Vừa thông báo rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, tên lửa Mỹ đắt hàng

02/05/2019 15:26 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 2/5, Tổ chức Chiến dịch quốc tế về loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) cho biết tổng giá trị các đơn hàng tên lửa của Mỹ đã lên tới hơn 1 tỷ USD trong 3 tháng sau khi Washington thông báo kế hoạch rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).   

Mỹ hé lộ phương pháp phá hủy hoàn toàn vũ khí hạt nhân Triều Tiên

Mỹ hé lộ phương pháp phá hủy hoàn toàn vũ khí hạt nhân Triều Tiên

Theo Chuẩn Đô đốc Chuẩn Đô Đốc Michael Dumont, phương án duy nhất để tiêu hủy chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là áp dụng tấn công trên bộ.

Beatrice Fihn, người đứng đầu ICAN, cảnh báo việc Washington rút khỏi INF đã kích hoạt "một cuộc chiến tranh lạnh mới". Theo báo cáo của ICAN, các hợp đồng mới trên tập trung vào 6 công ty Mỹ. Trong số này, nhà thầu quốc phòng Raytheon thu về nhiều nhất với 44 hợp đồng mới trị giá 537 triệu USD. Tiếp đó là Lockheed Martin với 36 hợp đồng mới trị giá 268 triệu USD, và Boeing với 4 hợp đồng trị giá 245 triệu USD.   

Hiện chưa rõ liệu toàn bộ các hợp đồng mới được ký trong giai đoạn từ ngày 22/10/2018-21/1/2019 này là nhằm sản xuất vũ khí hạt nhân hay không. Tuy nhiên, ICAN cảnh báo số liệu trên rõ ràng cho thấy xu hướng sản xuất tên lửa mới đang làm lợi cho một số công ty Mỹ và sẽ khiến thị trường ngập tràn các loại tên lửa với nhiều tầm bắn khác nhau.  

Chú thích ảnh
Mô hình tên lửa của công ty Raytheon được trưng bày tại triển lãm hàng không và không gian ở Washington, DC, Mỹ, ngày 25/9/2007. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Ở cấp độ toàn cầu, báo cáo cho thấy các chính phủ đang ký hợp đồng trị giá ít nhất 116 tỷ USD với các công ty tư nhân tại Pháp, Ấn Độ, Italy, Hà Lan, Anh và Mỹ để sản xuất, phát triển và tích trữ vũ khí hạt nhân.

Một số hợp đồng đề cập trong báo cáo đã được ký năm 2015 và dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2020. Tuy nhiên, vẫn có một số hợp đồng có thời hạn dài hơn. Đáng chú ý, trong đó có một hợp đồng sản xuất bộ phận quan trọng để phóng tên lửa đạo đạo liên lục địa của Mỹ cho đến ít nhất là năm 2075.   

Giám đốc Chương trình Giải giáp vũ khí hạt nhân PAX Susi Snyder cho rằng dù Tổng thống Donald Trump đang kêu gọi thúc đẩy phi hạt nhân hóa toàn cầu, song chính Mỹ và các đồng minh trang bị hạt nhân của Washington lại đang làm điều ngược lại.   

Mỹ đã ngừng thực hiện các cam kết trong INF kể từ tháng 2/2019. Theo Washington, nguyên nhân chính là do Moskva vi phạm một cách có hệ thống các điều kiện nêu trong INF. Nga bác bỏ cáo buộc, đồng thời chỉ trích ngược lại rằng chính Mỹ vi phạm hiệp ước này.    

INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Sau quyết định của Mỹ, Nga cũng đã đình chỉ các nghĩa vụ của họ trong hiệp ước này. Nga cho rằng Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới. Các động thái của hai cường quốc quân sự làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Đặng Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm