Thành phố Hồ Chí Minh lấy mẫu tầm soát SARS-CoV-2 cho hơn 5 triệu người

26/06/2021 20:45 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoaa.vn) - Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh và các ca bệnh liên tục được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện, ngày 26/6, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân, người lao động tại khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh COVID - 19 trên địa bàn Thành phố trong 10 ngày với hơn 5 triệu người được lấy mẫu.

Cập nhật dịch Covid-19 tối 26/6: Thêm 123 ca mắc mới, riêng TP.HCM có 58 ca

Cập nhật dịch Covid-19 tối 26/6: Thêm 123 ca mắc mới, riêng TP.HCM có 58 ca

Bản tin dịch Covid-19 của Bộ Y tế tối ngày 26/6 cho biết có thêm 123 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trong ngày lên 175 ca, riêng TP Hồ Chí Minh 58 ca.

Theo đó, Thành phố sẽ tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân, người lao động trên địa bàn, phát hiện kịp thời trường hợp nhiễm COVID-19 để chủ động phòng, chống dịch; qua đó giúp đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng, triển khai các biện pháp đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, không để dịch lan rộng.

Cụ thể, từ ngày 26/6 đến hết ngày 5/7 tiến hành lấy mẫu tại tất cả các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, kể cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Trong đó, tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân trên địa bàn tại các quận, huyện đang có nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 như: Quận 8, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh. Phương thức thực hiện là lấy mẫu gộp (gộp 10, gộp 15) với số lượng dự kiến 500.000 người/ngày.

Chú thích ảnh
Ảnh: TTXVN

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các đơn vị tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân, người lao động trên địa bàn theo đúng quy định phòng, chống dịch. Công tác lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu xét nghiệm phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn sinh học, thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế đối với dịch bệnh nhóm A.  

Sở Y tế Thành phố chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố chịu trách nhiệm chính trong đợt cao điểm tầm soát diện rộng, hướng dẫn chuyên môn chỉ định lấy mẫu đơn, mẫu gộp; điều phối mẫu thực hiện xét nghiệm; đảm bảo cung cấp vật tư, hóa chất, môi trường,…phục vụ cho công tác lấy mẫu, xét nghiệm; đồng thời tổ chức theo dõi, giám sát công tác lấy mẫu, đóng gói, bảo quản, vận chuyển mẫu; khẩn trương trả kết quả. Huy động nhân viên y tế tại các bệnh viện, sinh viên ngành y năm cuối tại các trường đại học chuyên ngành y khoa bổ sung cho lực lượng lấy mẫu; lực lượng nhập liệu là sinh viên, đoàn viên, thanh niên; tổng hợp báo cáo kết quả tiến độ thực hiện kế hoạch hàng ngày. 

Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phối hợp Sở Y tế đảm bảo công tác lấy mẫu được tổ chức thuận lợi, đảm bảo an toàn và thực hiện trong thời gian ngắn nhất. Chịu trách nhiệm bố trí địa điểm lấy mẫu trên địa bàn; huy động lực lượng điều phối vị trí, sắp xếp linh động và phân chia thời gian cụ thể theo từng tổ dân phố, tổ nhân dân, khu phố, ấp, phường, xã, thị trấn để đảm bảo giãn cách trong quá trình lấy mẫu, tránh việc lây nhiễm chéo. Yêu cầu người dân thực hiện đúng nguyên tắc 5K trong quá trình chờ lấy mẫu. Báo cáo việc triển khai và kết quả thực hiện hàng ngày về cho Sở Y tế.

Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý khu công nghệ cao Thành phố phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện triển khai kế hoạch xét nghiệm cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; chỉ đạo các Công ty hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp được lấy mẫu chuẩn bị lập danh sách nhân viên được lấy mẫu theo khung giờ nhằm đảm bảo giãn cách an toàn phòng, chống dịch; phối hợp trong công tác điều phối, tổ chức để việc lấy mẫu tầm soát diễn ra đúng tiến độ và an toàn nhất.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm