THEO DÒNG THỜI SỰ: Để tránh rơi vào thế bị động

02/07/2022 16:03 GMT+7 | Tin tức 24h

Các làn sóng dịch COVID-19 đang trở lại nhiều nước trên thế giới khi số ca mắc mới bắt đầu tăng lên những mức cao chưa từng thấy trong nhiều tháng. Có nhiều yếu tố kết hợp để lý giải cho xu hướng này: Hiện hầu hết các nước đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế phòng dịch, tích cực thúc đẩy khôi phục và phát triển hoạt động kinh tế-xã hội.

Biến thể mới lây lan chóng mặt, Pháp ghi nhận 124.724 ca mắc Covid-19 trong ngày

Biến thể mới lây lan chóng mặt, Pháp ghi nhận 124.724 ca mắc Covid-19 trong ngày

Ông Jean-Francois Delfraissy, cố vấn khoa học hàng đầu của Chính phủ Pháp nhận định làn sóng lây nhiễm mới dịch Covid-19 tại nước này, chủ yếu do sự xuất hiện và lây lan của các biến thể mới, có thể đạt đỉnh vào cuối tháng 7 tới.

Trong khi virus chưa hoàn toàn biến mất mà vẫn tiếp tục biến đổi, khả năng miễn dịch có được nhờ tiêm phòng trong cộng đồng giảm dần theo thời gian nhưng tỷ lệ đăng ký tiêm các mũi tăng cường ở mức thấp.   

Cuộc sống bình thường đã quay trở lại nhiều nơi, song nguy cơ bùng phát dịch vẫn thường trực do những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Campuchia ghi nhận các ca mắc mới sau 51 ngày liên tục không có ca nào, trong khi Singapore không loại trừ khả năng phải thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách do số ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gia tăng. Tại Nhật Bản, các chuyên gia quan ngại về xu hướng tiếp xúc đông người tăng lên trong kỳ nghỉ Hè sẽ thúc đẩy làn sóng dịch mới. Israel ngày 27/6 thông báo ghi nhận 11.483 ca mắc mới, cao nhất kể từ ngày 30/3.

Giới chức y tế tại thủ đô Canberra của Australia đã cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm mới khi số ca mắc tăng trở lại. Tại châu Âu, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo gây ra khoảng 50% số ca mắc mới COVID-19 ở Đức. BA.5, cùng với "người anh em" BA.4 cũng "hoành hành" tại Anh, nơi các mô hình dự báo tình hình dịch bệnh cho thấy số ca mắc mới tăng khoảng 80% trong 3 tuần gần nhất. Số ca mắc ở châu Âu đã tăng gấp 3 lần trong tháng qua, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình hình lây nhiễm COVID-19 tại châu Âu sẽ ở “mức cao” trong mùa Hè năm nay.         

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm người nhiễm COVID-19 tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Các dòng phụ BA.4 và BA.5 đều được cho là lây lan nhanh hơn các dòng phụ gây bệnh chủ đạo trong làn sóng trước. Câu hỏi quan trọng nhất đặt ra lúc này là liệu làn sóng dịch mới sẽ kéo dài bao lâu, hậu quả ra sao. Trên thực tế, các nước đã trải qua làn sóng dịch do BA.4 và BA.5 gây ra như Nam Phi và Bồ Đào Nha đến nay đều đã vượt qua đỉnh dịch mà không gặp nhiều sóng gió, nhưng giới chuyên gia khuyến cáo có 2 lý do khiến các nước phải thận trọng. Thứ nhất, hơn 2 năm dịch bệnh hoành hành đã khiến hệ thống y tế quốc gia ở nhiều nước dần cạn kiệt nhân lực, vật lực và cần thời gian để củng cố và hồi phục, trong khi COVID-19 không phải dịch bệnh duy nhất cần đề phòng trong mùa Hè. Thứ hai, thế giới đến nay vẫn chưa đánh giá hết hậu quả và chi phí y tế đi kèm với hội chứng COVID kéo dài.         

Các chuyên gia đều nhất trí rằng việc khuyến khích người dân đi tiêm phòng mũi tăng cường, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như người già và trẻ em, là biện pháp cốt yếu để có thể tránh những hậu quả đáng tiếc. Theo chuyên gia nghiên cứu cấp cao Colin Angus từ Đại học Sheffield (Anh), việc triển khai tiêm phòng các mũi cơ bản cho người dân đã tạo ra “một bức tường chắn sóng” hiệu quả ở những làn sóng dịch bệnh trước, giúp ngăn ngừa được gần 20 triệu ca tử vong trên toàn thế giới trong năm đầu tiên sau khi có vaccine.

Tuy nhiên, do miễn dịch giảm dần theo thời gian và thực tế rằng các biến thể mới thường có khả năng né tránh miễn dịch tốt hơn những biến thể tiền nhiệm, nên bức tường trên đã không còn kiên cố như trước. Giáo sư Ali Mokdad, phụ trách nghiên cứu chiến lược y tế cộng đồng tại Đại học Washington (Mỹ), cho rằng không có gì đảm bảo virus SARS-CoV-2 sẽ dừng biến đổi sau biến thể Omicron khi virus vẫn không ngừng lây lan và không thể dự đoán tương lai các biến thể sẽ gây bệnh đến mức độ nào. Chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm tại Đại học Buffalo (Mỹ) Thomas Russo đánh giá dù yếu tố biến đổi của virus là khó lường nhưng đến nay vaccine vẫn được coi là công cụ quan trọng trong bộ công cụ nhằm chấm dứt đại dịch.     

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trên thực tế, các chính phủ trên thế giới vẫn coi chương trình tiêm phòng là một phần quan trọng trong chiến lược phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã kêu gọi người dân cẩn trọng tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế và khẩn trương đi tiêm mũi vaccine tăng cường. Singapore cũng kêu gọi những người cao tuổi sớm tiêm mũi tăng cường thứ hai (mũi 4) sau 5 tháng kể từ khi tiêm mũi tăng cường thứ nhất.

Các chuyên gia Nhật Bản khuyến cáo tiếp tục thúc đẩy tiêm chủng vaccine mũi bổ sung để phòng ngừa nguy cơ biến chứng nặng ở những người cao tuổi. Trong khi đó, Chính phủ Anh cũng được các chuyên gia khuyến nghị nên tiến hành chiến dịch tiêm phòng tăng cường vào mùa Thu, tiêm mũi 4 cho những người trên 65 tuổi và sớm xem xét việc tiêm mũi 4 cho nhóm ít tuổi hơn.         

Đặc biệt, tiêm phòng cho nhóm trẻ nhỏ, vốn đang là nhóm nguy cơ làm lây lan virus, được coi là một yếu tố giúp thay đổi cục diện. Việc Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cấp phép tiêm vaccine cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi được các chuyên gia đánh giá có thể là bước đi quyết định. Ông Andrew Noymer, Giáo sư y tế cộng đồng và phòng dịch tại Đại học California (Mỹ) khẳng định việc tiêm phòng vaccine cho trẻ nhỏ chính là điều sẽ tạo nên bước ngoặt trong cuộc chiến nhằm đẩy lùi dịch bệnh mà người dân Mỹ đã mong chờ từ nhiều tháng qua.

Nhiều bậc cha mẹ có thể lo lắng khi quyết định cho con đi tiêm phòng COVID-19, nhưng các chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm tại Mỹ tin rằng việc không cho con đi tiêm phòng còn gây hại hơn. Các số liệu thống kê của CDC chỉ ra có tới gần 90% các ca nhập viện vì COVID-19 ở trẻ từ 5-11 tuổi trong làn sóng dịch do Omicron gây ra ở Mỹ hồi tháng 12/2021 là chưa tiêm phòng.         

Tại Việt Nam, hiện BA.2 là biến thể phụ gây bệnh chủ yếu với biểu hiện lâm sàng nhẹ, tuy nhiên dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron dù mới xâm nhập nhưng có nguy cơ trở nên áp đảo. Bộ Y tế Việt Nam khuyến nghị việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vacccine phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến thể mới.   

Chẳng ai có thể đảm bảo sau làn sóng dịch hiện nay sẽ không còn các làn sóng mới hoặc ít nghiêm trọng hơn, nếu như người dân không thận trọng trang bị những vũ khí bảo vệ chính mình và xã hội. Theo chuyên gia Colin Angus, việc các nước đã chấm dứt hầu hết các chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng cũng như các biện pháp phòng dịch càng làm gia tăng nguy cơ đợt dịch ập đến khi thế giới chưa có sự chuẩn bị tốt.

Trong khi đó, chuyên gia Thomas Russo nhấn mạnh virus sẽ không biến mất và có thể sẽ còn tiếp tục lưu hành trong nhiều năm, nếu không nói là mãi mãi. Vì thế, tỷ lệ dân số được tiêm phòng sẽ phần nào quyết định những thiệt hại mà dịch bệnh gây ra. Nói cách khác, việc tiêm vaccine phòng bệnh chẳng những là biện pháp hiệu quả nhất, mà còn giúp tạo bước ngoặt nhằm giành thế chủ động trong cuộc chiến đẩy lùi COVID-19 của toàn thế giới.

Lê Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm