TP HCM kịp thời đổi mới cách đưa thực phẩm vào khu dân cư

15/07/2021 16:08 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sau gần 1 tuần Tp. Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với biện pháp mạnh để giãn cách xã hội đã tác động lớn đến hoạt động thương mại trên địa bàn.

TP. Hồ Chí Minh tổ chức các chốt kiểm soát kết hợp kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 16

TP. Hồ Chí Minh tổ chức các chốt kiểm soát kết hợp kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 16

Ngày 13/7, trao đổi với phóng viên, Thượng tá Thái Thanh Xuân - Trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các chốt kiểm soát trong nội thành vẫn duy trì nhưng sẽ tổ chức hoạt động linh hoạt, không để tình trạng ùn tắc giao thông tại các chốt.

Việc đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 không chỉ tạo ra thách thức chính quyền địa phương, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... mà còn gây khó khăn nhất định cho người dân trong mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Điều này đòi hỏi ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh phải kịp thời đổi mới cách đưa thực phẩm vào khu dân cư trên địa bàn một cách hiệu quả hơn.

Theo một số đơn vị kinh doanh, mặc dù Tp. Hồ Chí Minh đã có kịch bản linh hoạt để giải quyết kịp thời tình huống phát sinh, khẩn cấp nhưng diễn biến dịch COVID-19 vừa nhanh vừa phức tạp nên không dễ kiểm soát trong thời gian ngắn. Điển hình, làn sóng dịch COVID-19 "tấn công" vào mạng lưới chợ truyền thống; trong đó có ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất Tp. Hồ Chí Minh đã gây nguy cơ đứt gẫy chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm nhập về thị trường.

Trên tổng số gần 250 chợ truyền thống trên địa bàn chỉ còn khoảng 60 chợ đang hoạt động. Người dân có thói quen đi chợ gặp khó trong tiếp cận hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Còn tại kênh phân phối hiện đại, ở thời điểm bình thường chỉ chiếm khoảng 30% thị phần nhưng thời gian qua đã phải "gánh vác" sức mua từ chợ truyền thống "đổ sang". Nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng đột biến do tâm lý dự trữ vì quan ngại dịch bệnh kéo dài.

Chú thích ảnh
Chợ dân sinh tại Tp. Hồ Chí Minh. Nguồn: TTXVN

Đồng hành cùng chính quyền Tp. Hồ Chí Minh, nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... phải đảm bảo biện pháp phòng chống dịch từ khâu sản xuất ra đến điểm bán lẻ và không để thiếu hụt nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Đây là nhiệm vụ "kép" mà các doanh nghiệp, đơn vị liên kết trong chuỗi cung ứng phải đáp ứng.

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... đã khẳng định là "cánh tay" nối dài của hàng Việt và đơn vị tiên phong trong bình ổn thị trường giá cả, mang lại những sản phẩm chất lượng phù hợp cho người dân. Các đơn vị này cũng giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa dù nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội nhưng hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm... luôn duy trì hoạt động xuyên suốt, nếu không liên quan đến ca nhiễm dịch COVID-19.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Vũ Nguyễn Diễm Thi, Giám đốc Marketing của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, hàng hóa không bao giờ thiếu nhưng nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... trên địa bàn cần sự phối hợp, hỗ trợ mua sắm tiêu dùng có trách nhiệm của từng người dân. Cụ thể, người dân nên mua sắm đúng nhu cầu tiêu dùng, tuân thủ hướng dẫn an toàn mua sắm tại điểm bán, mua sắm online... để giảm tải và thực hiện giãn cách xã hội.

Việc tuân thủ 5K tại điểm bán lẻ rất quan trọng bởi đây là phòng tuyến cung cấp lương thực, thực phẩm chính yếu đến tay người dân. Để giãn cách mua sắm, một số điểm bán lẻ thuộc hệ thống Saigon Co.op đã triển khai phát Phiếu mua hàng có hẹn giờ cho khách hàng ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Phiếu mua hàng có hẹn giờ được triển khai ở Co.opmart Chu Văn An, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh đã xóa cảnh người xếp hàng rồng rắn, bên trong có khoảng 30 khách hàng đang được xếp thành những hàng giữ khoảng cách với nhau ngồi chờ tới lượt để vào khu tự chọn. Chỉ cần có nhu cầu mua sắm thì bất kỳ người dân nào cũng có thể đến trước siêu thị để nhận Phiếu mua hàng có hẹn giờ. Khách hàng đến đúng giờ sẽ được siêu thị tạo điều kiện tối đa để mua sắm, tuy nhiên, không nên đến sớm hoặc trễ vì sẽ phải lấy phiếu lại từ đầu. Riêng một số khung giờ thấp điểm, ít khách, siêu thị sẽ linh động giải quyết cho khách vãng lai chưa có phiếu.

Chú thích ảnh
Nhân viên siêu thị giúp người dân đi chợ online. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Nhằm giảm bớt áp lực tại điểm bán lẻ của kênh phân phối hiện đại, AEON Việt Nam đã tổ chức mô hình xe bán hàng lưu động đến từng địa phương tại Tp. Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây. Nhờ đó, kịp thời cung cấp những mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thiết yếu, hỗ trợ người dân không có điều kiện đến trực tiếp mạng lưới chợ truyền thống và kênh bán lẻ hiện đại.

Mỗi ngày, vào 7 giờ sáng, xe lưu động đầu tiên của AEON Việt Nam sẽ đến những địa điểm có lộ trình trước và đã thông báo đến người dân trong khu dân cư, để cung ứng sản phẩm thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ, quả... Đặc biệt, với mô hình xe bán hàng lưu động nên có thể thay đổi từng ngày theo lộ trình bố trí của Sở Công Thương và UBND Thành phố Thủ Đức, quận, huyện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, một vài chợ tạm ngưng trên địa bàn thành phố sẽ được thí điểm bán thực phẩm tươi sống trở lại. Để triển khai mô hình này, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã có công văn hỏa tốc đến các địa phương về việc đơn vị quản lý chợ truyền thống đang tạm dừng hoạt động có thể lựa chọn vị trí, tổ chức điểm bán phù hợp tại khu vực chợ bảo đảm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Mặt khác, ngành công thương phối hợp cùng nhiều đơn vị liên quan đẩy mạnh mô hình bán hàng online và qua điện thoại, xe bán hàng lưu động, điểm bán hàng lưu động... trong khu dân cư. Thống kê cho thấy, Tp. Hồ Chí Minh đã có 153 điểm bán hàng lưu động với 172 lượt xe; trong đó, có nhiều điểm 2-3 xe tải vận chuyển hàng.

Điển hình như 68 điểm tại bưu cục của Viettel Post và 22 điểm của VN Post tại 18 quận, huyện đã cung cấp vài chục tấn hàng hóa đầu tiên. Một số doanh nghiệp như Ba Huân, San Hà và các nhà bán lẻ khác cũng mở 63 điểm để phân phối cho người dân.

Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ làm việc với các đơn vị liên quan mở thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động với đa dạng hình thức để phục vụ người dân. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... đã và đang xúc tiến tham gia bán hàng lưu động có thể kể đến như AEON Việt Nam, MM Mega Market, Central Retail, Saigon Co.op, B's Mart... - ông Phương cho hay.

Ghi nhận thị trường Tp. Hồ Chí Minh vào thời điểm này, với sự kịp thời đổi mới cách đưa thực phẩm vào khu dân cư của ngành công thương, cùng nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... đã góp phần bình ổn thị trường. Tại những điểm bán lẻ như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... không còn cảnh người dân xếp hàng dài, tập trung người chờ mua hàng nữa như những ngày trước đó mà hoạt động mua sắm đã thực hiện theo đúng Chỉ thị 16/CT-TTg.

Tại hệ thống GO!/ Big C và Tops Market tăng cường nhân viên hỗ trợ cho các điểm bán lẻ vận hành xuyên suốt và phục vụ đến 23 giờ hàng ngày. Các điểm bán lẻ này cũng đảm bảo khâu phòng chống dịch COVID-19 theo quy tắc 5K; thực hiện giãn cách và giữ khoảng cách an toàn tối thiếu tại khu vực tính tiền...

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm