Thế giới đã có tổng cộng 339.014.774 ca mắc Covid-19 vàhơn 5.582.600 ca tử vong

20/01/2022 10:30 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 20/1 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 339.014.774 ca mắc COVID-19 và 5.582.617 ca tử vong. Số ca hồi phục là 272.629.947 ca.    

WHO nhận định phải mất thời gian dài nữa đại dịch Covid-19 mới có thể kết thúc

WHO nhận định phải mất thời gian dài nữa đại dịch Covid-19 mới có thể kết thúc

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 19/1, thế giới ghi nhận tổng cộng 335.867.477 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.575.756 ca tử vong.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với  69.639.259ca mắc và 880.323 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nước này dường như đang bước qua đỉnh của làn sóng COVID-19 mới nhất do biến thể Omicron, mặc dù số ca bệnh mới vẫn cao hơn nhiều so với bất kỳ làn sóng dịch nào trước đó và số người nhập viện do COVID-19 cũng đang ở mức cao nhất.

Dữ liệu của CDC được thống kê bằng một công cụ theo dõi chính thức trong 7 ngày cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ đã lên tới đỉnh điểm vào ngày 13/1 vừa qua với 795.000 người. Biểu đồ số ca mắc mới tăng nhanh và giảm nhanh có thể tương tự diễn biến dịch bệnh ở các quốc gia khác như Nam Phi, Anh và Pháp - 3 nước cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng COVID-19 do biến thể Omicron gây ra.

Chiều hướng sụt giảm số ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận rõ rệt nhất ở các bang đầu tiên bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bệnh mới, đặc biệt là ở phía Đông Bắc, bao gồm New York, New Jersey và Maryland. Tuy nhiên, số ca mắc mới COVID-19 vẫn tăng nhanh ở các khu vực phía Tây nước Mỹ, bao gồm các bang New Mexico, Arizona và Utah.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại New York, Mỹ . Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu,  Hy Lạp đã bắt đầu áp dụng các hình thức xử phạt nhiều lần đối với những người từ 60 tuổi trở lên không tiêm vaccine ngừa COVID-19. Mục đích của quy định mới là nhằm cố gắng nâng cao khả năng miễn dịch trong nhóm tuổi dễ bị tổn thương nhất này, ngay cả khi tốc độ lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra đang trên đà giảm xuống ở Hy Lạp.

Cụ thể, mức phạt 100 euro (khoảng 113,36 USD) hàng tháng được công bố hồi tháng 11/2021 đối với những người từ 60 tuổi trở lên không tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc không đăng ký lịch hẹn tiêm chủng trước ngày 16/1/2022 đã góp phần khiến tỷ lệ đồng ý tiêm vaccine trong nhóm tuổi này lên tới hơn 90%. Đối với 10% còn lại, khoản phạt 50 euro sẽ được thu qua các cơ quan thuế trong tháng 1/2022 và mức phạt sẽ lên tới 100 euro mỗi tháng kể từ tháng 2 năm nay nhằm góp phần tài trợ cho các bệnh viện công.

Trong khi đó, CH Cyprus dự kiến nới lỏng hạn chế đi lại kể từ ngày 1/3 bằng cách bãi bỏ yêu cầu trình giấy xét nghiệm âm tính trước khi đi du lịch đối với những du khách đã tiêm chủng và những người khỏi bệnh COVID-19. Các du khách được coi đã tiêm chủng là những người đã tiêm mũi vaccine thứ 3, hay những người đã tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản và thời gian tiêm không quá 9 tháng kể từ mũi tiêm cuối cùng.

Trong khi đó những du khách phục hồi sau khi mắc COVID-19 cần một chứng nhận do một nước ban hành, trong đó có những nước là thành viên của hệ thống Chứng nhận Điện tử COVID-19 của EU (EUDCC). Thời hạn du lịch tại CH Cyprus không được quá 180 ngày kể từ chẩn đoán dương tính đầu tiên với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.  

Tại châu Á, Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) đã gia hạn lệnh cấm đối với các chuyến bay thương mại quốc tế theo lịch trình đến ngày 28/2/2022, trong bối cảnh nước này đang hứng chịu làn sóng COVID-19 thứ ba được cho là do biến thể Omicron gây ra. Tuy nhiên, hạn chế này sẽ không áp dụng cho các hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế và một số chuyến bay nhất định được DGCA phê duyệt cũng như các chuyến bay theo thỏa thuận "bong bóng du lịch ”.

DGCA hồi tháng 12/2021 đã gia hạn lệnh cấm đối với các chuyến bay thương mại quốc tế theo lịch trình đến ngày 31/1/2022. Ấn Độ đã cấm khai thác các chuyến bay quốc tế vào ngày 23/3/2020 để ngăn chặn và kiểm soát tình trạng lây lan của dịch bệnh COVID-19. Sau đó, các hạn chế về chuyến bay đã được nới lỏng theo thỏa thuận bong bóng giữa Ấn Độ với một số quốc gia khác trên thế giới. 

Minh Châu/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm