số bệnh nhân không qua khỏi ghi nhận hằng ngày toàn thế giới liên tục giảm và đã xuống con số thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Tuy nhiên, ông Tedros cho rằng điều này không nói lên tất cả khi số ca lây nhiễm mới đang có chiều hướng gia tăng tại châu Mỹ và châu Phi do sự lây lan của các biến thể phụ của Omicron. Đáng chú ý, các nước ở thời điểm hiện tại không còn chú trọng và thậm chí không tiến hành xét nghiệm. Thực tế này khiến giới khoa học rơi vào tình trạng mù thông tin đối với những biến đổi của virus SARS-CoV-2 và ông Tedros bày tỏ quan ngại: "Chúng ta không thể biến điều gì sẽ xảy đến tiếp theo".

Lan Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm