Thế 'tiến thoái lưỡng nan' của Mỹ ở Afghanistan

14/04/2021 21:38 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11/9/2021, đúng 20 năm sau vụ tấn công khủng bố của Al-Qaeda châm ngòi cho cuộc chiến kéo dài của Mỹ tại quốc gia này.

Nga hồi đáp đề xuất của Mỹ về cuộc gặp giữa hai tổng thống

Nga hồi đáp đề xuất của Mỹ về cuộc gặp giữa hai tổng thống

Ngày 14/4, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết Điện Kremlin sẽ cân nhắc đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Theo các nguồn tin, hoạt động rút quân sẽ dựa trên những đảm bảo cụ thể về an ninh và nhân quyền, trước khi chính thức hóa quyết định. Trước đó, chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump đã nhất trí với lực lượng Taliban sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 1/5/2021.

Joe Biden, Mỹ, Afghanistan, Mỹ rút quân, khủng bố, Al-Qaeda, Donald Trump, Taliban
Binh sỹ Mỹ tại căn cứ quân sự Shorab ở tỉnh Helmand, Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiến trình hòa bình Afghanistan vốn đã rơi vào bế tắc khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại thủ đô Doha của Qatar bị đình trệ. Mỹ chủ trương thúc đẩy các cuộc đàm phán này với mong muốn hai bên đạt được một số thỏa thuận chia sẻ quyền lực trước thời điểm 2.500 binh sĩ cuối cùng của quân đội Mỹ phải rời khỏi Afghanistan. Thế nhưng, Washington đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi đã gần đến ngày 1/5 nhưng phía Taliban không hề có dấu hiệu chấm dứt bạo lực tại Afghanistan. Taliban hồi tháng 3 vừa qua đã bác đề xuất của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani về tổ chức bầu cử trong năm nay, đồng thời đe dọa tiếp tục tiến hành các hành động thù địch đối với các binh sĩ nước ngoài tại Afghanistan nếu lực lượng nước ngoài không hoàn thành mục tiêu trước hạn chót 1/5.

Mỹ hiện chi khoảng 4 tỷ USD mỗi năm để duy trì Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan chống lại Taliban và tiêu diệt các mạng lưới khủng bố Al-Qaeda còn sót lại ở nước này. Mỹ đã chi hơn 1 nghìn tỷ USD cho Afghanistan kể từ lần đầu tiên can dự quân sự vào nước này sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 của Al-Qaeda nhằm vào Mỹ.

Nhóm nghiên cứu về Afghanistan của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ cho rằng: "Việc rút quân sẽ không chỉ khiến nước Mỹ dễ bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa khủng bố, mà còn gây ra những tác động thảm khốc ở Afghanistan và khu vực". Trong khi đó, đồng Chủ tịch của Nhóm nghiên cứu về Afghanistan, Tướng Joseph Dunford đã nghỉ hưu, cựu Chỉ huy lực lượng Mỹ ở Afghanistan và là cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, khuyến nghị Tổng thống Biden tốt hơn hết là đạt được một số thỏa thuận với Taliban trước khi rút quân khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, các cựu quan chức quân đội Mỹ cũng cho rằng nếu quân đội Mỹ tiếp tục ở lại thì Afghanistan sẽ trở thành cuộc chiến của ông Biden và việc hoãn rút quân có nguy cơ khiến Taliban tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào các lực lượng Mỹ và liên quân, có thể làm leo thang chiến tranh. 

Chính quyền của Tổng thống Biden đã đưa ra đề xuất gồm bốn bước mà Mỹ cho rằng sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình hòa bình bị trì hoãn lâu nay tại Afghanistan.

Joe Biden, Mỹ, Afghanistan, Mỹ rút quân, khủng bố, Al-Qaeda, Donald Trump, Taliban
Không ngày nào là không có đánh bom xe, tấn công lực lượng chính phủ hoặc ám sát có chủ đích ở Afghanistan. Ảnh: AFP

Bước đầu tiên là Liên hợp quốc cần triệu tập một cuộc họp ngoại trưởng các nước (trong đó có Nga, Trung Quốc, Pakistan, Iran, Ấn Độ và Mỹ) để thảo luận về một cách tiếp cận chung hướng tới ủng hộ hòa bình.

Bước thứ hai là một dự thảo thỏa thuận hòa bình, qua đó cho phép chính quyền Kabul và lực lượng Taliban khởi động các cuộc thảo luận xung quanh việc phát triển Hiến pháp và chính phủ tương lai cũng như các điều khoản ngừng bắn.

Bước thứ ba là tổ chức cuộc họp cấp cao giữa Kabul với lực lượng Taliban tại Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia Hồi giáo chiếm đa số, là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là nước tài trợ đáng kể cho Afghanistan - để hoàn tất thỏa thuận hòa bình.

Bước thứ tư là một đề xuất nhằm "giảm bạo lực" trong vòng 90 ngày, đồng nghĩa với việc Taliban giảm hành động thù địch và lực lượng Afghanistan cũng xuống thang.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch bốn bước nói trên phản ánh việc Mỹ cấp bách tìm lối thoát cho cuộc chiến ở Afghanistan. Liệu đề xuất của Mỹ có thể thành công hay không trong bối cảnh mâu thuẫn nội bộ sâu sắc trong chính quyền Afghanistan, sự bất đồng giữa Kabul và Taliban về ý tưởng điều hành đất nước, cũng như những xung đột lợi ích của các nước trong khu vực và nỗ lực rút quân từ phía Mỹ… vẫn là một dấu hỏi lớn.

Minh Trà (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm