Tình hình Nga - Ukraine ngày 24/3: NATO nhất trí củng cố lực lượng ở sườn phía Đông

24/03/2022 23:08 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cập nhật những thông tin mới nhất về những diễn biến trong quan hệ Nga-Ukraine. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

Tổng thống Vladimir Putin: Các nước phương Tây phong tỏa tài sản của Nga là trái luật

Tổng thống Vladimir Putin: Các nước phương Tây phong tỏa tài sản của Nga là trái luật

Theo hãng tin Sputnik, ngày 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng nhiều quốc gia phương Tây đã đưa ra quyết định "trái luật" nhằm đóng băng tài sản của Nga trong những tuần gần đây.

 

Đọc thêm các thông tin về tình hình Nga - Ukraine TẠI ĐÂY

 

(Tiếp tục cập nhật)

 

NATO nhất trí củng cố lực lượng ở sườn phía Đông - Gia hạn nhiệm kỳ của TTK J.Stoltenberg

Ngày 24/3, lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang nhóm họp tại Brussels đã nhất trí củng cố lực lượng ở sườn phía Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine.    

Tuyên bố chung của NATO cho biết khối quân sự này sẽ "bảo vệ an ninh của tất cả các đồng minh". Các nhà lãnh đạo NATO cũng đồng ý thành lập thêm 4 nhóm tác chiến ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia.   

tình hình ukraine, quan hệ nga ukraine, căng thẳng Nga Ukraine, nga & ukraine, căng thẳng Nga Mỹ, Nga và NATO, quan hệ nga châu âu, tình trạng khẩn cấp ở Ukraine
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 15/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden, đang trong chuyến công du châu Âu, đã ra tuyên bố xác nhận thông tin trên. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết các nhà lãnh đạo NATO sẽ xây dựng các kế hoạch tăng cường lực lượng trước hội nghị thượng đỉnh của khối dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới.    

Cùng ngày, NATO đã gia hạn nhiệm kỳ của Tổng Thư ký khối liên minh quân sự này, ông Jens Stoltenberg, thêm một năm cho đến ngày 30/9/2023. Trong thông báo trên Twitter, ông Stoltenberg cho biết NATO đoàn kết để duy trì liên minh vững mạnh và đảm bảo an toàn cho người dân trong bối cảnh "khủng hoảng an ninh lớn nhất ở thế hệ này".    

Nhiệm kỳ của ông Stoltenberg tại NATO dự kiến kết thúc vào ngày 1/10 tới, trước khi ông nhậm chức thống đốc ngân hàng trung ương tại quê nhà Na Uy vào cuối năm 2022.

NATO sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine

Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ngày 24/3 tại Brussels (Bỉ), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã đồng ý cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho Ukraine.     

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu với báo giới, người đứng đầu NATO nhấn mạnh liên minh quân sự sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt "chưa từng có" đối với Nga và đặc biệt sẽ tăng cường cơ chế phòng thủ. Các nhà lãnh đạo của khối đã phê duyệt việc triển khai các lực lượng dự bị ở Bulgaria, Romania, Slovakia, bên cạnh các nhóm binh sĩ đã được bố trí ở các nước Baltic và ở Ba Lan. Điều này nâng tổng số quân dự bị đa quốc gia của NATO, từ biển Baltic đến biển Đen, lên 8 nhóm. Ngoài các binh sĩ châu Âu, 100.000 binh sĩ Mỹ cũng được triển khai để hỗ trợ nỗ lực của NATO.     

tình hình ukraine, quan hệ nga ukraine, căng thẳng Nga Ukraine, nga & ukraine, căng thẳng Nga Mỹ, Nga và NATO, quan hệ nga châu âu, tình trạng khẩn cấp ở Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) trao đổi với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO Jens Stoltenberg tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 4/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thư ký NATO cho biết thêm các nhà lãnh đạo của khối đã nhất trí tăng cường hệ thống phòng thủ về lâu dài, để đối mặt với các mối đe dọa an ninh mới và để răn đe. Ngoài ra, NATO sẽ triển khai thêm lực lượng ở phía Đông của liên minh, đặc biệt là để đối phó với "các mối đe dọa nhanh chóng". Theo đó, NATO sẽ triển khai thêm nhiều máy bay và tăng cường khả năng phòng thủ đất đối không tích hợp, các nhóm tàu chiến, tàu ngầm với số lượng lớn cũng như các tàu chiến đấu sẽ sẵn sàng mọi lúc.      

Tổng Thư ký NATO cũng thông báo rằng các quốc gia đồng minh trong khối đã nhất trí mở rộng hỗ trợ cho Ukraine bằng cách trang bị cho quốc gia này các thiết bị quân sự đáng kể, bao gồm hệ thống phòng không, máy bay không người lái và hệ thống phòng không-xe tăng hiệu quả, cùng với hỗ trợ tài chính đáng kể. NATO cũng sẽ cung cấp cho Ukraine thiết bị bảo vệ chống lại các mối đe dọa hóa học, sinh học và hạt nhân, đồng thời cũng sẽ bảo vệ các lực lượng được triển khai ở sườn phía Đông trước những mối đe dọa này.   

Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh NATO sẽ không triển khai lực lượng ở Ukraine, mà thực hiện trách nhiệm đảm bảo xung đột không leo thang hơn nữa, gây thêm nguy hiểm và tàn phá.

Mỹ sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 người Ukraine sơ tán   

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Mỹ dự định tiếp nhận khoảng 100.000 người Ukraine sơ tán đến nước này.    

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden đang ở Brussels, Bỉ để gặp các nhà lãnh đạo châu Âu để thảo luận về các biện pháp phản ứng chung với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Các cơ chế tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine sang Mỹ có thể là thông qua chương trình nhập cư của Mỹ, chương trình thị thực thân nhân hoặc một quy chế tạm thời khác theo chính sách nhân đạo. Tuy nhiên, hiện không có thông tin chi tiết về các khâu chuẩn bị hậu cần và đi lại cho người sơ tán từ Ukraine sang Mỹ.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc một em nhỏ tại bệnh viện Nhi đồng ở thành phố Zaporizhzhia, Ukraine ngày 22/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Washington thông báo sẽ đẩy nhanh quy trình xét thị thực nhập cảnh cho những người Ukraine là thân thích của công dân Mỹ và cư dân nước này. Mỹ cũng tăng cường nhân lực để xử lý các hồ sơ nhân đạo, cho phép người nhập cảnh trong trường hợp khẩn cấp mà chưa có thị thực.

Mới đây, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan  cho biết Tổng thống Biden sẽ thông báo thêm những hình thức hỗ trợ nhân đạo của Mỹ trước tình hình dòng người sơ tán từ Ukraine ngày càng tăng.   

Cũng trong ngày 24/3, Liên hợp quốc thông báo gần 3,7 triệu người đã sơ tán từ Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này. Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), 3.674.952 người Ukraine đã sơ tán ra khỏi đất nước. Tổng cộng hơn 10 triệu người Ukraine đã sơ tán ra khỏi nơi sinh sống, trong đó có gần 6,5 triệu người di tản trong nước.

Theo UNHCR, trong số người sơ tán từ Ukraine ra nước ngoài, có 2.173.944 người sang Ba Lan. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ biên giới Ba Lan cho biết con số trên cao hơn, ở mức 2,2 triệu người. Từ Ba Lan, nhiều người Ukraine tiếp tục di chuyển sang các quốc gia khác ở Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Ukraine kêu gọi NATO hỗ trợ quân sự 'không giới hạn'   

Ngày 24/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ quân sự "không giới hạn cho Kiev" trong bối cảnh tròn một tháng kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.   

Trong video gửi tới các đại diện của NATO, Tổng thống Ukraine cho biết nước này cần được hỗ trợ quân sự không giới hạn. Dù cảm ơn các nước NATO đã hỗ trợ các trang thiết bị phòng thủ trong những tuần qua nhưng Tổng thống Zelensky đề nghị NATO gửi thêm cho nước này vũ khí tấn công, cụ thể là 1% tổng số máy bay chiến đấu, 1% tổng số xe tăng của NATO.  

tình hình ukraine, quan hệ nga ukraine, căng thẳng Nga Ukraine, nga & ukraine, căng thẳng Nga Mỹ, Nga và NATO, quan hệ nga châu âu, tình trạng khẩn cấp ở Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Kiev ngày 20/3/20222. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cùng ngày, trong bài phát biểu được ghi hình gửi tới các nghị sĩ Thụy Điển, ông Zelensky cho rằng Ukraine đang chiến đấu vì an ninh của toàn châu Âu, do đó nên được trở thành một thành viên chính thức của Liên minh châu Âu (EU). Trong bài phát biểu, ông Zelensky nhấn mạnh đã đến lúc EU đưa ra quyết định kết nạp Ukraine, đồng thời bày tỏ tin tưởng Thụy Điển sẽ ủng hộ điều này.   

Các đồng minh phương Tây đã cung cấp nhiều vũ khí và tài trợ nhiều tỷ USD cho lực lượng quốc phòng Ukraine. Trong ngày 24/3, NATO, EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng tổ chức các cuộc họp để thảo luận về phản ứng chung đối với tình hình xung đột Nga-Ukraine.

Anh bổ sung các cá nhân và thực thể Nga vào danh sách trừng phạt   

Ngày 24/3, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang đánh giá các kịch bản, trong đó có việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga vào mùa Đông tới. Đây là một phần trong kế hoạch dự phòng cho tình huống gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga.   

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, ông Dombrovskis nêu rõ EU đang đánh giá lại các kịch bản gián đoạn toàn bộ hoặc một phần nguồn cung khí đốt từ Nga vào mùa Đông tới nhằm giúp các nước thành viên điều chỉnh các kế hoạch dự phòng nguồn cung khí đốt.    

Cùng ngày, Chính phủ Anh đã áp đặt lệnh trừng phạt thêm 59 cá nhân và thực thể Nga cùng với 6 thực thể Belarus do liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.   

Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Anh, tổng cộng 65 cá nhân cùng thực thể Nga và Belarus vừa bị đưa vào danh sách trừng phạt tài chính và bị đóng băng tài sản. Trong đó, Anh quyết định đóng băng tài sản của công ty khai thác kim cương Alrosa và tập đoàn Wagner của Nga, cũng như Polina Kovaleva – con của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, và ông Guerman Gref - Giám đốc điều hành ngân hàng nhà nước Sberbank.      

Trong một động thái tương tự, Ba Lan phong tỏa tài khoản ngân hàng của đại sứ quán Nga tại thủ đô Vácsava.

Nga và Ukraine thỏa thuận thiết lập 7 hành lang nhân đạo

Ngày 24/3, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận với Nga về việc thiết lập 7 hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các thị trấn và thành phố của Ukraine.   

Theo bà Vereshchuk, với thỏa thuận trên, những dân thường Ukraine muốn sơ tán khỏi thành phố Mariupol có thể tìm kiếm phương tiện di chuyển tại thành phố Berdyansk ở gần đó.   

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi các bên xung đột tại Ukraine nỗ lực hơn nữa để thiết lập một lệnh ngừng bắn, đồng thời cam kết tiếp tục các hoạt động "hòa giải và tạo thuận lợi" giữa Nga và Ukraine.  

Chú thích ảnh
Người tị nạn Ukraine sơ tán sang Medyka, miền Đông Ba Lan ngày 9/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Lời kêu gọi được đưa ra sau một cuộc họp kéo dài gần 4 giờ tại thủ đô Ankara do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chủ trì hôm 23/3, diễn ra một ngày trước thềm hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ). Theo Hội đồng An ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MGK), nước này sẽ tiếp tục thực thi trách nhiệm của mình để mang lại nền hòa bình cho khu vực. Cơ quan trên nhấn mạnh các nỗ lực nhằm thiết lập một lệnh ngừng bắn ở Ukraine sớm nhất có thể cũng như giải quyết những bất đồng giữa Nga và Ukraine cần phải được tăng cường.    

Đầu tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp ngoại trưởng của Ukraine và Nga. Đây là những cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa những người đứng đầu ngành ngoại giao của hai nước kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.   

Thổ Nhĩ Kỳ- quốc gia thành viên NATO chia sẻ đường biên giới trên biển với Ukraine và Nga - đều duy trì quan hệ song phương tốt đẹp với cả hai nước. Mặc dù ủng hộ Kiev, Ankara phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva và tích cực thực hiện các nỗ lực hòa giải.

Nga hạn chế quyền truy cập dịch vụ tin tức Google News    

Cơ quan liên bang về giám sát trong lĩnh vực thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và truyền thông Nga (Roskomnadzor) đã hạn chế việc tiếp cận dịch vụ Google News, cho rằng dịch này đã cung cấp thông tin "sai lệch" về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.    

Theo tuyên bố của Roskomnadzor, quyết định trên được đưa ra theo đề nghị của Văn phòng Tổng công tố Nga. Tuyên bố nêu rõ dịch vụ tin tức trực tuyến này đã cho người dùng "tiếp cận một loạt ấn phẩm và tài liệu có chứa thông tin sai lệch... về chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.   

tình hình ukraine, quan hệ nga ukraine, căng thẳng Nga Ukraine, nga & ukraine, căng thẳng Nga Mỹ, Nga và NATO, quan hệ nga châu âu, tình trạng khẩn cấp ở Ukraine
Nga hạn chế quyền truy cập dịch vụ tin tức Google News    

Tuần trước, Roskomnadzor cũng đã cáo buộc Google và nền tảng chia sẻ video YouTube có các hoạt động "khủng bố" - bước đầu tiên hướng tới việc có thể ngăn chặn việc tiếp cận 2 dịch vụ này.    

Trong khi đó, cùng ngày Google thông báo sẽ không hỗ trợ các website, ứng dụng và các kênh YouTube bán quảng cáo bên cạnh các nội dung kích động bạo lực và bác bỏ các sự kiện mang tính bi thảm. Google cho biết sẽ áp dụng các chính sách này đối với các cuộc xung đột.

Đại Hội đồng IPU kêu gọi ngoại giao nghị viện nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 23/3, Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 144 diễn ra tại Bali, Indonesia, đã nhất trí thông qua “Nghị quyết hòa bình về cuộc xung đột tại Ukraine, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và toàn vẹn lãnh thổ”.   

Nghị quyết ghi nhận lo ngại rằng cuộc xung đột tại Ukraine đang đe dọa an ninh toàn cầu với những bất ổn kinh tế tiềm ẩn trong tương lai, đồng thời kêu gọi tất cả các nghị viện thành viên IPU hỗ trợ các nỗ lực giảm leo thang căng thẳng.       

Nghị quyết kêu gọi các nghị sĩ Nga và Ukraine “thúc đẩy các sáng kiến nhằm chấm dứt các hành động thù địch và giải quyết mâu thuẫn thông qua các biện pháp ngoại giao, hòa bình”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh IPU như một nền tảng tiềm năng nhằm thúc đẩy hòa bình thông qua các cơ chế như Nhóm chuyên trách của IPU quy tụ các nghị sĩ đại diện cho các nhóm địa chính trị khác nhau tại IPU.   

tình hình ukraine, quan hệ nga ukraine, căng thẳng Nga Ukraine, nga & ukraine, căng thẳng Nga Mỹ, Nga và NATO, quan hệ nga châu âu, tình trạng khẩn cấp ở Ukraine
Người Ukraine sơ tán tránh xung đột tới Medyka, Ba Lan ngày 26/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Cuối cùng, nghị quyết kêu gọi các nghị viện thành viên IPU tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo cho những người buộc chạy trốn khỏi cuộc xung đột này; đảm bảo sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ vào các cuộc đối thoại hòa bình giữa nghị sĩ hai nước.       

Trước đó tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng nghị quyết chưa phản ánh khách quan, thông tin một chiều cần được kiểm chứng và trong lịch sử IPU chưa có tiền lệ ra nghị quyết lên án một bên trong các cuộc xung đột; IPU luôn giữ vai trò trung gian hòa giải, thúc đẩy hòa bình, hợp tác trên thế giới. Mặt khác, nhiều ý kiến cũng kêu gọi IPU phát huy vai trò thúc đẩy đối thoại vì các giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.     

Về phần mình, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tái khẳng định rằng hòa bình và hợp tác luôn là ưu tiên hàng đầu và mục tiêu của Việt Nam; cũng là tôn chỉ, mục đích cao cả của IPU ngay từ những ngày đầu thành lập cách đây 133 năm. Đoàn Việt Nam nhấn mạnh mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, bình đẳng chủ quyền, tôn trọng độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.   

Trên cơ sở đó, Việt Nam rất lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine. Việt Nam kêu gọi cần kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất; giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh. Việt Nam cũng ghi nhận những nỗ lực đàm phán giữa các bên và mong rằng các bên bảo vệ an toàn, an ninh của người dân, cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.

Nga muốn các quốc gia "không thân thiện" thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/3 cho biết Nga muốn các quốc gia "không thân thiện" thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble và giá khí đốt tại châu Âu đã tăng mạnh do lo ngại động thái này sẽ khiến khủng hoảng năng lượng tại khu vực này xấu thêm. 

Các nước châu Âu và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine (U-crai-na) vào ngày 24/2.

Tuy nhiên, châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga cho nhu cầu sưởi ấm và sản xuất điện và Liên minh châu Âu (EU) đang bất đồng về việc có trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga hay không.

Thông điệp của Tổng thống Nga rõ ràng là: Nếu bạn muốn mua khí đốt của Nga, bạn sẽ phải mua bằng đồng tiền của Nga. Hiện vẫn chưa rõ Nga có quyền sửa đổi các hợp đồng hiện hành được thanh toán bằng đồng euro hay không.

tình hình ukraine, quan hệ nga ukraine, căng thẳng Nga Ukraine, nga & ukraine, căng thẳng Nga Mỹ, Nga và NATO, quan hệ nga châu âu, tình trạng khẩn cấp ở Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp ở Moskva ngày 24/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng ruble tăng vọt sau thông báo trên, lên mức cao nhất trong ba tuần, vượt mức 95 ruble/USD. Đà tăng của đồng tiền này sau đó đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức dưới 100 ruble/USD, chốt phiên ở mức 97,7 ruble/USD, giảm hơn 22% kể từ ngày 24/2.

Giá bán buôn khí đốt tại một số nước châu Âu tăng tới 30% trong phiên 23/3. 

Khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% tổng mức tiêu thụ của châu Âu. Lượng khí đốt mà EU nhập khẩu của Nga năm nay có giá trị dao động trong khoảng 200-800 triệu euro (220-880 triệu USD)/ngày.

Phát biểu trong cuộc họp với các bộ trưởng chính phủ, ông Putin khẳng định Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên với khối lượng và mức giá được ấn định trong các hợp đồng đã ký trước đó. 

Ông nói những điều chỉnh chỉ là việc đồng ruble sẽ được dùng để thanh toán.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã cho rằng yêu cầu của ông Putin là vi phạm hợp đồng và các khách hàng khác của Nga cũng đồng tình với quan điểm này.

Theo một nguồn tin từ Chính phủ Ba Lan, điều đó vi phạm các quy định về thanh toán được nêu trong các hợp đồng hiện hành và Ba Lan không có ý định ký các hợp đồng mới với Gazprom sau khi thỏa thuận hiện nay kết thúc vào cuối năm nay.

Một người phát ngôn của nhà cung cấp khí đốt Eneco của Hà Lan, công ty mua 15% lượng khí đốt cung cấp từ  chi nhánh tại Đức của Gazprom là Wingas GmbH, cho biết công ty có hợp đồng dài hạn bằng đồng euro và khó có thể đồng ý thay đổi các điều khoản.

Theo Gazprom, 58% doanh thu từ khí đốt tự nhiên của công ty là từ châu Âu và các nước khác tính đến ngày 27/2 là bằng đồng euro.

WHO quan ngại tình hình khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 23/3 nhận định cuộc khủng hoảng nhân đạo bùng phát do tình trạng xung đột kéo dài 1 tháng qua ở Ukraine đến nay mới chỉ là "phần nổi của tảng băng trôi".   

Phát biểu họp báo, ông Michael Ryan - Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, khẳng định cần phải có sự hỗ trợ lớn hơn nữa cho Ukraine trong những tuần tới, bởi ông chưa từng ghi nhận nhu cầu nhân đạo phức tạp trong cuộc khủng hoảng phát triển nhanh chóng đến vậy. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi các bên ngừng tấn công vào các cơ sở chăm sóc y tế.   

tình hình ukraine, quan hệ nga ukraine, căng thẳng Nga Ukraine, nga & ukraine, căng thẳng Nga Mỹ, Nga và NATO, quan hệ nga châu âu, tình trạng khẩn cấp ở Ukraine
Người dân Ukraine sơ tán tránh xung đột được đưa đến một nhà ga đường sắt tại cửa khẩu Medyka, Ba Lan, ngày 7/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng theo ông Ryan, đến nay đã có 3,6 triệu người Ukraine phải rời bỏ đất nước, trong khi 6,5 triệu người khác phải sơ tán ở trong nước cùng 12 triệu người khác bị ảnh hưởng bởi xung đột -  tương đương gần một nửa dân số Ukraine đang chịu tác động. Đáng chú ý, trong số gần 7 triệu người phải sơ tán trong nước, 1/3 có vấn đề y tế mãn tính.

Theo WHO, khoảng một nửa số cửa hàng thuốc ở Ukraine có thể đã phải đóng cửa. Xung đột cũng ảnh hưởng đến chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và các chương trình tiêm chủng khác ở Ukraine.   

Đến nay WHO mới chỉ nhận được 9,6 triệu USD trong số 57,5 triệu USD cần thiết cho hoạt động nhân đạo 3 tháng tới ở Ukraine.   

Cũng tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này quan ngại về sự an toàn của các cơ sở hạt nhân và hóa chất ở Ukraine, hối thúc các bên liên quan giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra sự cố thảm họa

HĐBA LHQ không thông qua nghị quyết về Ukraine

Ngày 23/3, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) gồm 15 thành viên đã không thể thông qua được một nghị quyết về tình hình nhân đạo ở Ukraine khi chỉ Nga và Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ, trong khi 13 thành viên còn lại bỏ phiếu trắng. Do vậy nghị quyết do Nga đệ trình đã bị bác bỏ.        

Dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất về việc tiếp cận viện trợ và bảo vệ thường dân ở Ukraine, nhưng không đề cập đến vai trò của Moskva trong cuộc xung đột ở Ukraine.   

Chú thích ảnh
Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình Ukraine, tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo quy định, một nghị quyết của HĐBA LHQ để được thông qua cần phải được ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống của các nước giữ ghế Ủy viên thường trực HĐBA LHQ, gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Mỹ.         

Anh Tuấn/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm