Tiếp tục điều chỉnh tinh giản nội dung dạy học trực tuyến

06/09/2021 21:46 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Thông tin được ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Năm học mới trong đại dịch", do Báo Người Lao động tổ chức chiều 6/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ khai giảng năm học 2021-2022 trực tuyến ở Hà Nội và các tỉnh, thành

Lễ khai giảng năm học 2021-2022 trực tuyến ở Hà Nội và các tỉnh, thành

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên Hà Nội tổ chức một lễ khai giảng chung cho hơn 2,1 triệu học sinh trên toàn thành phố.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, việc tổ chức dạy học trực tuyến đảm bảo chất lượng, không quá tải là một yêu cầu đặt ra. Bộ đã có văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến trên internet và truyền hình; đồng thời có kế hoạch tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế hiện nay.

Cụ thể, các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo hướng tăng cường để học sinh tự học nhiều hơn; thầy, cô chuẩn bị bài, giao bài học sinh qua zalo, thư điện tử, nhắn tin…, học sinh phải có sự chuẩn bị bài, đọc sách giáo khoa trước khi tham gia học. Giờ học trực tuyến tương tác hướng tới trao đổi, giải đáp những vấn đề học sinh còn đang vướng mắc, giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình tương tác online. Bộ đã giao cho Vụ biên soạn tài liệu này, trong thời gian tới sẽ gửi các thầy, cô để tổ chức các giờ học trực tuyến nhẹ nhàng, hiệu quả, học sinh có thể tự chủ trong giờ học.

Năm học 2021-2022, học sinh lớp 2, lớp 6 học chương trình, sách giáo khoa mới với những thay đổi về nội dung, phương pháp dạy học. Ông Nguyễn Xuân Thành nhận định, khi thực hiện chương trình mới, sẽ có những khó khăn nhất định, nhất là khi tổ chức học trực tuyến. Nếu như trước đây, giáo viên dạy kiến thức mang tính cung cấp cái có sẵn, thì khi thực hiện chương trình mới theo hướng phát triển năng lực, giáo viên giao cho học sinh tự tìm hiểu kiến thức bằng hoạt động kiến tạo, khám phá. Điều này đòi hỏi các thầy, cô nỗ lực hơn trong thiết kế, tổ chức bài giảng.

Chú thích ảnh
Học sinh Hà Nội ngày đầu học trực tuyến

Là địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, việc triển khai năm học mới tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, học sinh thành phố phải khởi đầu năm học mới trên môi trường internet, việc tổ chức dạy và học trên internet cũng được xác định sẽ kéo dài hết học kỳ I. Riêng bậc mầm non, các em sẽ trở lại trường khi dịch được kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, việc bắt đầu năm học mới trên môi trường internet sẽ có nhiều khó khăn, khi đây là thời điểm các em làm quen trường, lớp mới, do đó, thành phố thực hiện theo từng giai đoạn. Cụ thể, bậc Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông đã có kinh nghiệm, kỹ năng học trực tuyến nên thực hiện theo khung thời gian chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính thức học chương trình năm học mới từ ngày 6/9. Ở bậc Tiểu học, do lớp 1, lớp 2 vừa học sách mới, lại học trực tuyến nên sẽ khó khăn. Do đó, các trường sẽ tổ chức lớp trong 2 tuần đầu để hướng dẫn các em phương pháp học, hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ các em học tập. Đến ngày 20/9, các em mới chính thức học chương trình năm học mới. Nội dung chương trình giảng dạy cũng được xây dựng tập trung, tinh gọn với mục tiêu đặt ra cơ bản nhất để học sinh không áp lực.

Dù triển khai nhiều giải pháp nhưng qua thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có khoảng 77.000 học sinh khó khăn, không có điều kiện học tập trên internet như khó khăn về đường truyền, thiết bị, không có phụ huynh kèm cặp… Trong số đó, phần lớn là học sinh bậc Tiểu học. Ngành Giáo dục thành phố đã triển khai các giải pháp như vận động trao tặng thiết bị điện tử, làm việc với các đơn vị cung ứng đường truyền… để hỗ trợ các em. Nếu học sinh vẫn không thể tiếp cận việc học trực tuyến, giáo viên sẽ xây dựng phiếu học tập, giao bài; học qua truyền hình.

Bên cạnh những khó khăn trong triển khai dạy học trực tuyến, ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong việc phân phối, cung ứng sách giáo khoa đến học sinh. Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia sẻ, do tình hình vận chuyển ở nhiều địa phương khó khăn nên nhiều học sinh vẫn chưa tiếp cận sách giáo khoa bản giấy. Từ nhu cầu thực tế, Nhà xuất bản đã đưa toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 bản mềm lên trang hanhtrangso để học sinh, giáo viên sử dụng miễn phí, đồng thời cung cấp cả phiên bản điện tử của sách bài tập, sách giáo viên. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tùng, hiện trên nhiều trang web, mạng xã hội có đăng tải đường link các phiên bản điện tử sách giáo khoa. Trong đó, cũng có những đường link trôi nổi, có cả những bản in thử, những phiên bản không kiểm soát được nội dung nên không đảm bảo đúng sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Vì thế, phụ huynh, học sinh nên thận trọng khi sử dụng những bản này, bởi sách giáo khoa còn liên quan đến kiến thức lãnh thổ, bản đồ, nếu không chính xác thì hậu quả sẽ nghiêm trọng... Mặt khác, việc đăng tải chưa có sự cho phép của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng là sự vi phạm bản quyền đối với sách của Nhà xuất bản.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm